Dù liên quan đến vụ việc 11.000 sản phẩm nghi giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton, Hermes, Versace, Gucci, Chanel, Adidas, nhưng theo nguồn tin của Báo Hải quan, doanh nghiệp chủ hàng lại có “lịch sử” hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu liên quan đến… rau cải, sầu riêng, xoài…(!?)

vu 11000 san pham nghi gia mao thuong hieu noi tieng bat ngo ve doanh nghiep chu hang
Một số sản phẩm trong lô hàng nghi giả nhãn hiệu

Ngày 23/6, Đội 4 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai) khám xét hàng hóa của Công ty TNHH MTV XNK N.A. Hàng hóa được gửi trong kho của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp N.A tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. Tại đây, lực lượng Hải quan khám xét hàng hóa của 2 xe được nhập về từ Trung Quốc gửi vào kho trong địa điểm giám sát hải quan nhưng doanh nghiệp chưa mở tờ khai nhập khẩu.

Kết quả khám xét, lực lượng Hải quan phát hiện có tới 11.045 sản phẩm là túi xách, ví, giày, thắt lưng, dép, ba lô… gắn nhãn các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton, Hermes, Versace, Gucci, Chanel, Adidas. Cơ quan Hải quan nghi vấn số hàng nêu trên là hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đến xác minh, làm rõ.

Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay, các đối tượng có thủ đoạn tập kết hàng xuống kho trong địa điểm kiểm tra tập kết hàng hóa tập trung nhưng chưa mở tờ khai, chờ điều kiện thuận lợi sẽ mở tờ khai đưa vào nội địa tiêu thụ.

Được biết, Công ty TNHH MTV XNK N.A trực tiếp cho người đón 2 xe tải hàng nêu trên từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai.

Quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi phát hiện thêm thông tin bất ngờ liên quan đến Công ty TNHH MTV XNK N.A (doanh nghiệp chủ hàng). Công ty TNHH MTV XNK N.A được thành lập năm 2015, tuy nhiên trong 2 năm đầu tiên (2015 và 2016) doanh nghiệp chưa mở tờ khai xuất nhập khẩu nào. Đến năm 2017, doanh nghiệp bắt đầu mở một số tờ khai nhập khẩu từ Trung Quốc với các mặt hàng chủ yếu là bắp cải tươi, súp lơ, bông cải xanh…

Liên tiếp những năm sau đó, doanh nghiệp này mở một số tờ khai nhập khẩu hàng hóa chủ yếu từ Trung Quốc nhưng cũng không có tờ khai nào liên quan đến túi xách, ví, giày, thắt lưng, dép, ba lô… Cụ thể, năm 2018, doanh nghiệp tiếp tục mở 2 tờ khai nhập khẩu liên quan đến mặt hàng quặng kẽm; năm 2019 mở 2 tờ khai nhập khẩu thức ăn chó, mèo…

Bất ngờ những tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp mở nhiều tờ khai để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Cụ thể, doanh nghiệp bắt đầu mở tờ khai nhập khẩu từ ngày 9/4 và cập nhật đến ngày 16/6, đã thực hiện tới 20 tờ khai để nhập khẩu rất nhiều hàng hóa khác nhau như: bỉm, tã, bảng đá đen dùng trong trường học, xe đạp, giày trẻ em, dép trẻ em, rau cải thảo…

Đối với hoạt động xuất khẩu, năm 2018 doanh nghiệp bắt đầu mở một số tờ khai xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Bước sang năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Công ty TNHH MTV XNK N.A tiếp tục mở các tờ khai xuất khẩu xoài, sầu riêng, khoai lang… sang thị trường Trung Quốc.

Có thể thấy, suốt quá trình hoạt động vừa qua, Công ty TNHH MTV XNK N.A chưa hề mở tờ khai xuất nhập khẩu nào liên quan đến các mặt hàng thời trang như 2 lô hàng vừa được lực lượng Hải quan phát hiện nêu trên.

“Qua những nguồn tin trinh sát, đặc biệt là từ dấu hiệu lượng tờ khai nhập khẩu được mở tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2020, chúng tôi đưa doanh nghiệp vào tầm ngắm, sau khi củng cố thông tin đã tổ chức kiểm tra thực tế hàng hóa và phát hiện số lượng lớn các mặt hàng nghi giả mạo thương hiệu nổi tiếng nêu trên”- một công chức Đội 4 cho biết.

Đây là một trong những vụ việc lớn liên quan đến hàng hóa nghi giả mạo thương hiệu nổi tiếng được phát hiện gần đây.

Báo Hải quan sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.      

Chủ nhãn hiệu xác nhận hàng hóa là giả mạo

Theo thông tin cập nhật thông từ Đội 4 ngày 6/7, hiện nay, một số công ty luật đại diện cho các nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng trong vụ việc vừa được phát hiện tại Lào Cai đã có văn bản xác nhận hàng hóa được bắt giữ là giả mạo.

Đơn cử như xác nhận của Công ty Luật TNHH THẮNG PHẠM và Cộng sự (Hà Nội)- đại diện ủy quyền của Hermes International (Pháp) là chủ sở hữu nhiều nhãn hiệu tại Việt Nam trong đó có nhãn hiệu HERMES.

Trong vụ việc tại Lào Cai, cơ quan Hải quan tạm giữ 100 chiếc thắt lưng da và 160 đôi dép nam mang nhãn hiệu “HERMES”.

Công ty Luật TNHH THẮNG PHẠM xác nhận các sản phẩm do cơ quan Hải quan tạm giữ trong vụ việc tại Lào Cai mang nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Hermes International.

Các sản phẩm bị tạm giữ không phải là sản phẩm của Hermes International hay bất kỳ chi nhánh/công ty công hoặc bất kỳ đơn vị thứ ba nào được Hermes International cho phép sản xuất và đưa ra thị trường. Chất liệu da, phụ kiện gắn trên sản phẩm không sắc nét, không đúng với quy cách và tiêu chuẩn của Hermes International.

Công ty Luật TNHH THẮNG PHẠM cũng xác nhận Công ty TNHH MTV XNK N.A không có bất kỳ quan hệ kinh doanh nào với Hermes International và không được Hermes International nhượng quyền hoặc cho phép tàng trữ để bán hàng mua bán, XNK các sản phẩm nói trên tại Việt Nam.

Công ty Luật TNHH THẮNG PHẠM khẳng định các sản phẩm do lực lượng Hải quan tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa này là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Hermes International tại Việt Nam.

Công ty Luật TNHH THẮNG PHẠM cho biết thêm, các sản phẩm dép và thắt lưng của Hermes International đang phân phối tại Việt Nam có giá như sau: dép da nam hơn 18 triệu đồng/đôi; thắt lưng hơn 22,3 triệu đồng/chiếc.

Như vậy, nếu là hàng hóa “xịn” thì chỉ với 100 chiếc thắt lưng da và 160 đôi dép nam mang nhãn hiệu “HERMES” trong vụ việc tại Lào Cai sẽ có tổng trị giá tới hơn 5 tỷ đồng.

T.B

Theo Báo Hải quan online