- Tuy mới kết hôn được 3 năm nhưng cuộc sống của tôi không mấy khi vui vẻ, nhất là khi chồng tôi quyết định đón mẹ chồng về sống chung.
Và hôm nay, sau bao tháng ngày chịu đựng dồn nén vì những tính xấu của mẹ chồng, tôi đã cãi nhau một trận rất to với bà. Chồng tôi bênh mẹ nên đã tát và to tiếng với tôi. Sau đó, chồng tôi còn ký cả vào tờ đơn ly hôn mà tôi đã viết vội trong cơn giận giữ. Vì thế, tôi muốn kể câu chuyện của mình để mọi người có thể giúp tôi đưa ra lời khuyên xem tôi nên làm thế nào? Chấp nhận ly dị hay nuốt nghẹn vào lòng để xin lỗi mẹ, xin lỗi chồng.
Mẹ chồng tôi vốn xuất thân là người nhà quê, nhưng bà may mắn có được 2 anh con trai giỏi giang, hoạt bát. Vì thế, khi bố chồng tôi mất, ông anh cả của chồng tôi mua được nhà Hà Nội, bà đã quyết định rời quê để ra Thủ đô sống cùng con.
Tuy nhiên, từ rất lâu rồi, tôi đã biết chị dâu của chồng tôi không ưa bà. Thế nhưng, những tính xấu cụ thể của bà thế nào thì tôi không rõ, vì chị dâu tôi không mấy khi kể sâu.
Khi chồng tôi mua nhà rộng rãi, rồi kết hôn, bà cũng nhiều lần bóng gió muốn chuyển sang ở cùng chúng tôi. Thế nhưng, thời gian đó, chúng tôi đi công tác liên miên nên phải đến khi tôi bầu bí to, rồi chuẩn bị sinh con, chồng tôi mới sang đón bà về sống cùng. Đồng thời anh cũng muốn nhờ bà chăm sóc cho 2 mẹ con tôi.
Về sống cùng một thời gian ngắn, tôi đã dần hiểu được lý do vì sao chị dâu tôi không ưa bà.
Tuy xuất thân là người nhà quê, nhưng không giống như bố mẹ tôi, hay nhiều người mẹ quê mùa chân chất khác, tính bà thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng lại lười nhác vô cùng. Du mới 60 tuổi và còn rất khỏe mạnh nhưng mỗi ngày, bà chỉ hỗ trợ tôi việc duy nhất là cắm nồi cơm. Thời gian còn lại, bà nằm khểnh xem ti vi, hoặc đi buôn bán, chuyện trò, thậm chí là học nhảy với mấy cụ trong khu phố.
Khi tôi sinh con, bà chỉ nhận công việc đi chợ, nấu cơm, còn lại, tất cả mọi việc bà đều không màng đến. Bảo giặt giũ quần áo cho cháu thì bà kêu bẩn, bế cháu thì bà than mệt. Vì thế, suốt 1 tuần đầu sau sinh, chồng tôi phải xin nghỉ việc ở công ty để ở nhà hỗ trợ tôi.
Sau đó, chồng tôi phải nhờ đến mẹ tôi lên phụ giúp tôi các công việc trên. Tuy nhiên, mẹ tôi mới lên được chục ngày thì nghe được những nói không hay từ mẹ chồng tôi. Thế là, mẹ tôi tự ái và chỉ ở với tôi được hơn 1 tháng rồi về.
Từ đó, tôi 1 mình trông con, rồi lại lo giặt giũ, nước nôi, tắm gội cho con. Còn mẹ chồng tôi thì suốt ngày chỉ tính chuyện đi chợ mua đồ ăn. Mà lạ lắm, tuy nấu ăn cho cả người mới sinh, nhưng bà chỉ tính mua đồ ăn theo ý thích của mình. Từ hoa quả, đến thức ăn chính.
Nực cười hơn cả đó là sau khi chế biến xong, cứ miếng nào ngon thì bà gắp ra ăn trước và ăn cho bằng hết chứ không để lại phần các con (bà thường kêu đói, nên không đợi vợ chồng tôi ăn cùng mà nấu xong bà thường ăn trước 1 mình). Hoa quả cũng vậy.
Vì thế, có hôm, tôi chẳng ăn được gì.
Ảnh minh họa |
Hết tháng thứ 4, tôi bắt đầu đi chợ, nấu cơm. Tháng thứ 8, tôi đã gửi con để đi làm. Vì thế, mẹ chồng tôi lại ăn diện, rồi đi nhảy đầm suốt ngày.
Nhưng ngoài chuyện lười nhác, mẹ chồng tôi còn xấu tính, ích kỷ trong việc ăn uống khiến tôi nhiều lần bực bội vô cùng.
Mẹ chồng tôi vốn không thích ăn cá, nên bất kể là cá nước ngọt hay cá nước mặn bà đều không động đũa. Thế nhưng, để đảm bảo đủ chất cho cả nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn mua cá, và tất nhiên, những lần như vậy, tôi đều làm thêm đồ ăn khác cho bà. Tuy nhiên, lần nào thấy tôi mang cá về, bà cũng tỏ ra bực bội, nhưng tôi mặc kệ.
Tuần trước, tôi lại mua 1 con cá chép to về để kho.
Mẹ chồng tôi khó chịu lắm, lúc tôi làm cá, bà cứ ra nhổ vào nhổ nước bọt vì chê tanh. Lúc ngồi ăn cơm, bà cũng gảy gót rồi than thở đến khó chịu.
Hôm sau, đến bữa cơm, tôi tìm đến nồi cá thì thấy sạch banh. Nồi thịt rang cũng không còn một miếng. Tôi hỏi thì bà bảo, “Tao đổ đi rồi. Cá gì mà tanh, ngửi thôi đã thấy buồn nôn, thịt thì ăn 2 ngày rồi, không đổ đi thì bắt tao ăn đến bao giờ?”
Tôi nghe bà nói mà tức nghẹn cổ họng, nhưng cố nhẫn nhịn nên im lặng không nói một lời.
Hôm nay, bạn tôi ở Cửa Lò lại gửi ra biếu tôi một con cá thu. Nó bảo, bố nó mới câu được đêm qua ngoài biển. Nó còn cẩn thận nhờ đứa em mang đến tận nhà cho tôi vì vợ chồng tôi đi làm về muộn. Thế mà, mẹ chồng tôi ra nhận hàng cũng chẳng cảm ơn lấy một câu. Nhìn thấy con cá, bà bĩu môi một cái rõ dài khiến con bé ngượng chín mặt.
Tôi nghe kể lại mà thấy ngại với bạn và em nên trong lòng đã bực sẵn. Về đến nhà, tìm cá thì không thấy cá đâu. Tôi hỏi thì bà tỉnh bơ bảo, “tao cho con đồng nát rồi. Cái con cá chết ươn, mang về cho bẩn nhà”.
Tự nhiên lúc ấy, bao nhiêu uất nghẹn trong lòng tôi tuôn trào. Tôi gắt lên, “bà không ăn thì để cho con cháu ăn. Người ta gửi mấy trăm cây số ra đến nơi mà bà nói như nhổ toẹt vào tấm lòng của người ta như thế làm sao được”.
“Tao không thích thì tao vứt đi, mày muốn ăn thì mang về nhà mày mà ăn” – bà cãi lại bằng cái giọng đanh đá khiến tôi càng ức. Thế là mẹ con lời qua tiếng lại. Đỉnh điểm nhất là việc bà kể lể chuyện cơm nước phục vụ tôi suốt mấy tháng trời lúc tôi đẻ, vậy mà giờ tôi hỗn láo. Vì thế, tôi càng không thể kiềm chế được mình, bao nhiêu uất ức trong lòng, tôi cũng nói ra hết.
Đến bữa ăn, tôi dọn mâm cơm nhưng bà bảo đổ đi và tiếp tục ngồi nói tôi. Chồng tôi thấy vậy, không nói không rằng mà bỏ lên phòng. Tôi ngồi nhìn mâm cơm mà chảy nước mắt. Sau đó, tôi quyết định, mang cả mâm cơm, đổ hết vào thùng rác.
Vừa đổ, tôi vừa bảo, “từ nay, nếu mẹ không ăn thì bảo sớm, để con đỡ phải nấu, chứ con có quá rảnh đâu mà nấu lên rồi lại đổ đi”. Vậy mà, bà sấn sổ lên chửi tôi.
Tôi đang thu dọn mâm bát nên cũng gạt cho bát rơi loảng choảng xuống nhà. Chồng tôi thấy vậy, chạy xuống và xông vào tát tôi.
Sau đó, chúng tôi cãi nhau một trận khá to, rồi tôi lao lên phòng viết đơn ly dị với mục đích dọa cho chồng tôi sợ. Thế nhưng, anh đã ký và còn giục tôi làm thủ tục cho nhanh gọn. Đêm hôm đó, không dưới 3 lần, anh còn đuổi tôi ra khỏi nhà khiến tôi thực sự sốc, thực sự giận chồng. Vì thế, tôi đang rất phân vân, không biết có nên thúc đẩy việc ly hôn hay phải nhún nhường mà xin lỗi mẹ chồng để tiếp tục chung sống với con người ích kỷ, lười nhác ấy?
Thảo Anh