- Anh trai tôi hiện đang bị tạm giam về hành vi vô ý làm chết người. Anh tôi sẽ bị tạm giam khoảng bao nhiêu tháng? Khi đưa ra xét xử cơ quan điều tra có báo gia đình để biết ngày xét xử không? Nhờ luật sư giải đáp giúp.
TIN BÀI KHÁC
Anh tôi sẽ bị tạm giam trong bao lâu? (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, về thời gian tạm giam:
Theo thông tin bạn cung cấp thì anh bạn bị tạm giam với tội vô ý làm chết người theo quy định tại khoản điều 98 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: “ Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Luật sư nhận định đây là tội phạm nghiêm trọng nên theo quy định tại khoản 1, 2 điều 120 Bộ luât tố tụng hình sự thì thời hạn tạm giam để điều tra đối với trường hợp của anh bạn được xác định như sau:
Điều 120. Thời hạn tạm giam để điều tra
“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”
Như vậy, thời hạn tạm giam để điều tra đối với trường hợp của anh bạn là không quá ba tháng, trường hợp cần thiết được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng, lần thứ hai không quá một tháng.
Thứ hai, về Thông báo xét xử:
Căn cứ khoản 1 Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về việc giao các quyết định của Toà án như sau: “Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên toà.
Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo”.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc