Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ chính trị vừa ký ban hành Nghị quyết 57, đúng vào dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22-12-2024. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết (NQ) Khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Từ chỗ thiếu KHCN, ĐMST và CĐS, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về KHCN, ĐMST và CĐS, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp.
NQ Khoán 10 là để thoát nghèo, NQ 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. NQ Khoán 10 là giải phóng sức lao động, NQ 57 là giải phóng sự sáng tạo. Tinh thần chung của cả NQ Khoán 10 và NQ 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.
Đài Truyền hình Việt Nam có thể lấy tinh thần của NQ Khoán 10 và NQ 57 để đổi mới quản trị trong nội bộ VTV, tạo ra một sự giải phóng mạnh mẽ sức lao động, sáng tạo và sự tự chủ cho các đơn vị trong Đài VTV. VTV mà muốn làm nghề tốt thì anh em phải sống tốt. Sống tốt để làm nghề tốt.
Chưa có một quốc gia nào hoá rồng, hoá hổ mà không dùng đến sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần làm cho sức mạnh vật chất tăng lên gấp bội. Những việc lớn, vĩ đại thì lại càng cần đến sức mạnh tinh thần. VTV là Đài Truyền hình quốc gia thì phải nhận lấy sứ mệnh khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, khơi dậy tinh thần sánh vai cường quốc năm châu trong kỷ nguyên mới. Kể được những câu chuyện hay, gây cảm hứng cho cả một dân tộc vươn mình đứng dậy. Đó là việc nhỏ nhưng vĩ đại.
VTV bây giờ trở thành Đài Truyền hình quốc gia duy nhất. Nhưng một tổ chức muốn tốt lên một cách bền vững thì phải cần những đối thủ mạnh. VTV hãy so sánh mình với các đài truyền hình quốc gia của các nước khác trong khu vực và trên thế giới để phấn đấu. Nền kinh tế Việt Nam đã đứng thứ 34 thế giới. Đài Truyền hình quốc gia của Việt Nam đã đứng thứ 34 thế giới chưa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới đã tương xứng vị thế 34 chưa, Việt Nam đã có một kênh quốc tế tiếng Anh như NHK World của Nhật Bản chưa? Và nếu chưa thì sẽ phải làm gì? Câu hỏi này là một hướng đi cho VTV trong cả một thập kỷ phía trước. Hãy không chỉ so sánh với chính mình, so với các đài truyền hình khác trong Việt Nam, mà hãy so sánh mình với các đài truyền hình khác trên thế giới và tìm cách tăng thứ hạng quốc tế.
Chúng ta vẫn hay so mình với chính mình, nhưng quan trọng hơn là so mình với các nước khác, các nước quanh ta, và so với cả các nước đã phát triển, để từ đó thay đổi thứ hạng quốc gia. Việt Nam bây giờ không nhỏ nữa, mà phải vươn mình đứng dậy để sánh vai với các cường quốc. Chúng ta đã có lực để vươn mình, đã có thu nhập đầu người đạt mức trung bình. Chúng ta đang có cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng công nghệ số. Chúng ta có khát vọng Việt Nam hùng cường. Hội đủ 3 điều kiện này là đủ để vươn mình đứng dậy, để đất nước tăng trưởng 2 con số. VTV cũng đã hội đủ 3 điều kiện này để vươn mình mạnh mẽ.
Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh, một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh tinh thần do báo chí, truyền thông và xuất bản khơi dậy. VTV có sứ mệnh góp phần quan trọng tạo ra một cánh của đôi cánh cho Việt Nam bay lên.
Đài Truyền hình Việt Nam hiện nay chủ đạo vẫn là truyền hình truyền thống. Nhưng mặt trận chính của truyền thông bây giờ lại là Internet, là trên môi trường số. Thắng hay bại sẽ là trên mặt trận này. Giới trẻ bây giờ hầu như không xem truyền hình truyền thống. Truyền thông nhà nước không được bỏ trống trận địa Internet. Đài phải nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa Internet mạnh mẽ hơn nữa. Phải mạnh ở cả sóng và số. Phải góp phần tạo ra dòng chủ lưu của truyền thông nhà nước trên không gian mạng. Nội dung vốn là sức mạnh cốt lõi của VTV, thì nay phải thêm công nghệ số, phải thêm sự sáng tạo trên môi trường số. Ở Trung Quốc, các tin bài trên không gian số đã bắt đầu dưới 1 phút, phim đã bắt đầu dưới 3 phút. Cái ngắn đã lên ngôi. VTV đã thành công, đang thành công ở cái dài thì phải biết cách thành công ở cả cái ngược lại, tức là cái ngắn. Trên môi trường số thì cần ngắn hơn, nhanh hơn và rộng hơn.
NQ 57 đã xác định, bộ 3 KHCN, ĐMST và CĐS là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, KHCN là nền tảng, nó tạo ra tri thức và công cụ. ĐMST là động lực, nó chuyển hoá các tri thức mới, công cụ mới thành ý tưởng, giải pháp. CĐS là hiện thực hoá ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập vào cuộc sống để tạo ra giá trị thực tế.
VTV cũng phải cần đến bộ 3 này để phát triển Đài trong kỷ nguyên mới. VTV sẽ phải đóng vai chính trong tuyên truyền NQ 57. Cách tốt nhất để làm việc này là hãy tiên phong thực hiện bộ 3 này ngay trong hoạt động của Đài, một cách nhanh nhất có thể. Ứng dụng công nghệ mới, tinh thần ĐMST trong cả làm nội dung và quản trị Đài, thực hiện mạnh mẽ CĐS trong toàn bộ hoạt động của Đài, sử dụng AI khai thác kho dữ liệu, nội dung vô cùng to lớn của VTV để tạo thành các giá trị mới, nguồn thu mới, cái mà các bạn gọi là báo chí dữ liệu. Mình làm, mình trải nghiệm rồi mình làm truyền thông thì truyền thông sẽ vì thế mà xuất sắc.
Hôm kia, có người nói với tôi, anh Nguyễn Thanh Lâm - Tổng Giám đốc VTV là người hội tụ đầy đủ các điều kiện, là người làm nghề và giỏi nghề, là người đã làm doanh nghiệp, là người đã từ Nhà nước ra ngoài rồi quay về Nhà nước, là người đã qua quản lý nhà nước, là người đã làm lãnh đạo của Bộ quản lý về báo chí, nay về làm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình quốc gia. Không ít ai được như anh Lâm. Và do vậy, chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng, anh Nguyễn Thanh Lâm sẽ dẫn dắt Đài Truyền hình quốc gia VTV với định hướng One VTV để sánh vai cường quốc năm châu.