Tại sao VTV lại có thể cũng cho qua được một tiết mục phản cảm đến thế!

{keywords}
Sơn Tùng tại chung kết Giọng hát Việt

Sơn Tùng là một ca sĩ trẻ có sức ảnh hưởng mạnh với lượng fan đông đảo. Gần như ca khúc nào của chàng ca sĩ bước ra từ thế giới underground này cũng gây sốt. Phải thừa nhận Sơn Tùng là ca sĩ hiếm hoi có fan ở nhiều lứa tuổi và nhạc của giọng ca này có độ phủ sóng hầu khắp từ nhà ra đến các quán cafe. Cũng chính vì độ 'hot' như vậy nên mọi hành động của Sơn Tùng đều bị chú ý và có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt với những fan nhỏ tuổi còn chưa biết phân biệt đúng - sai.

Chính vì vậy, tiết mục của Sơn Tùng tại đêm chung kết The Voice vừa qua đã khiến rất nhiều khán giả bức xúc. Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ họ thấy ân hận vì đã để các con của mình xem tiết mục 'Em của ngày hôm qua' hôm đó với cử chỉ và lời lẽ phản cảm.

Và đây là đoạn đọc rap phản cảm ấy: “Lãng tử hào hoa/ It’s me, Sơn Tùng/ Cái tên được săn lùng với phong cách điên khùng/ Lấy bút làm khẩu súng/ Nét mực và nòng súng khai hỏa cất cánh dứt bỏ mọi xiềng xích không nao núng/ Xoáy vào trong tâm anh tỏa sáng như sao trời/ Ở trên đây cười nhếch mép luôn rạng ngời/ Đừng bám đuôi không thôi sẽ bị đánh tơi bời”.

Nó vượt qua giới hạn của sự khẳng định bản thân, thành một thứ lộng ngôn kệch cỡm. Sơn Tùng trong giới trẻ, thậm chí với… trẻ con, là một cái tên rất nóng. Chuyện gì xảy ra nếu các cháu cũng hát những lời phản cảm trên và hành động theo từng câu từng chữ trong đó?

Tuy nhiên, trên các diễn đàn, Fan của ca sĩ này lại tỏ ra bênh vực, thậm chí gây hấn và dùng ngay những lời trong đoạn trên để đáp trả những người có ý kiến về đoạn nhạc vừa rồi.

Còn nhớ, cuối những năm 1990, khi nhạc trẻ Việt thịnh hành, với những gương mặt ngôi sao mới của nhạc Việt xuất hiện, nhiều nhạc sĩ có tuổi khi ấy tỏ ra lo ngại vì một sự ca từ hơi “tân thời” khi đó.

Rất nhiều cuộc họp, lần họp nào cũng chĩa mũi dùi vào những ca khúc nhạc trẻ thời đó, cho rằng trái thuần phong mỹ tục. Thậm chí, có vị không ngần ngại gọi một số ca khúc trong số đó là… nhạc 'bẩn'.

Dễ hiểu và dễ thông cảm, rằng sự khác nhau thế hệ, sự chừng mực trong thể hiện tình cảm của những con người thời đại trước đó, đã khiến họ có cái nhìn khó cởi mở với những điều mới mẻ hơn.

Cũng không ít ý kiến dẫn ra sự khác biệt thê hệ trong những nhận xét về nhạc của Sơn Tùng. Đã có những nhạc sĩ cho rằng đoạn rap của Sơn Tùng mang tính trẻ con hơn là phản cảm.  Nhưng, những ca từ kiểu như Sơn Tùng với đoạn rap “Em của ngày hôm qua” thì dù với giai đoạn cởi mở như hiện nay cũng khó chấp nhận vì sự phản cảm. Bởi nó không phải là điều gì mới mẻ, mà nó là sự học đòi quá chớn.

Nhạc Việt đã đón rất nhiều thảm họa. Nhưng trước đây, thảm họa đồng nghĩa với nhảm nhí, kiểu “da nâu” hay ca khúc chỉ có 4 từ của Vũ Hà. Nay thì thêm một thảm họa khác, trầm trọng hơn, đó là những ca từ vô văn hóa nghiễm nhiên đi vào… âm nhạc.

Phạt hay cấm? Cả hai đều là những nghi thức cũ. Bởi để ngăn chặn những thứ rác giải trí không còn xuất hiện ở bất cứ đâu trong môi trường văn hóa đang cần hướng tới sự lành mạnh hiện nay cần đến sự chung tay của rất nhiều người. Và điều này phụ thuộc nhiều vào thái độ của khán giả.

Hoàng Nguyên Vũ