Vườn quốc gia Bi-doup Núi Bà (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) là nơi sinh sống của động vật lưỡng cư, chim quý hiếm. Vườn là 1 trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với hệ sinh vật phong phú.
Vườn quốc gia Bi-doup Núi Bà có diện tích hơn 75 nghìn ha trong đó diện tích rừng quản lý trên 56 nghìn ha. Vườn nằm trên địa hình có nhiều thay đổi, phân bổ trên nhiều dải thổ nhưỡng khác nhau nên hệ thực vật vô cùng phong phú. Địa hình Bi-doup Núi Bà nghiêng theo hướng đông bắc - tây nam với hai đỉnh Bi-doup và Núi Bà đều có độ cao trên 2000m tạo ra các đỉnh núi mây bao phủ và thung lũng. Là đầu nguồn của nhiều rừng thuộc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Vườn có hệ sinh vật với hệ cây lá kim như thông ba lá, lá rộng thường xanh, hệ sinh thái á nhiệt đới, chịu ảnh hưởng lớn của nhiệt độ và lượng mưa. Trong rừng có nhiều cây lá kim (thông hai lá dẹt chỉ có ở Việt Nam và phân bố hẹp ở Lâm Đông, thông 5 lá), rừng sồi, các loài cây họ sim, họ đỗ quyên, pơ mu… Hệ thực vật tại đây ghi nhận khoảng 1923 loài thực vật, 161 họ, 673 chi, trong đó 96 loài đặc hữu, 62 loài quý hiếm có trong sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Vườn quốc gia Bi-doup Núi Bà còn được đánh giá là vương quốc của các loài lan rừng Việt Nam với trên 250 loài.
Về động vật, Vườn quốc gia Bi-doup Núi Bà còn có 131 loài thú trong đó có 56 loài được ghi trong danh mục các loài động vật quý hiếm, 47 được ghi trong sách Đỏ Việt Nam 2007, có 30 loài được ghi trong danh mục sách Đỏ IUCN như Cu li nhỏ, Voọc vá chân đen, Vượn đen má hung, Gấu chó, Gấu ngựa, Báo lửa, Voi, Sói lửa, Bò tót, Trâu rừng, Sơn dương, Hổ. Ngoài ra, Vườn còn có 306 loài chim. Các nhà khoa học đánh giá là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.
Hiện, vườn trở thành nơi nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Việt Nam và quốc tế. Vườn quốc gia Bi-duop Núi Bà cũng có trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Từ đó, tuyên truyền cho người dân, khách du lịch tìm tới vườn về vai trò của bảo tồn sinh học, ngăn ngừa nạn săn bắt trộm động vật hoang dã trong rừng.
Để bảo tồn sinh học, ngăn chặn nạn săn bắt động vật, khai thác trộm các loài thực vật quý, Vươn quốc gia Bi-doup Núi Bà đã thực hiện nhiều dự án khác nhau, trong đó gắn phát triển rừng với phát triển bền vững cho người dân xung quanh khu vực rừng. Phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn các loài gen quý, phát triển du lịch sinh thái rừng.
Vườn quốc gia cũng ký hợp đồng bảo vệ rừng với 1.553 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 06 đơn vị tập thể, bảo vệ hơn 65.000 ha rừng, chi trả dịch vị môi trường rừng, khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. Khi người dân sống quanh rừng có thêm thu nhập từ bảo vệ rừng họ sẽ chung tay cùng với Vườn bảo vệ bền vững hệ sinh thái rừng, chủ động ngăn ngừa tội phạm đa dạng sinh học.
Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường được thành lập năm 2011, đến nay đã tổ chức một số hoạt động về tuyên truyền, diễn giải môi trường cho học sinh, du khách và cộng đồng, như in tài liệu tuyên truyền cho học sinh các khối từ lớp 6 đến lớp 12, in các poster, biển bảng về thông tin bảo vệ rừng, đặc biệt bảo vệ động vật hoang dã. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền lưu động tại các trường học, tuyên truyền về giá trị của rừng và vai trò của bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức thi vẽ tranh tìm hiểu “về môi trường, cuộc sống quê hương”.