Hôm 12/2, tuyên bố rót vốn 1,5 tỷ USD của Elon Musk đã khiến giá Bitcoin chạm ngưỡng 49.000 USD, tăng 300% so với năm 2020. Có thể thấy tốc độ phát triển của giá trị đồng Bitcoin có nhiều điểm tương đồng với đà tăng trưởng của Tesla.
Động thái này của Elon Musk được cho là mang lại nhiều lợi ích cho Tesla về sau, nhất là trong thời kỳ tiền kỹ thuật số bùng nổ. "Tesla không sở hữu lượng tài sản tiền mặt khổng lồ. Nhưng việc đầu tư 8% số tiền mặt hiện có vào Bitcoin cho thấy hãng xe điện đang đặt niềm tin vào loại tiền này ra sao", Giám đốc thị trường tài chính của sàn giao dịch tiền ảo OKEx, Lennix Lai cho biết.
Chỉ số tăng trưởng S&P của Tesla và Bitcoin
Trên thực tế, từ khi tiền ảo mất giá kỷ lục vào tháng 3 năm ngoái đến nay, Bitcoin có xu hướng vận hành như một loại cổ phiếu thay vì trở thành tài sản đáng tin cậy, một trong những đặc điểm mà nhiều nhà đầu tư mong muốn nó trở thành.
Bitcoin được phát hành hạn chế và hoàn toàn độc lập với các chính phủ và ngân hàng trung ương. Về lý thuyết, loại tiền kỹ thuật số này cần vững vàng và có thể trụ được qua những diễn biến thất thường mà thị trường truyền thống gây nên. Đó là lý do vì sao Bitcoin nên hoạt động theo xu hướng giống vàng kỹ thuật số, một trong những loại tài sản phòng bị cuối cùng.
Giá Bitcoin dao động liên tục
Thực tế là sau đợt sụt giảm lớn đầu năm 2020, đồng tiền mã hóa đã chứng kiến đợt phục hồi trở lại nhờ một số yếu tố vốn thúc đẩy thị trường chứng khoán lên mức kỷ lục, bao gồm hàng loạt gói kích thích từ chính phủ và tính thanh khoản cao từ các ngân hàng trung ương nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19.
"Chúng tôi muốn chứng minh rằng Bitcoin đang đi ngược thị trường chứng khoán. Nhưng đáng tiếc thay, chúng đều đang có cùng chung hướng đi", Paolo Ardoino, Giám đốc công nghệ của sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex, cho biết.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bitcoin đã mất 50% giá trị vào tháng 3/2020, thậm chí còn tồi tệ hơn thị trường chứng khoán. Giới đầu tư bán lẻ đã vội bán đổ bán tháo và rút tiền về bất chấp lời kêu gọi bình tĩnh "giữ lấy" từ các tín đồ trung thành nhất của Bitcoin.
Xếp cạnh chỉ số Dow Jones và S&P 500, triết lý nền tảng và cơ sở hạ tầng của Bitcoin đang được thử thách. Có thời điểm, khối lượng giao dịch quá tải đã khiến một số sàn giao dịch tiền ảo sập. Trên OKEx, thời gian chờ giao dịch có lúc tăng gấp 3 lần, các khoản phí đi kèm cũng liên tục tăng theo.
"Chúng tôi không tài nào chợp mắt. Cảm giác đó thật sự rất tệ, mọi người đều chịu cú sốc. Ngay cả khi đó không phải ngày tận thế, chúng tôi cũng không biết khi nào giá Bitcoin mới có thể hồi phục", Lai cho biết.
Bitcoin liệu có biến thành vàng nhờ Tesla?
Bước ngoặt để Bitcoin phục hồi nguyên giá trị và tăng trưởng là vào tháng 5/2020, vị tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ Paul Tudor Jones tuyên bố đã chuyển đổi 2% tài sản thành Bitcoin và thông báo với các nhà đầu tư rằng Quỹ Tudor BVI sẽ đưa Bitcoin vào giao dịch các hợp đồng thanh toán trong tương lai, đồng thời xem đây như một biên pháp phòng chống lạm phát.
Từ đó trở đi, Bitcoin bắt đầu có đà tăng trưởng nhờ sự chú ý từ các tổ chức lớn như ngân hàng đầu tư, quỹ đầu cơ hay những công ty như Tesla.
"Chúng tôi luôn tin rằng Bitcoin sẽ được sử dụng như một loại vàng kỹ thuật số. Và điều đó đã minh chứng bởi một doanh nhân có vị thế và nhiều thành tích như Jones. Đối với một người có kiến thức nền tảng về ngân hàng đầu tư, việc hình thành một loại tài sản mới là điều rất thú vị", Richard Galvin, Giám đốc điều hành Digital Asset Capital Management, chia sẻ.
Để hiện thức hóa giấc mơ biến Bitcoin thành vàng, nó phải chứng minh được những giá trị cơ bản, bao gồm tính nhất quán và ổn định về giá, đủ thanh khoản để các nhà đầu tư tham gia. Cùng với đó, sự gia nhập của các tổ chức tiền tệ lớn sẽ góp phần phụ trợ, giúp các loại tài sản số như Bitcoin được tin dùng và trở thành vàng.
Hiện nay, các ngân hàng đầu tư, quỹ đầu cơ và những công ty có tần suất giao dịch dày đặc đang đổ dồn trọng tâm vào việc sử dụng tiền mã hóa như một phương thức giao dịch chính thống bền vững, đầu tư vào những đơn vị có nguồn gốc từ tài sản kỹ thuật số và yêu cầu tuân thủ luật lệ.
"Các ngân hàng đã mua tiền mã hóa trong một thời gian dài. Họ không công bố chính thức nhưng không đồng nghĩa họ không quan tâm. Vàng giờ đây không còn là tài sản đáng để tích lũy", Lai cho biết.
Tuy nhiên, dòng tiền mới đang tạo ra những lỗ hổng về pháp lý. Đây là lý do khiến các cơ quan quản lý lo ngại với Bitcoin hay tiền kỹ thuật số nói chung, nhất là tính bảo mật khi phải đối phó với các vụ trộm và hack quy mô lớn trên thị trường.
Giới phân tích đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ thất bại trong quá trình tìm hiểu khách hàng và điều tra chống rửa tiền của các sàn giao dịch, từ đó đón nhận làn sóng rót vốn từ các nhà đầu tư mới. Sàn giao dịch OKEx cho biết họ phải giải quyết hơn 10.000 yêu cầu KYC (xác minh danh tính nhà đầu tư) mỗi ngày. Bên cạnh đó, một số khu vực pháp lý vẫn chưa hình thành các quy tắc về lưu ký, các công cụ phái sinh và thuế.
Các nhà phân tích tại RBC Capital Market đã gợi ý trong một ghi chú nghiên cứu vào tuần trước rằng Apple có thể là công ty tiếp theo đầu tư vào Bitcoin và thậm chí xây dựng cả một sàn giao dịch tiền điện tử dựa trên Apple Wallet. Apple chưa cho biết kế hoạch trong tương lai của họ rằng có tham gia thị trường tiền điện tử hay không.
Không những thế, động thái của các cổng thanh toán Visa, PayPal, Mastercard hay Square cho phép sử dụng và giao dịch Bitcoin đã tạo ra cơ hội mới để tiền điện tử được chính thức hóa. Cùng với đó, sự tham giá của Tesla sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này.
"Bitcoin và công nghệ blockchain (chuỗi khối) sẽ tiếp tục phát triển. Đây là bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp tiền ảo toàn cầu trong 2 năm tới", Galvin nói. Khi giá trị Bitcoin vượt ngưỡng 50.000 USD trong thời gian tới, các nhà đầu tư không để tâm vào nó sẽ bắt đầu lo sợ khi chứng kiến giá trị của một loại tài sản mới ngày càng tăng.
"Hãy giữ vững tinh thần và nên sử dụng thận trọng nguồn vốn để đầu tư đúng cách. Hiểu triết lý vận hành tài chính quan trọng hơn là cố gắng lao vào kiếm tiền", CEO Ardoino nhận định.
(Theo Vnreview)