Năm 2007, Hà Nội trưng bày viễn cảnh thành phố bên bờ Hồng, tuy còn nhiều tranh cãi nhưng cũng được gộp vào nghiên cứu chung quy hoạch 1259. Quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống là hai miếng ghép cuối cùng của 68 quy hoạch phân khu Hà Nội, liên quan đến sông Hồng nên phải tuân thủ Quy hoạch đê điều và phòng chống lũ lụt, phê duyệt 2016.
Theo Luật Quy hoạch 2019, Bộ NN&PTNT còn đề nghị Hà Nội lập phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch Thủ đô, trong đó “xác định các loại hình thiên tai, tác động từng khu vực trên địa bàn, phân vùng rủi ro thiên tai như: lũ, lũ quét, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, bờ suối”…
Quy hoạch tích hợp khu vực sông Hồng có nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất trong 2 mùa lũ cạn. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và không gian bán ngập an toàn dành cho hoạt động cộng đồng – sở hữu công cộng. Đề xuất của City Solution để lập được phương án này cần có tư liệu toàn diện về thủy hệ sông Hồng từ nước ngầm đến nước mặt trong mùa cạn và mùa lũ; tổng lượng nước sạch và nước bẩn, nước ngọt và nước mặn - nguy cơ ngày càng nghiêm trọng khi nguồn cạn dần, nước biển dâng cao xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền. |
Ngoài ra, nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và sản xuất của 30 triệu người sống trong lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình cũng cần xác định rõ trong chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước Quốc gia trước thách thức do biến đổi khí hậu và 80% nước sông Hồng nhận được bên ngoài lãnh thổ…
Tất cả thông tin này trông chờ vào “Quy hoạch Tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050” do Bộ TN-MT chủ trì thực hiện. Nhiệm vụ quy hoạch phê duyệt năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả.
Câu hỏi đặt ra là: không rõ sông Hồng có bao nhiêu nước thì căn cứ vào đâu để xác định diện tích nào để nước chảy mùa lũ, lưu trữ nước mùa cạn từ đó mới xác định diện tích cần thiết để giữ nước, bảo tồn sự sống của 30 triệu dân Việt hôm nay và bao nhiêu triệu người trong tương lai?
Vội vàng vẽ đô thị, khu dân cư vào vùng đất nằm trong đê bảo vệ sông, lỡ giao đất cho doanh nghiệp làm bất động sản hay khu vui chơi thương mại thì còn đâu đất công trữ nước sạch nuôi sống cho 30% dân số quốc gia? Điều khó hiểu hơn chưa rõ nước sông còn nhiều hay ít; giao thông thủy/bộ còn chưa rõ cần khai thông bế tắc ở đâu thì gấp gáp tuyển chọn thiết kế để lập dự án làm cầu đắt tiền đổi đất bãi ven sông giá rẻ?.
Dự án thu hồi do không phù hợp Luật đầu tư thì vội đổi sang mô hình khác, nhanh nhảu thi vẽ trang trí cầu trong khi công trình không nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư…
Quy hoạch tích hợp để Hà Nội an toàn, thích ứng với thách thức thiên tai và biến đổi khí hậu: Hà Nội bên sông an toàn mùa lũ đủ không gian dự trữ nước ngọt |
Để trả lời các câu hỏi trên, Hà Nội cần công bố công khai toàn bộ thông tin liên quan đến các Quy hoạch phân khu (đã duyệt nhưng chưa có bản vẽ kèm theo); Quy hoạch Thủ đô; Điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1259… để cộng đồng chuyên gia tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội cùng soi xét, phát hiện ra những hạn chế yếu kém trong các bản quy hoạch, cùng bàn thảo tháo gỡ thay vì loay hoay bởi cách làm phân tách, rời rạc, lúng túng như hiện tại.
Quy hoạch Hà Nội: hồi hộp chờ đợi giữa ngổn ngang
Tháng 3/2020, Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai công tác chuẩn bị lập Quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch Thủ đô). Thành phố giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn thực hiện trong 24 tháng.
Tháng 1/2022, nhiệm vụ quy hoạch chưa phê duyệt nhưng vẫn thông báo là “cơ bản hoàn thành”. Dự kiến có 66 nội dung được tích hợp gồm 36 ngành, lĩnh vực và 30 phương án cấp huyện. Kinh phí dự kiến 140 tỷ đồng, nhưng chưa có các hướng dẫn quản lý chi phí và nhân lực thì thiếu và còn hạn chế.
Hà Nội chung sống hài hòa với sông Hồng cả hai mùa mùa lũ /cạn |
Quy hoạch Thủ đô thực hiện theo phương pháp tích hợp đa ngành còn quá mới mẻ với cả bộ máy quản lý, thực hiện, tư vấn. Bàn việc thực hiện loại quy hoạch này có nhiều nhưng vẫn rất mơ hồ. Các “chuyên gia hàng đầu” tham gia góp ý nhưng họ cũng chưa từng làm quy hoạch, chỉ quen tay vẽ “quy hoạch mầu sắc” mà thiếu năng lực mô tả cách hiện thực hoá các bản quy hoạch ấy.
Sau 5 năm ban hành Luật Quy hoạch (năm 2017) vẫn chưa rõ phương pháp triển khai, quy trình thẩm định đánh giá, công cụ thực hiện. Rõ ràng quy hoạch tích hợp đa ngành phải có nhiều chuyên gia, chuyên sâu nhiều ngành cùng phối hợp thực hiện theo cách mới thì vẫn do các chuyên gia đơn nghề vẽ quy hoạch theo lối cũ. Vậy nên, sau gần 2 năm giao thực hiện Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội chưa có bước tiến nào.
Điều chỉnh tổng thể quy hoạch có đủ mạnh để định hướng phát triển mới?
Tháng 5/2021, Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì rà soát, đánh giá hiện trạng lập, thực hiện Quy hoạch các dự án theo Quy hoạch chung đã được phê duyệt từ năm 2011 (gọi tắt là QH 1259); rà soát thực trạng dân số quy hoạch và khả năng phát triển; đánh giá các vấn đề tồn tại, bất cập từ đó kiến nghị và đề xuất, xây dựng, thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch mới; lồng ghép Quy hoạch Điều chỉnh tổng thể theo Luật Quy hoạch đô thị này với Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch (tích hợp đa ngành) do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Phối cảnh quy hoạch Thành phố bên bờ sông Hồng |
Trong khi việc chờ đợi 2 bộ quy hoạch mới thì Hà Nội đã phê duyệt 66/68 quy hoạch phân khu theo quy hoạch cũ (QH 1259). Quy hoạch phân khu làm cơ sở để lập quy chi tiết - dự án đầu tư, giao đất xây dựng...
Câu hỏi đặt ra là quy hoạch tổng thể chưa xong thì các dự án đầu tư đã giao – nếu xung đột với quy hoạch mới thì dự án có dừng lại không hay là dự án sẽ là cơ sở để định ra đầu bài/điều kiện để hợp thức, lồng ghép vào sơ đồ tổng thể?
Trong khi nhiều nội dung trong Quy hoạch 1259 sau 10 năm không thực hiện đã lỗi thời, thậm chí cản trở tiến trình phát triển thì sẽ phải điều chỉnh như thế nào?
Ví như, vẽ ra 10 tuyến đường sắt đô thị dài 460 km, mục tiêu đến 2020 hoàn thành 5 tuyến dài 289 km, đến 2021 mới có 12 km lăn bánh (đạt 4,1%). Vẽ ra 5 đô thị vệ tinh, đầu tư hàng tỷ USD mà chưa cái nào hoàn thành. Năm 2021, Hà Nội có kế hoạch chuyển đổi các huyện ngoại thành các quận “thành phố trong thành phố” thì các đô thị vệ tinh, chùm đô thị ngoài trung tâm sẽ ra sao trong điều chỉnh tổng thể?
Khối lượng công tác quy hoạch nhiều nhưng vẫn vẽ thủ công trên máy, không hề ứng dụng công nghệ phân tích hiện đại, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ nên các kết quả vẫn chủ quan lạc hậu như quy hoạch đã vẽ 10 năm.
'Nhiều tương đồng trong lập quy hoạch TP ven sông Hà Nội và Hàng Châu'
“Viện Thiết kế và quy hoạch Hàng Châu (Trung Quốc) có năng lực, chuyên môn. Có nhiều điểm tương đồng trong lập quy hoạch TP ven sông...".
Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội