Liên quan đến vụ việc 4 người trong một gia đình tử vong bất thường ở thôn Kim Long Trung (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được phát hiện vào chiều 17/1, CQĐT xác định nghi phạm là Vũ Văn Vương (52 tuổi). Người này đã thừa nhận việc sát hại mẹ đẻ, vợ và 2 con.
Qua khai thác nhanh, công an xác định đối tượng có dấu hiệu trầm cảm, tâm lý bất thường; kết quả xét nghiệm nghi phạm âm tính với ma túy.
Đánh giá về vụ việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu kẻ gây án có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, cơ quan tố tụng sẽ cho trưng cầu giám định tâm thần để xác định năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi.
CQĐT cũng sẽ làm rõ, trước và trong thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị can có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hay không; làm rõ sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, khả năng nhận thức điều khiển hành vi của bị can thế nào.
Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy, tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, kẻ gây án mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác, làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm hoặc pháp luật quy định bắt buộc phải nhận thức được thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo phân tích của luật sư, trường hợp người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nên đã thực hiện hành vi thì trường hợp này được xác định là không có lỗi, bởi hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Còn trong trường hợp kết quả giám định cho thấy, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi lượng hình, tòa án sẽ xem xét yếu tố tác động đến hành vi có liên quan đến bệnh lý và có thể sẽ giảm một phần hình phạt.
Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy, trước và trong thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi có khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử, sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người này mới mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, trong trường hợp này sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa khỏi bệnh sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì chỉ bị bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa bệnh xong sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi được xác định là không có lỗi.
Theo luật sư, trong vụ việc 4 người tử vong ở Phú Xuyên, hành vi của người đàn ông rất bất thường, CQĐT có thể sẽ tiến hành trưng cầu giám định để xác định xem đối tượng Vũ Văn Vương có bị mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hay không, từ đó làm cơ sở để giải quyết theo quy định của pháp luật.
“Nếu vì vấn đề bệnh lý, bị trầm cảm, không nhận thức được hành vi của mình mà sát hại tất cả những người thân trong gia đình thì đây là một bi kịch hết sức đau lòng. Khi đó, có thể vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra, nhưng nó sẽ là bài học cho rất nhiều người trong việc quản lý người mắc bệnh tâm thần và người gặp vấn đề về tâm lý”, lời Tiến sĩ Đặng Văn Cường.