Mọi chuyện chỉ bắt đầu từ một cuộc tranh cãi bình thường giữa các nữ sinh trung học về một hóa đơn nhà hàng chưa thanh toán.


{keywords}

Công viên Rowland Heights – nơi Liu bị lôi tới để đánh đập

Tại một quán kem ở Rowland Heights, cuộc tranh cãi càng lúc càng tệ hơn.

3 cô gái hùa nhau “xử” Yiran “Camellia” Liu, buộc cô bé phải quỳ xuống, dùng tay để lau tàn thuốc và vết bẩn của kem dưới sàn nhà – Liu khai tại tòa.

Nhiều thanh niên tham gia vào vụ bắt nạt hơn. Liu cho biết, chúng đưa cô bé tới một công viên gần đó, lột trần cô ra, đá cô bằng giày cao gót, tát vào mặt cô hàng trăm lần, sau đó đốt cháy núm vú cô bằng tàn thuốc lá.

Chúng cắt tóc Liu và bắt cô bé phải ăn. Một số chụp lại cảnh tượng đó bằng điện thoại.

Một đứa con gái tên là Helen nói: “Làm chậm thôi, đừng đá nó mạnh quá. Để chúng ta có thể làm chuyện này lâu hơn” – Liu khai tại phiên tòa sơ thẩm.

Vụ tấn công ngày 30/3 là một hồi chuông cảnh báo không chỉ ở Rowland Heights mà còn ở Trung Quốc – nơi mà nạn nhân và những kẻ tấn công đều là “những đứa trẻ nhảy dù” – một thuật ngữ để chỉ một bộ phận người trẻ Trung Quốc hiện đang sống và học tập ở miền Nam California, Mỹ trong khi bố mẹ chúng vẫn ở quê nhà.

“Những đứa trẻ nhảy dù” thường sống “homestay” ở San Gabriel Valley, được bố mẹ trả tiền cho các khoản nhà ở, ăn uống, đi lại và hỗ trợ nuôi dạy. Hầu hết bọn trẻ đều đang học phổ thông, một số nhỏ hơn, đang học tập ở Mỹ để sau này dễ được nhận vào các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ hơn.

Trong vụ tấn công cô bé Liu, 18 tuổi, 3 nữ sinh bị tòa buộc tội như những người trưởng thành và họ không chấp nhận hình thức phạm tội là tra tấn. Các luật sư cho Yunyao “Helen” Zhai, 19 tuổi và Yuhan “Coco” Yang, 18 tuổi thừa nhận rằng thân chủ của mình có tham gia vào vụ tấn công và họ hi vọng sẽ thỏa thuận thành công để tòa bác bỏ bản án cao nhất dành cho tội này. Tội tra tấn sẽ phải ngồi tù chung thân có khả năng tạm tha. Luật sư của Xinlei “John” Zhang, 18 tuổi lập luận tại tòa rằng thân chủ của ông chỉ là người đứng xem.

Zhai và Zhang cũng không nhận tội đánh đập và đốt cơ thể một nạn nhân khác ở trung tâm mua sắm Diamond Bar trước đó 3 ngày. Tại tòa án vị thành niên, 2 thiếu niên khác cũng thừa nhận có tham gia vào những vụ bạo lực này - theo văn phòng luật sư Los Angeles. Các nhà chức trách cho rằng những thanh thiếu niên khác có liên quan tới 2 vụ việc này đã trốn khỏi nước Mỹ.

Khoảng 2 tuần sau các vụ tấn công, bố của một trong các nghi phạm cũng bị bắt vì tình nghi dùng tiền để can ngắn các nạn nhân theo đuổi vụ án.

Với “những đứa trẻ nhảy dù”, việc sống ở Mỹ là cơ hội để học ngôn ngữ mới, thích nghi với văn hóa mới để tránh kỳ thi đại học gắt gao ở Trung Quốc. Một số em phát triển tốt trong môi trường mới. Các em được nhận vào các trường như ĐH California Berkeley hay ĐH California San Diego. Còn một bộ phận khác, các em bị trượt dài vào yêu đương, bạn bè mà không có bố mẹ hay người thân kiểm soát.

Những lời khai của Liu và nạn nhân vụ tấn công kia tại tòa hé lộ về một thế giới không có người lớn – nơi mà những đứa trẻ suốt ngày tụ tập ở các quán trà, quán karaoke ở phía đông San Gabriel Valley, nơi mà bọn trẻ lái Mercedes, chơi bời thâu đêm tới quá 2 giờ sáng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán Thomas C. Falls nói rằng vụ việc làm ông nhớ tới tiểu thuyết “Chúa Ruồi” của William Golding năm 1954 viết về những cậu bé bị mắc kẹt trên đảo hoang.

“Tôi chắc rằng chúng phải trải qua nỗi cô đơn” – ông Rayford Foutain, luật sư của Yang nói. “Vì thế chúng kết thân với những đứa trẻ khác trong cộng đồng người Trung Quốc nhỏ bé mà không có sự giám sát, không ai giúp đỡ. Và mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát”.

Đi dọc đường Colima sẽ thấy Oxford School – nơi mà một số bị cáo liên quan tới các vụ bạo lực đang theo học. Theo các luật sư bào chữa và thám tử của cảnh sát, bố mẹ các em phải trả khoảng 13.000 USD/ năm để vào học một lớp có khoảng 140 học sinh, hầu hết là tới từ Trung Quốc. Bà Marylee Hull – hiệu trưởng nhà trường – cho biết hầu hết học sinh Oxford đang sống ở Mỹ không có bố mẹ sống cùng. Các em sống theo dạng “homestay” cùng các gia đình người Mỹ, cũng là người giám hộ hợp pháp của các em.

Nhà trường có một điều phối viên “homestay” chịu trách nhiệm về chỗ ở cho các em. Có những trường hợp do gia đình tự sắp xếp. Nhiều người giám hộ “homestay” cũng giữ liên lạc thường xuyên với nhà trường.

Xu hướng “trẻ nhảy dù” bắt đầu vào những năm 1980 - 1990 khi những gia đình giàu có ở Hồng Kông, Đài Loan cho con sang Mỹ sống ở những khu vực ngoại ô Los Angeles cùng với họ hàng hoặc sống một mình trong những căn nhà mà gia đình đã mua.

Vài năm gần đây, ngày càng nhiều trẻ từ đại lục Trung Quốc tới San Gabriel Valley để học tập theo dạng visa sinh viên F-1 truyền thống. Các tờ báo tiếng Trung đầy những mẩu quảng cáo “homestay” cho học sinh phổ thông và trung học ở Arcadia, San Marino, Rowland Heights, Temple City và Walnut.

Trong khi một số trẻ sống cuộc sống phóng túng ở Mỹ thì cha mẹ chúng phải sống khá dè xẻn để dành dụm tiền mua cho con một tấm bằng Mỹ. “Họ nghĩ như thế là tốt nhất cho con cái. Họ không chỉ tổn hao tiền tiết kiệm cả đời mà bây giờ tương lai của con cái họ còn đang trong tình trạng nguy hiểm” – luật sư Daniel Deng, người đại diện cho một trong số các bị cáo nhận định.

{keywords}

Từ trái sang: Yuhan “Coco” Yang, 18 tuổi, Xinlei “John” Zhang, 18 tuổi và Yunyao “Helen” Zhai, 19 tuổi không nhận tội tra tấn, bắt cóc và tấn công trong vụ bạo lực với Yiran “Camellia” Liu.

Ngày 18/6, Zhai, Yang và Zhang bước vào phòng xử án Pomona trong chiếc áo bị cáo màu xanh, tay bị cùm sau lưng. Với số tiền bảo lãnh lên tới 3 triệu USD/ bị cáo, 3 nữ sinh này vẫn bị giam giữ từ khi bị bắt ngay sau vụ tấn công.

Cả 3 bị cáo đều không nhận tội khi phiên dịch viên giải thích quá trình tố tụng với họ bằng tiếng Trung.

Ông Fountain – luật sư của Yang cho rằng thân chủ của ông không quen Liu và chỉ đi cùng đám đông và làm theo chỉ đạo của Zhai.

“Cô ấy là người làm theo, chứ không phải là người cầm đầu” – ông nói sau phiên tòa. “Cô ấy còn rất trẻ và chưa đủ trưởng thành để đánh giá mọi thứ xảy ra trong công viên đó, để đưa ra quyết định cẩn thận hơn”.

Ông Deng thì cho biết, vụ tấn công Liu không chỉ xuất phát do hóa đơn ăn tối chưa thanh toán mà còn do những mâu thuẫn về một chàng trai và những đăng tải trên mạng xã hội miệt thị quê nhà của Zhai – thành phố Thượng Hải.

Tại buổi điều trần, Liu khai rằng Zhai đã ra lệnh cho những người khác nhưng không phải lúc nào cũng trực tiếp ra tay. Luật sư của Zhai – ông Evan Freed – cho biết, thân chủ của ông không phải là kẻ cầm đầu.

Cả ông Fountain và ông Freed đều đề nghị thân chủ của mình cần được đánh giá bởi các chuyên gia tâm lý do tòa chỉ định.

Ở Trung Quốc, vụ việc này cũng gây chấn động giới truyền thông với những bình luận, đánh giá ào ạt của cộng đồng mạng.

Một số bình luận tập trung vào các tòa án của Mỹ, một số thì ca ngợi hệ thống luật pháp đã có những án hình sự cho những kẻ bắt nạt. Ở Trung Quốc, những vụ bắt nạt liên quan tới học sinh, sinh viên thường được giải quyết trong phạm vi nhà trường và gia đình, trong đó có những trường hợp được xoa dịu bằng hối lộ - những người bình luận nói.

Ông Wang Huiyao – giám đốc Trung tâm cố vấn China & Globalization cho rằng sự gia tăng du học sinh ở độ tuổi trung học, phổ thông mà không có người đi kèm chính là nguyên nhân cho tình trạng này.

“Bạn phải giám sát con mình và giữ liên lạc với chúng” – ông Wang nói trên một chương trình truyền hình Trung Quốc bàn về vụ việc ở Rowland Heights.

  • Nguyễn Thảo (Theo LATimes)