Xây dựng quy định gắn mác “made in Vietnam”
Chia sẻ với PV. VietNamNet, một cán bộ của Bộ Công Thương cho hay: Sau những vụ như Khaisilk, rồi Asanzo này thì việc quy định rõ ràng hàng hóa thế nào mới được gắn mác “made in Vietnam” là rất bức thiết.
Hồi tháng 2 năm nay, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cảnh báo: Xuất phát từ thực tế Nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã khẳng định được chất lượng cao, ổn định, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
Có trường hợp thương nhân không cố tình gian lận, nhưng quan niệm của thương nhân về vấn đề này còn đơn giản, không nhận thức hết những ảnh hưởng to lớn đối với nền sản xuất quốc gia.
Cần thiết có quy định rõ ràng việc dán nhãn made in Việt Nam |
Để khắc phục tình trạng này, cán bộ của Bộ Công Thương cho biết: Từ năm 2018 Bộ Công Thương đã trao đổi với các bộ, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ (liên quan Nghị định 43 về nhãn hàng hóa), Bộ Tư pháp. Sau đó, Bộ đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu xây dựng một Nghị định về vấn đề “made in Vietnam” này.
Sau đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến là cho phép làm thông tư, không làm Nghị định. Hiện Bộ Công Thương đang xúc tiến các công việc để xây dựng thông tư quy định ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.
Vị này cho biết: Trong quá trình thảo luận về dự thảo thông tư này, tinh thần chung là hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ như quy định tại Nghị định 31 cộng thêm một số điều kiện nữa thì được gắn mác “made in Vietnam”. Bởi Nghị định 31 mới chỉ xác định xuất xứ hàng hóa để cấp các C/O theo các hiệp định thương mại, tức chúng ta có một quy định tương đối về xuất xứ hàng hóa rồi nhưng chưa có gì ràng buộc quy định đó với việc gắn mác “made in Vietnam” cả.
“Thông tư này khâu nối 2 việc đó với nhau. Điều đó có nghĩa sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu nêu ra trong Nghị định 31 và thông tư này thì sẽ được coi là sản xuất tại Việt Nam. Khi đó, chúng ta mới có cơ sở để tham chiếu những vụ việc như vừa rồi, xem DN có được dán nhãn “made in Vietnam” hay không”, cán bộ Bộ Công Thương chia sẻ.
Khi có quy định rõ ràng, doanh nghiệp có cơ sở xác định gắn mác “made in Vietnam” lên sản phẩm. Còn cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ sở xác định DN vi phạm quy định gắn mác hay không. Nói chung xã hội cần một quy định như vậy để cả DN và cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ thực hiện.
Các nước phạt nặng
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn chung, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể. Ví dụ quy định của Thụy Sỹ đối với đồng hồ, quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len, quy định của New Zealand đối với rượu vang...
Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định.
Các nước đưa ra quy định cụ thể về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa nhằm mục tiêu bảo hộ ngành hàng sản xuất tại nước đó nói chung và bảo hộ thương hiệu của sản phẩm cụ thể. Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như “made in... , produced in... ” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in... , assembled in... , processed in... , packaged in... , imported by/for”.
Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro. Tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu USD Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1-14 năm.
Trả lời PV. VietNamNet, luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH Bizlink - cho rằng: Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về dán nhãn “made in Vietnam”, không có quy định thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí, chúng ta có chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng tiêu chí thế nào là hàng Việt Nam cũng không có.
Một DN nhập hàng từ Trung Quốc về bán ở Việt Nam, rồi bóc nhãn made in China ra để dán đè dòng chữ “made in Vietnam” hoặc xuất xứ Việt Nam lên thì không vi phạm quy định về dán nhãn hàng hóa. Thế nhưng DN đó vi phạm việc lừa dối người tiêu dùng. Điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng đã quy định cung cấp sai thông tin, làm người dùng nhầm lẫn là hành vi vi phạm.
"Hành vi này tùy mức độ nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng để xử lý tội hình sự hay xử lý vi phạm hành chính", ông Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ.
Vì thế, việc Bộ Công Thương xây dựng thông tư về dán nhãn “made in Vietnam” là rất cần thiết. Quy định đó cần có nội dung yêu cầu về hàm lượng giá trị tạo ra trong nước như đã nêu tại Nghị định 31.
"Việc chúng ta xây dựng tiêu chuẩn thế nào là hàng Việt Nam cũng chính là cách để khuyến khích sản xuất hàng Việt Nam. Nếu không DN cứ đi nhập linh kiện của Trung Quốc, hoặc gia công toàn bộ ở Trung Quốc theo đơn đặt hàng của DN Việt, chỉ dán nhãn tên DN rồi về Việt Nam bán", ông Nguyễn Đức Mạnh nói.
"Không thể nói lắp ráp đơn giản với 2-3 mảng miếng mà ai cũng làm được, rồi tự nhận là hàng “made in Vietnam”. Thậm chí, dù giai đoạn lắp ráp cuối cùng phức tạp cũng không được”, ông Trương Thanh Đức chia sẻ.
Do đó, ông Đức cho rằng phải làm rõ doanh nghiệp đóng góp như thế nào trong quá trình tạo ra sản phẩm. Con số linh kiện là bao nhiêu phần trăm, đóng góp về công nghệ, hàm lượng trí tuệ và vai trò của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm mới được dán nhãn như vậy?
Lương Bằng