- Sau kiến nghị kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Tp Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ, điều đáng tiếc nhất là nếu sớm kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn thì đã không có hậu quả nặng nề như bây giờ.
Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa diễn ra sáng qua, ngày 29/9 với thông báo quan trọng, kiến nghị các hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Tp Đà Nẵng.
Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua đã được đẩy mạnh, tiến hành rộng khắp đối với nhiều đơn vị, cá nhân. Nhiều kết quả đã đạt được như có nhiều cá nhân, đơn vị vi phạm kỷ luật Đảng, có dấu hiệu tham nhũng đã bị xử lý hoặc đề xuất xử lý kỷ luật, góp phần tạo dựng thêm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Để tìm hiểu sâu về công tác kiểm tra của Đảng, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vấn đề này.
Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:
Đảm bảo quyền được biết của cán bộ, Đảng viên, nhân dân
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, công tác kiểm tra của Đảng, vốn là lĩnh vực ít người biết đến, thế nhưng thời gian gần đây, những cuộc họp, những thông báo của Uỷ ban luôn được công khai và được sự quan tâm đặc biệt từ nhân dân. Vậy xin bà có thể cho biết, do đâu có sự thay đổi lớn như vậy ?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà: Trước hết, phải nói đến nhận thức. Ngay từ khi thành lập Đảng, Bác Hồ cũng đã khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác kiểm tra của Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, các mặt trái của nó là tác động hằng ngày, hàng giờ đến cán bộ, Đảng viên, 4 nguy cơ vẫn còn đang hiện hữu...
Ngay từ năm 2007, tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành TW Đảng khóa VII đã ra Nghị quyết 14, nêu rõ: Phải đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra của Đảng.
Thông báo Kết luận số 226 của Ban Bí thư ban hành năm 2009 đã nói rõ, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là lên các tạp chí, các báo, đài phát thanh của trung ương, địa phương.
Giai đoạn trước, chúng ta mới chú trọng tới việc đăng các thông tin trên các tạp chí, báo Đảng và tài liệu phục vụ lãnh đạo. Chúng ta có đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng cũng chưa nhiều. Về mật độ thông tin các kỳ họp của Ủy ban thì có kỳ họp đưa, cũng có kỳ không đưa thông tin. Về mặt nội dung, có lúc chúng ta chỉ đưa thông tin khái quát về kết quả phiên họp mà không có thông tin chi tiết cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Uỷ viện Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ với Góc nhìn thẳng về kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh (ảnh: VietNamNet) |
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chúng ta phải tăng cường hơn nữa, phải đổi mới hơn nữa để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cụ thể là trong các kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra các thông báo, các kết luận chi tiết hơn, đầy đủ hơn, rõ việc, rõ người hơn để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền cho nhân dân một cách rõ nét nhất.
Về mặt thực tiễn, điều đó cũng phản ánh quyền và nhu cầu được biết của cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Nghị quyết khẳng định như thế.
Từ những việc tuyên truyền như vậy, nhân dân sẽ có niềm tin hơn vào Đảng, rằng Đảng kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực. Và với niềm tin đó, nhân dân lại chủ động tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
Nhà báo Phạm Huyền: Người dân cũng như cán bộ, đảng viên vừa qua tỏ rõ sự tin tưởng hơn khi các Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, kiến nghị kỷ luật đối với nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, thậm chí, cả những vị là Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, lãnh đạo về hưu đều bị xử lý kỷ luật... Bà đánh giá như thế nào về những kết quả như vậy?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà: Trước hết, để có được những kết quả như vừa rồi, phải nói rằng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tư tưởng thứ nhất của Uỷ ban Kiểm tra, là công tác kiểm tra giám sát có mục đích là để “trị bệnh cứu người”.
Tư tưởng thứ hai của Ủy ban Kiểm tra là “không có vùng cấm”. Bất kể tổ chức Đảng nào, Đảng viên nào có dấu hiệu vi phạm, có khuyết điểm vi phạm thì phải kiểm tra. Việc kiểm tra này là để làm rõ các dấu hiệu, sau đó rút kinh nghiệm. Và khi đã làm rõ rồi, nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải xem xét thi hành kỷ luật.
