Không thể phủ nhận vụ bắt giữ CFO của Huawei là một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc, tại Vancouver tuần trước (hiện bà Mạnh đã được Tòa án tại Canada cho phép tại ngoại với số tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD), đã đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc cạnh tranh “ngôi đầu” giữa Washington và Bắc Kinh trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, robot và sinh học tổng hợp. Trọng tâm hiện nay là các công nghệ không dây thế hệ 5 (mạng 5G), hứa hẹn biến đổi bộ mặt của hệ thống kết nối kỹ thuật số trong nhiều năm tới.
Mỹ – nước dẫn đầu về công nghệ trong thế kỷ 20 – giờ đang lo ngại rằng Trung Quốc sắp đuổi kịp mình. Washington biết rằng nếu để mất vai trò lãnh đạo về công nghệ vào tay Bắc Kinh, đồng nghĩa với việc hủy hoại vai trò chế ngự toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ 21. Vì vậy, họ đã chọn tập đoàn Huawei – đứa “con cưng” của chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” – làm mục tiêu mới nhất. Ví Huawei như “con ngựa thành Troy” phục vụ lợi ích của Trung Quốc, Washington đã kêu gọi các đồng minh – Australia, Canada, Anh và gần đây nhất là Nhật Bản – tham gia một lệnh cấm toàn cầu đối với công ty này. Vụ bắt giữ “công chúa” Huawei Mạnh Vãn Châu cũng chính là cuộc “đốt lửa chặn” như thế.
Tuy nhiên, Washington đang phải cân nhắc tác động của vụ bắt giữ trên đối với các “gã khổng lồ” công nghệ của chính mình, vốn không tách rời với Trung Quốc. Mọi nỗ lực nhằm cắt đứt sự phụ thuộc lớn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Bắc Kinh, nhưng cũng khiến các công ty Mỹ “chịu trận” không nhỏ. Chuyên gia bình luận Jim Cramer của CNBC cho biết: “Vụ bắt giữ đồng nghĩa với việc mọi công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ và đang làm ăn tại Trung Quốc, như Apple hay Micron, Intel hay Skyworks, cả Qualcomm và Broadcom… tự động giảm giá trị”.
Về phần mình, khi Bắc Kinh cân nhắc trả đũa vụ bắt giữ trên, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phải đối mặt với một sự “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu đáp trả mạnh tay chắc chắn sẽ làm leo thang đối đầu với Mỹ, nhưng nếu nhẹ tay, ông Tập sẽ bị người dân trong nước đánh giá là nhu nhược. Thực tế là dư luận tại Trung Quốc, cũng như các tuyên bố chính thức, đã thể hiện sự tức giận chống Mỹ. Suy nghĩ Mỹ tàn nhẫn ngáng chân Trung Quốc đang chiếm đa số.
Vì không muốn gia tăng đối đầu với Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đang diễn ra, Bắc Kinh đã quyết định áp dụng chiến lược “giết gà dọa khỉ”, quay ra “gây chiến” với Canada sau vụ bà Mạnh bị bắt tại Vancouver.
Vụ bắt giữ CFO của Huawei là một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ |
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đã triệu Đại sứ Canada tại Bắc Kinh John McCallum để gửi thông điệp “phản đối mạnh mẽ” và chính thức yêu cầu ngay lập tức thả bà Mạnh. Trong khi đó, truyền thông chính thức của Trung Quốc đồng loạt lên án việc Canada bắt giữ bà Mạnh, đồng thời cảnh báo “những hậu quả nghiêm trọng” có thể xảy ra nếu bà không được thả.
Tân Hoa xã và tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đều chỉ trích Canada và cảnh báo sẽ có hành động đáp trả Ottawa nếu bà này không được trả tự do. Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 9/12 có đoạn: “Nếu Canada định lấy lòng Mỹ bằng cách đối xử không công bằng với bà Mạnh, điều này không phục vụ cho lợi ích quốc gia của Canada”. Báo trên cảnh báo lợi ích của Canada chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu quan hệ Trung Quốc-Canada có nguy cơ trở nên căng thẳng.
David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, nhận định Trung Quốc muốn “giải quyết” với các đối thủ không ngang tầm (Canada) để “làm gương” cho một người chơi lớn hơn (là Mỹ). Lời cảnh báo là: “Hãy nhìn những gì chúng tôi làm với một đất nước như Canada”. Tuy nhiên, cựu Đại sứ cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc thường tìm cách đe dọa các nước khác để có được cái mà họ muốn trong khi không cần phải thực hiện những đe dọa đó. Trên thực tế, Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada, ông Jim Carr cho biết vẫn chưa có thông báo nào từ phía Trung Quốc về việc các “hậu quả” mà họ cảnh báo sẽ như thế nào.
Khách quan mà nói, Canada không có nhiều lựa chọn ngoài việc làm theo yêu cầu của giới chức Mỹ, bắt giữ bà Mạnh khi bà quá cảnh ở sân bay Vancouver. Ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Ottawa là ngăn chặn nguy cơ bị chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ Canada. Phát biểu tại Toronto, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định việc bắt giữ bà Mạnh không hề có động cơ chính trị, đồng thời cho biết việc này là vì Canada phải “thực hiện các nghĩa vụ quốc tế” của mình.
Canada hiện đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến giành vị trí chi phối toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc, và nước này đang "mắc kẹt" ở giữa thương chiến Trung - Mỹ.
Không thể phủ nhận vụ bắt giữ CFO của Huawei là một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. Trước đây, Huawei từng bị cáo buộc - giống như nhiều công ty Trung Quốc khác - là sao chép công nghệ do phương Tây phát triển rồi sau đó qua mặt các đối thủ nhờ khả năng cạnh tranh về giá thành. Tuy nhiên, Huawei hiện chi mạnh tay hơn so với nhiều tập đoàn hùng mạnh khác trên thế giới trong việc nghiên cứu và phát triển. Huawei từng vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính nhờ một thị trường nội địa rất mạnh tại Trung Quốc. Và thị trường ấy có thể sẽ lại một lần nữa phát huy tác dụng nếu Huawei tiếp tục mất các hợp đồng ở thị trường phương Tây./.
Diệu An
Bắt bà Mạnh: Chiến thuật “bắt nạt” và “hạ nhục”?
Việc Washington yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu cho thấy Mỹ đã “chơi bài ngửa” với Trung Quốc.
Bắt bà Mạnh- Tại sao lại là một giám đốc tài chính?
Giám đốc tài chính tập đoàn Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada và sẽ được dẫn độ sang Mỹ. Chuyện gì đang xảy ra?
Đằng sau chiếc “phanh” hãm cuộc thương chiến Mỹ – Trung?
Cuộc gặp Trump – Tập được tuyên bố là đôi bên cùng thắng, tuy nhiên, đừng tin vào những gì quảng cáo.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Con bài lợi hại của Bắc Kinh
Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt nhân” của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Mỹ không thể đối phó Trung Quốc theo kiểu thời chiến tranh lạnh
Sự ra đời của Chiến lược Ấn - Thái thực chất là một nước cờ để kiểm soát, đối kháng một Trung Quốc trỗi dậy thiếu hòa khí?