- Nhìn vào những vụ việc bạo lực gần đây, không ít người băn khoăn hỏi, có phải do chúng ta đã coi nhẹ cái gốc là văn hoá nên con người mới trở nên cục cằn hung bạo như vậy chăng? Lẽ nào chính chúng ta đang rời xa sự tử tế?
Đáng buồn, đáng ngại hơn là thái độ vô cảm ví von như “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, đó là khi thấy các bạn đánh nhau, những học sinh cùng lớp cùng trường lại chỉ đứng xem, không có động thái nào can thiệp hay ngăn cản điều xấu. Đó đây, tỉnh này, tỉnh khác xuất hiện bạo hành, dâm ô trẻ vị thành niên, chém giết, chặt khúc thân thể người mà mình từng yêu thương, gắn bó, từng có với nhau những đứa trẻ….Tại sao vẫn cứ tiếp tục xảy ra?
Cho dù người ta biết rằng kẻ ác sẽ phải đền tội, sẽ phải lĩnh bản án cao nhất, sự trừng phạt của pháp luật là nghiêm minh, nhưng sao họ vẫn không sợ, không chùn tay, không ngăn được những vụ án giết người, không cản được cái ác? Nhiều khi nguyên nhân chỉ là những chuyện lãng xẹt mà phải trả giá bằng cả một mạng người! Thật vô lý, thật đau lòng.
Các hội thảo liên tục được tổ chức. Những câu hỏi lớn liên tiếp được đặt ra và có nhiều cách lí giải khác nhau. Có thể là do sự buông lỏng giáo dục, buông lỏng sự quản lý của gia đình, của nhà trường và xã hội. Có phải do lâu nay chúng ta đã coi nhẹ cái gốc là văn hoá nên con người mới trở nên cục cằn thô lỗ hung bạo, tàn ác dã man như vậy chăng? Đâu phải sự tử tế đang rời bỏ chúng ta, mà chính là chúng ta đang rời xa sự tử tế?
Trong số những bộ phim nhập ấy, phim nghệ thuật thật hiếm hoi, đa phần là phim hành động. Những bộ phim truyền hình dài tập không hiếm cảnh đao búa, ứng xử anh chị, mưu mô, lừa đảo, xảo trá, buôn gian bán lận, cướp bóc, chà đạp, chửi bới, đánh nhau… trong khi phim nặng về nghĩa đời, tình người ấm áp, hướng thiện, vượt khó trở thành những hình tượng mẫu mực cho người xem ngưỡng mộ, xuýt xoa, nghĩ ngợi vẫn còn rất khan hiếm.
Hai thể loại phim này bán vé chạy hơn, đông người xem hơn là phim nghệ thuật. Đáng lẽ ra phải là ngược lại mới đúng. Nhưng đó là một thực tế.
Tôi không khỏi suy nghĩ khi số người đi xem phim đa phần là lớp trẻ. Liệu tâm lý, tình cảm, tính cách giới trẻ có bị tác động ít nhiều khi mỗi năm họ đi xem quá nhiều phim ở các thể loại như vậy?
Không chỉ phim ảnh, hãy nhìn sang thị trường sách cũng thấy ngay những loại sách có hơi hướng nội dung ăn khách sẽ dễ được xuất bản hơn các loại sách nghiêm túc khác. Và, tất cả các mặt hàng về các ấn phẩm văn hoá đều phải đưa hai chữ "ăn khách" lên hàng đầu. Cho dù thế nào là ăn khách cũng là một vấn đề cần được bàn thảo cho rạch ròi, ngã ngũ.
