- Hàng loạt các thông tin xấu đang nhấn chìm ông trùm ngành gỗ Việt Nam Võ Trường Thành. Những nỗ lực tái cấu trúc Gỗ Trường Thành (TTF) của doanh nhân này trong khoảng 3 năm qua có lẽ đã tan thành mây khói.
Dồn dập trong tin xấu
Trong mấy tuần gần đây, số lượng thông tin xấu đến với Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) dồn dập hơn bao giờ hết.
Chưa hết hoàn hồn với danh hiệu á quân về thua lỗ (trong số các DN niêm yết trên TTCK), nhiều nhà đầu tư (NĐT) thực sự lo lắng khi đón nhận thêm thông tin doanh nghiệp (DN) Gỗ Trường Thành của doanh nhân nổi tiếng Võ Trường Thành bị kiểm toán nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ công bố hôm 31/8, Công ty kiểm toán E&Y cho biết, lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành tính tới cuối tháng 6/2016 tăng thêm 130 tỷ đồng so với số liệu do công ty tự lập đã công bố trước đây, tức tăng từ gần 1,1 ngàn tỷ lên hơn 1,2 ngàn tỷ đồng.
Cuộc đời lao đao của ông trùm ngành gỗ Việt. |
Nguyên nhân được xác định chủ yếu do chênh lệch kiểm kê thiếu hàng tồn kho tăng thêm 127 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 520 tỷ đồng, tương đương 60% doanh thu không thể xác định được có thật.
Trước đó, câu chuyện sai lệch nghiêm trọng về số liệu tại Gỗ Trường Thành đã làm rúng động TTCK, bắt đầu từ cú sốc vào ngày 19/7 khi các đối tác ra thông báo: “Phát hiện sai lệch nghiêm trọng, Tân Liên Phát - hiện là công ty mẹ sở hữu 49,9% cổ phần của TTF tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.202 tỷ của Gỗ Trường Thành”.
Sự việc trở nên tồi tệ dần lên với thông tin từ ĐHCĐ bất thường của TTF vào ngày 20/7 đề cập về những “sai lệch nghiêm trọng” ở Gỗ Trường Thành liên quan đến hàng tồn kho và nợ khó đòi. Một ngày sau đó, TTF công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ hơn 1,1 ngàn tỷ trong quý 2 do hàng tồn kho bốc hơi và trích lập dự phòng một số khoản phải thu.
Tới 9/8, cổ phiếu TTF bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chỉ được giao dịch trong buổi chiều. Ngày 15/8, ông Võ Trường Thành bị bãi nhiệm vị trí Chủ tịch TTF do “không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty”. Phó Tổng giám đốc Vingroup Vũ Tuyết Hằng giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Gỗ Trường Thành.
Đi kèm với hàng loạt những tin xấu, cổ phiếu TTF đã trải một đợt giảm giá kinh hoàng, giảm sàn 25 phiên liên tiếp, bốc hơi hơn 80%, từ mức 43.600 đồng/cp xuống còn 7.600 đồng/cp vào đầu giờ chiều 22/8. Như vậy, thành quả tăng giá 3 năm liên tiếp của TTF bị đốt sạch trong hơn 1 tháng.
Dường như, toàn bộ nỗ lực tái cấu trúc Gỗ Trường Thành trong khoảng 3 năm qua đã tan thành mây khói, trở về với cái máng lợn cũ. Cổ phiếu trở về gần sát với cái giá “rau thơm, trà đá” trước đó.
Trái ngược với niềm hứng khởi mua vào hàng triệu cổ phiếu với kỳ vọng DN hồi phục hồi năm 2013, ông Võ Trường Thành gần đây bị bán giải chấp gần 7 triệu cổ phiếu TTF ở vùng giá đáy, giảm sở hữu xuống còn hơn 7,7 triệu đơn vị, tương ứng còn chỉ hơn 5,3%. Con gái ông Thành cũng đã bán hết cổ phiếu TTF trong tháng 8.
Khó thoát
Đây không phải là lần đầu tiên ông trùm gỗ Việt đối mặt với sóng gió. Trong 20 năm kinh doanh của mình, doanh nhân gốc đất võ Bình Định này đã trải qua ít nhất 3 cú sốc, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và gắn liền với chỉ thị cấm xuất gỗ tại Việt Nam, cho tới những khó khăn gắn liền với những quyết định đầu tư lớn của TTF đi kèm với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008.
Thương hiệu gