Truyền hình thế giới đã và đang chuyển sang cáp, tín hiệu vệ tinh thì nhà đài cần chiều cao của tháp để làm gì? Phát sóng đi đâu?

Dân lợi ở đâu?

Liên quan tới việc VTV xin xây dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới, PGS.TS Phạm Hùng Cường – Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP. Hà Nội cho biết ông cũng như Hội chưa nhận được bất kỳ một thông tin nào liên quan tới dự án này.

Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Hùng Cường, dự án tháp truyền hình được cho là một công trình lớn, một dự án rất quan trọng do đó bắt buộc phải có những nghiên cứu, đánh giá tác động từ rất nhiều vấn đề.

{keywords}

Phân tích kỹ hơn, một cựu lãnh đạo trường Đại học Xây dựng cho biết, trước khi thực hiện dự án VTV cần làm rõ mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, việc xây tháp truyền hình cao nhất thế giới trong lúc này vì mục đích gì và có thật sự cần thiết không?

Vị chuyên gia cho biết, ở nhiều quốc gia tháp truyền hình thường gắn với biểu tượng của thịnh vượng quốc gia, là điểm nhấn, điểm đến của khách du lịch... nhưng trên thực tế việc kinh doanh, khai thác hay thu hút được khách lên đó thăm quan, ăn, ngủ, nghỉ cũng là vô cùng khó khăn.

Ngay với tòa nhà Bitexco ở TP.HCM, từng lọt top 5 trong danh sách 20 tòa tháp chọc trời ấn tượng nhất thế giới do kênh du lịch CNNGo của hãng tin CNN bình chọn.

Đáng tiếc, không có nhiều du khách nước ngoài và cả trong nước chịu bỏ tiền mua vé lên đây tham quan. Vậy, VTV sẽ khai thác gì ở tòa tháp cao nhất thế giới đó? Kế hoạch biến nó thành điểm tham quan không thể bỏ qua cụ thể ra sao?

Và trong trường hợp không thể khai thác, kinh doanh được thì phải hiểu cái lợi mà VTV giải thích là lợi cho cả ngân sách và lợi cho cả người dân ở điểm gì? Doanh nghiệp sẽ lấy tiền đâu nộp thuế?.

Nên nhớ, thông điệp một công trình phải gắn liền với sự tương thích của nền kinh tế, điều kiện phát triển của xã hội. Khi kinh tế còn khó khăn, ngân sách còn nghèo, người dân còn khổ việc “cắm” một tháp truyền hình cao nhất thế giới ở đâu thì cũng không thể biến nó trở thành đầu tàu kéo cả nền kinh tế đi lên.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng ở đây là bài toán tổng thể phải nghiên cứu. Ông nói rằng, cần phải nhìn vào lợi ích chung của cả đất nước chứ không thể chỉ nhìn vào lợi ích của một vài người hay một cá nhân nào đó.

“Thế giới bây giờ không còn chạy đua về kỷ lục cái gì cao nhất, to nhất nữa, thế giới cần sự chạy đua về trí tuệ về sự phát triển kinh tế, đời sống của con người, của xã hội. Việt Nam phải hướng tới sự khác biệt đó, chứ không nên vì mục đích phô trương, cũng không vì tư duy nhiệm kỳ mà thể hiện, chơi trội bằng mọi giá”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai, liên quan trực tiếp tới giá trị thực tế của tháp truyền hình so với nhu cầu của chính ngành truyền hình.

Giải thích cho những băn khoăn của mình, vị chuyên gia cho hay trong thời đại công nghệ hiện đại, phát triển như vũ bão. Việc VTV xây “tháp truyền hình cao nhất thế giới”, vượt qua Sky Tree, với chiều cao 636m, VTV đã tính toán thế nào?

Ngày nay truyền hình thế giới đã và đang chuyển sang cáp, tín hiệu vệ tinh thì nhà đài cần chiều cao của tháp để làm gì? Phát sóng đi đâu? Đưa một vật thể lên cao có lợi không?

Ông dẫn lại bài học từ tòa nhà cao nhất Đài Loan đã cho thấy, việc đưa một vật thể lên quá cao chính là nguyên nhân gây ra biến dạng các tầng địa chấn và là nguyên nhân gây động đất.

Rõ ràng với một tòa tháp cao như vậy, trọng lượng lớn như vậy chắc chắn nó sẽ tạo ra những biến dạng trong lòng đất, tạo những vết nứt, gãy gây nguy cơ xảy ra động đất rất cao.

Hơn nữa, vị trí đặt dự án nằm ngâm trong vùng đất yếu, nơi tập trung các đốt gãy của dòng chảy sông Hồng chắc chắn sẽ làm biến dạng toàn bộ bề mặt của khu vực đó và có khả năng gây ra những chấn động bổ sung khác. Vậy với trường hợp này, VTV có phương án thế nào?

Vì vậy, vị chuyên gia yêu cầu VTV cần trả lời rõ ràng các câu hỏi trước khi thực hiện dự án: Một là, VTV xây tháp cao để làm gì? Hai là, xây tháp cao VTV tính toán sẽ có bao nhiêu người lên thăm quan trên đó?

Xã hội hóa mà xin ưu đãi... là không được

Tiếp tục phân tích, vị chuyên gia đặt vấn đề về nguồn vốn xây dựng dự án. VTV giải thích sẽ xây dựng dự án bằng nguồn tiền huy động từ doanh nghiệp mà không sử dụng tiền từ ngân sách, việc này không nói ra thì VTV cũng đã nên làm như vậy.

Tuy nhiên, bài toán kinh tế đã được VTV tính toán thế nào? Vị chuyên gia đặt giả thiết, quy mô dự án có thể chỉ cần khoảng 10ha nhưng VTV lại xin tới 14,1ha. Khi đặt dự án tại đó, thị trường BĐS nóng lên, VTV bán đất, lấy nguồn nọ bù nguồn kia rồi nói không dùng tiền ngân sách là không được.

Đã thế, VTV còn xin rất nhiều ưu đãi, xin nhiều cơ chế, chính sách chỉ áp dụng đối với những dự án thực hiện những khu vực vùng sâu vùng xa là không hợp lý.

Theo vị chuyên gia, chính sách ưu đãi không giới hạn sẽ tạo sự bất bình thường, tạo cơ chế bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh.

“Nếu đã tính toán theo cơ chế kinh tế thị trường phải áp dụng đúng cơ chế thị trường. Nếu thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội thì phải thực hiện theo cơ chế đặc thù. Không thể có trường hợp ngoại lệ, nhập nhèm giữa mục đích chính trị với cơ chế thị trường để trục lợi”, nguyên lãnh đạo trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh.

Cuối cùng, cựu lãnh đạo trường Đại học Xây dựng muốn nhắc nhở VTV làm gì cũng phải tôn trọng quy trình, phải tham khảo ý kiến của nhiều đơn vị đặc biệt là các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia quy hoạch, xây dựng để đảm bảo chắc chắn, dự án làm xong rồi sẽ bị bỏ quên.

Theo Đất Việt