Một đại lý ô tô tại Đức đã có quyết định cực kỳ táo bạo khi lợi dụng sự chênh lệch giá bán của mẫu xe điện Volkswagen ID.6 tại Trung Quốc thấp hơn Đức để nhập khẩu 22 chiếc từ thị trường nước này và bán lại với giá cao hơn ở thị trường Đức. Điều này khiến tập đoàn Volkswagen đã phản ứng với các hoạt động can thiệp pháp lý, kiện đại lý này ra tòa án.
Theo ông Gregory Brudny, chủ đại lý và là người đã nảy ra ý tưởng này, khẳng định, anh mua tổng cộng 22 chiếc Volkswagen ID.6 từ Trung Quốc hoàn toàn hợp pháp từ liên doanh Volkswagen – FAW.
Tuy nhiên, sự sáng tạo của người đàn ông này lại được hãng xe đánh giá là hành vi lợi dụng sự chênh lệch giá bán của cùng một loại phương tiện tại 2 thị trường khác nhau để thu lợi bất hợp lý. Trong khi giá xe điện ID của Volkswagen tại thị trường nội địa Đức đang liên tục tăng cao, thì cuộc chiến về giá cả ô tô tại Trung Quốc lại khiến giá xe điện ở thị trường hơn 1 tỷ dân này giảm mạnh.
Cụ thể, với cùng mẫu xe điện Volkswagen ID.3, giá bán tại Trung Quốc khởi điểm là 16.000 Euro (khoảng 420 triệu đồng) nhưng tại Đức, mẫu xe này có giá khởi điểm là 40.000 Euro (khoảng 1,05 tỷ đồng).
Tương tự, Volkswagen ID.6 tại Trung Quốc có giá bán khởi điểm cho bản cơ sở là 36.500 USD (tương đương khoảng 880 triệu đồng) trong khi ở Đức, mẫu Volkswagen ID.4 nhỏ hơn đáng kể đã có giá bán tới 40.335 Euro (khoảng 1,06 tỷ đồng) cho phiên bản thấp nhất. Theo chủ đại lý, Volkswagen ID.6 chính là phiên bản phát triển dựa trên mẫu ID.4 tại Đức với trục cơ sở dài hơn và được trang bị thêm hàng ghế thứ 3 giúp xe mở rộng không gian chở khách. Hiện, Volkswagen ID.6 chỉ mới đang bán tại Trung Quốc mà chưa có mặt tại Đức.
Ngoài ra, với một số mẫu xe điện Volkswagen khác, giá bán ở 2 thị trường luôn chênh lệch ít nhất là trên 50%.
Theo báo cáo từ Automobilewoche, trên thực tế, Cơ quan quản lý giao thông vận tải Đức đã có động thái chuẩn bị ký duyệt cho phép đại lý ô tô nêu trên có thể được phân phối những chiếc Volkswagen ID.6 nhập từ Trung Quốc này một cách hợp pháp tại Đức, sau khi chiếc xe được cập nhật phần mềm, thay đổi ngôn ngữ.
Thế nhưng, sau khi ông Gregory Brudny quảng cáo bán xe rầm rộ trên các nền tảng bán hàng, Volkswagen lập tức có sự can thiệp và nhanh chóng ban hành "lệnh" cấm bán tạm thời các mẫu xe Volkswagen đối với doanh nghiệp của Brudny.
Trong phán quyết cuối cùng, tòa án đã quyết định ban hành lệnh tịch thu các phương tiện nhập khẩu nêu trên và Volkswagen bày tỏ mong muốn muốn tiêu hủy lô xe Trung Quốc này.
Dù tập đoàn ô tô lớn nhất nước Đức không đưa ra bình luận nào liên quan, song cơ quan truyền thông trong nước trích dẫn chia sẻ từ Volkswagen cho biết, xe điện của Volkswagen sản xuất tại Trung Quốc hoàn toàn khác với các mẫu được sản xuất tại châu Âu. Chẳng hạn, các mẫu xe này không có hệ thống cảnh báo khẩn cấp tự động trên xe, do đó không đủ tiêu chuẩn để lưu hành tại Đức hay trong khối EU.
Về phía chủ đại lý ô tô, người đàn ông này đã phản đối gay gắt quyết định từ tòa và cho biết sẽ kháng cáo. Theo ông, các phương tiện được nhập khẩu hoàn toàn hợp pháp và đã được sự đồng thuận của cơ quan có thẩm quyền nên nó hoàn toàn không có vấn đề gì. Dẫu vậy, khả năng rất cao, chủ đại lý ô tô sẽ chấp nhận chịu thua trong thương vụ này.
Trước đó vào năm 2021, một tòa án ở Đức cũng từng phán xử một vụ việc tương tự khi một đại lý ô tô đã nhập khẩu lô xe Hyundai từ các nước Đông Âu (bên ngoài EU) rồi bán ra tại Đức. Hyundai đã dựa trên các điều luật về bảo vệ thương hiệu để ngăn cản hoạt động bán lẻ nhằm thu lợi nhuận chênh lệch này.
(theo Carscoops)
Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!