Cũng phải nói thêm rằng, riêng việc xử lý kỷ luật là phải bám vào các quy định, không thể xa rời các quy định. Vi phạm ở mức nào thì cần phải xử lý kỷ luật ở mức tương xứng đó. Không phải là vi phạm như thế này, lại xử lý kỷ luật như thế kia, không tương xứng.
Khi làm công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đã đồng thời quán triệt đến Uỷ ban Kiểm tra các cấp, làm như thế nào để kiểm tra một việc, một người, một tổ chức mà có nhiều người cùng rút kinh nghiệm.
Đó là bài toán, là vấn đề không phải lchỉ có đi kiểm tra mới quan tâm, mà sau khi đi kiểm tra, phải xử lý thông tin như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng mới thực sự có hiệu quả.
Sớm kiểm tra, vi phạm nhỏ đã không thành vi phạm lớn
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, trở lại với những thông tin mới nhất, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa họp, đưa ra các kiến nghị xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh.
Có thể thấy có những trường hợp đã bầu cử, bổ nhiệm xong và trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, sau đó, mới thấy có các kết quả kiểm tra, kết luận các vi phạm. Phải chăng, công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa thuyết phục, việc phát hiện sai phạm còn chậm?
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Tp Đà Nẵng vừa bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị kỷ luật vì các sai phạm |
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà: Thực ra, đối với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng là không có vùng cấm.
Vừa rồi, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải xem xét, quyết định kỷ luật những đồng chí là lãnh đạo, cán bộ cấp cao. Đây là điều rất đáng tiếc.
Tiếc ở chỗ, nếu chúng ta sớm kiểm tra, sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn, thì những vi phạm nhỏ không trở thành những vi phạm lớn và gây ra hậu quả không nặng nề.
Ngay cả trường hợp đồng chí Nguyễn Xuân Anh cũng vậy, nếu ngay từ khi làm quy trình tiếp nhận, đề bạt cán bộ từ năm 2008, khi bầu làm Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Tp Đà Nẵng), chúng ta thẩm định kỹ hồ sơ bằng cấp, phát hiện ra được vấn đề thì lúc đó, đồng chí có thể học, hoàn thiện trình độ Đại học thì hậu quả sẽ không nặng nề như bây giờ.
Với những lẽ như vậy, hiện nay, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đặt ra một vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, là phải đổi mới, kiểm tra và giám sát của Đảng để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
Nhà báo Phạm Huyền: Như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, thẩm định bằng cấp là việc không khó để thực hiện. Nhưng với trường hợp khác như Trịnh Xuân Thanh, liên quan đến lĩnh vực điều hành quản lý kinh tế, trong khi việc phát hiện sai phạm ở lĩnh vực này là rất khó làm nhanh. Theo bà, làm thế nào để giải quyết những bất cập này trong công tác kiểm tra?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà: Có thể nói, đối với cán bộ được giao những chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp thì trước hết, nhiệm vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp đó phải được thực hiện đúng luật, Pháp lệnh.
Tuy nhiên, đối với hoạt động kinh tế, thường phải điều hành trong vòng 1-2 năm mới bắt đầu có kết quả. Cho nên, để phát hiện ra được ngay các vi phạm trong quản lý, điều hành kinh tế, sản xuất kinh doanh..., thường bao giờ cũng có độ trễ.
Độ trễ ở đây, ví dụ như chương trình, dự án cần có thời gian, thời lượng nhất định để triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cái đúng, cái sai lúc đó mới bắt đầu bộc lộ.
Trong khi đó, thông thường, các cuộc kiểm tra của Đảng, Thanh tra Chính phủ cũng phải làm trên các cơ sở, trong các năm đó, trong khoảng thời gian nhất định đó, anh điều hành kinh tế có đạt được các yêu cầu hay không, có hoàn thành nhiệm vụ hay không? Thế nên, việc tức thời phát hiện ngay vi phạm ở lĩnh vực này là rất khó.
Ngay cả trong quy định của Luật Doanh nghiệp, nếu để doanh nghiệp 2 năm thua lỗ thì mới bắt đầu xem xét đến trách nhiệm giám đốc. Năm đầu tiên thua lỗ thì cũng có kiểm điểm, tìm ra nguyên nhân như thế nào, nhưng nếu xem xét trách nhiệm để kỷ luật thì phải tầm 2 năm trở lên.