Người viết bài này rất chia sẻ bài viết của PGS-TS Phạm Quang Long trên trang cá nhân của ông về "sự khốn cùng của một ngành học" đó là hai môn ngữ văn và môn sử. Ông là người thày bao năm đứng trên bục giảng, giờ đây cũng phải kêu lên trước sự thờ ơ của những người có trách nhiệm, có những người chỉ muốn "xoá sổ " nó vì học hai môn đó không kiếm ra tiền, rất ít sinh viên muốn theo học. Họ đổ xô vào học những môn khác, lĩnh vực khác. Mà không biết những môn học này tạo nền tảng ở mọi bậc học của bất kỳ quốc gia nào vì nó gắn với truyền thống đất nước, nó giúp cho con người hiểu được mình là ai, đến với cuộc đời này để làm gì và biết yêu cái thiện, ghét cái ác, biết xấu hổ khi không giữ được liêm sỉ, biết phải làm gì để được coi là một người tử tế.
Ngày nay chủ nghĩa phồn thực, hưởng thụ lên ngôi. Lòng tham trở nên vô đáy, "ăn không từ thứ gì" để dung túng thoả mãn sự đòi hỏi vô tận của bản thân và của các "hoàng tử, công chúa" cũng như anh em họ hàng chú bác của họ, nhất là những người có điều kiện "kiếm chác". Cái ác, cái xấu lộng hành trong xã hội trước hết như các cụ xưa đã dạy "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Khi những người có chức quyền, những người được cho là "tinh hoa" của xã hội lại đầu têu tham nhũng, ngang nhiên nhận hối lộ, tạo cơ hội cho người ta chạy chức chạy quyền, chạy án, xử lý oan sai người vô tội...
Có những bậc phụ huynh đã làm tấm gương, hình ảnh "mẫu" không mấy đẹp đẽ trước mắt các thế hệ tương lai nên dù có nói gì, dạy gì, bọn trẻ cũng sẽ không nghe mà sẽ sống theo như thế. Chúng sẽ sao nhãng học hành, sao nhãng rèn luyện tu dưỡng đạo đức, nhân cách và sẽ trượt dài trong cái xấu mà tự bản thân sẽ khó thoát ra được, gây đau đớn cho biết bao người thân và xã hội. Bố mẹ nào cũng đều mong con mình tử tế, tốt đẹp nhưng tại sao chúng vẫn tuột khỏi niềm mong mỏi đó? Lại cũng có những gia đình tử tế, có địa vị xã hội mà tại sao con cái vẫn rơi xuống hố sâu của tệ nạn xã hội, sự bất hiếu, vô cảm? Sự vô lý này khởi nguồn từ đâu?
Nhiều chính khách, nhà văn hoá đều nhận định rằng, cội rễ của mọi vấn đề xã hội là văn hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” là hoàn toàn đúng đắn, không thể phủ nhận. Ngoài sự chú ý về văn hoá, nâng cao tầm vóc của văn hoá, ngoài sự tăng cường tính thiết thực, hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nên chăng chúng ta cần quan tâm hơn đến vấn đề tín ngưỡng, đức tin.
Một khi con người ta không có tín ngưỡng, không còn đức tin thì thật là nguy hiểm. Một khi lòng đã không hướng đến hài hoà, vị tha, buông bỏ ắt sẽ không biết sợ điều ác, dễ làm điều ác. Biết tâm niệm, biết nhường nhịn, biết hướng đến tương kính trong giao tiếp hàng ngày, chắc chắn sẽ kìm nén được sự tức giận bột phát, nhất là khi người chồng (hoặc người vợ) mắc lỗi "bát nước cứ để yên một lúc chắc chắn sẽ nguội dần", cơn nóng giận rồi sẽ qua đi, cái ác sẽ bị thủ tiêu, xã hội đỡ dần đi những cú sốc về sự tụt dốc của đạo đức.
Đáng mừng, hiện nay Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí Thư đang dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn tham nhũng, ngăn chặn những kẻ cậy chức cậy quyền "làm trái quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng". Quyết tâm này được toàn dân nhiệt liệt hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Bởi, chỉ một khi "thượng" liêm chính thì tất yếu "hạ" sẽ hài hòa.
Nguyễn Thị Hồng Ngát