Vào khoảng 20h15, ngày 8/5, tại km 11+300 đại lộ Thăng Long xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô bán tải với xe máy lưu thông ngược chiều tại làn đường dành cho xe ô tô chạy với tốc độ tối đa 100km/h. Hậu quả, nạn nhân là một phụ nữ trẻ đã tử vong tại chỗ.
Trước nhiều ý kiến, trong đó có một luật sư trả lời trên báo chí tỏ ý "bênh vực" cho nạn nhân đi xe máy ngược chiều và quy kết tài xế xe bán tải có thể phải bị xử lý hình sự, độc giả Đặng Văn Sơn (Nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3 - Hà Nội) đã có bài viết gửi báo VietNamNet, nêu quan điểm cá nhân của mình về vấn đề trên.
Dưới đây là bài viết của độc giả:
Có thể nói, đại lộ Thăng Long là con đường nguy hiểm bậc nhất, hàng loạt vụ tai nạn chết người liên quan đến xe máy đi ngược chiều đã được ghi nhận trong những năm gần đây.
Ngoài vấn nạn xe máy đi vào cao tốc và đi ngược chiều thì còn vấn nạn nữa do chính lái xe ô tô gây ra là đi vào cao tốc nhưng đi với tốc độ rùa bò tại làn bên trái khiến ùn ứ xảy ra, lưu thông bị ảnh hưởng rất lớn, trong khi làn bên phải (làn 80km/h) thì ít có người đi. Điều này liên quan rất nhiều đến tư duy đường làng, đường phố và tư duy đường cao tốc.
Trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 100km/h, người ta thường quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe lưu thông cùng chiều là khoảng 70m. Điều này được nghiên cứu, tính toán dựa trên quãng đường phanh của một số loại xe thông thường từ thời điểm nhận biết nguy hiểm đến lúc xe dừng hẳn. Với điều kiện đường ướt thì khoảng cách này có thể tăng lên cao hơn. (Biểu đồ sau chỉ rõ điều đó).
Tuy nhiên, đối với các siêu xe đắt tiền thì quãng đường này chỉ trên 30 mét, nhưng là xe rất đắt tiền chứ không phải xe phổ thông.
Quay lại vụ tai nạn trên, nếu người lái xe ô tô nhìn thấy và nhận biết có xe máy ngược chiều thì việc phanh chỉ có tác dụng từ khoảng cách trên 70m với điều kiện đường khô và xe máy đứng yên. Trong trường hợp xe máy cũng di chuyển và 2 xe cùng phanh thì quãng đường có thể tăng gấp đôi là 140m.
Tôi đã nhiều lấn chứng kiến xe máy đi vào đại lộ Thăng Long với tốc độ trên 80km/h. Trong điều kiện trời tối và 2 xe cùng lưu thông bên làn trái vốn có ánh sáng yếu hơn do gần rất nhiều cây xanh, nếu ô tô không thể phanh kịp vẫn có thể xảy ra tai nạn, còn nếu tài xế nếu đánh lái thì khả năng lật xe là rất cao ở tốc độ đó. Trường hợp xấu hơn, nếu xe máy không bật đèn thì gần như chắc chắn không thể tránh được tai nạn.
Dưới góc độ đó, thì không hiểu tại sao ô tô phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra va chạm khi họ đã cố gắng phanh, hoặc không thể nhận biết có xe máy đi ngược chiều ở làn đường không được phép, đặc biệt là vào buổi tối. Trong trường hợp người lái xe máy không tử vong thì ai sẽ bị phạt?
Quả đúng là oan gia!
Độc giả Đặng Văn Sơn - Nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy - báo VietNamNet theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!