Như vậy, rõ ràng đối với đồng chí được giao trách nhiệm quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lãnh đạo điều hành kinh tế lớn thì phải có một khoảng thời gian để chúng ta đánh giá tổng thể.
Chỉ trừ khi, những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các chương trình dự án cụ thể, có móc nối, ăn chia hoặc có những chương trình dự án không thực hiện theo đúng cam kết ban đầu thì có thể phát hiện được ngay.
Còn nếu muốn đánh giá tổng thể có sai phạm hay không đối với các cán bộ lãnh đạo ở lĩnh vực này, lại cần phải có một quá trình.
Trung ương làm mạnh, tỉnh lại e dè, né tránh
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy, chúng ta có những giải pháp cụ thể nào cho các trường hợp này để đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng kịp thời chính xác?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà: Vẫn phải là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, làm sao để chúng ta cần có ngay các thông tin để xử lý ngay từ đầu.
Có thể nói, trong điều hành, có những quyết đáp mà thấy không theo đúng quy trình, không tuân theo các quy định là phải phát hiện ngay. Làm như vậy, chắc chắn, chúng ta sẽ hạn chế được những vi phạm lớn, hậu quả lớn.
Không phải là theo cách cứ kéo dài, để rồi 1-2 năm mới kiểm tra, mới phát hiện. Cho nên, đây là việc mà sắp tới, chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ.
Nhà báo Phạm Huyền: Vậy, xin bà cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra Trun gương tập trung vào các công việc trọng điểm nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà: Trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ phải đảm bảo triển khai toàn diện 6 nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, trong đó, phải chú ý vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
Đó là giải quyết việc tố cáo đối với các tổ chức Đảng và đặc biệt là các đồng chí ở diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Thứ hai là phải tập trung phát hiện và kiểm tra, kết luận đối với những tổ chức Đảng và Đảng viên có dấu hiệu vi phạm.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xác định là, mình phải làm tốt công tác hướng dẫn cho Ủy ban cấp dưới. Vì hiện nay, tư tưởng đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra là được triển khai trong toàn Đảng, nhưng phải nói rằng, một số nơi làm rất tốt, một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc kiểm tra vẫn còn e dè, nể nang hoặc né tránh.
Chính vì vậy, có một cảm giác là trên Trung ương thì làm rất mạnh nhưng ở phía dưới, Ủy ban kiểm tra các tỉnh thực hiện mờ nhạt, không phát hiện được vấn đề gì, rồi cuối cùng, cũng lại đến khi Trung ương về kiểm tra thì mới thấy được vấn đề. Những việc như vậy, tôi cho rằng, chúng ta phải hạn chế dần.
Việc thứ ba là Ủy ban kiểm tra Trung ương phải làm tốt chức năng tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát và về kỷ luật của Đảng để Ban bí thư có những chỉ đạo kịp thời, sát hơn và Ủy ban kiểm tra làm việc cũng hiệu quả hơn.
Với 3 việc đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình với một tinh thần đổi mới về mặt phương pháp, làm nhanh, làm gọn, làm đến đâu, kết luận đến đó, với tinh thần chủ động nhất, tích cực nhất, không ngại va chạm và cũng với tinh thần kiên trì, bền bỉ.
Về mặt nội dung, chúng ta tập trung vào những khâu yếu, những nơi nhạy cảm, nơi dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, ví dụ như công tác cán bộ, quản lý đất đai, về tài chính, về xây dựng cơ bản, thậm chí cả việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành quy chế, chế độ làm việc.
Ngay cả trong khâu cán bộ, các quy trình rất đầy đủ, trong quá trình thực hiện cũng không được bỏ sót một khâu hoặc đơn giản hoá một quy trình nào hết mà phải làm đầy đủ.
Nếu khó thì báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, khó nữa thì tranh thủ tham vấn các các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành để cùng Ủy ban kết luận các vụ việc có tính chất chuyên môn, chuyên ngành.
VietNamNet
Thực hiện: Khôi Nguyên- Phạm Huyền
Video: Xuân Quý, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên
email: [email protected]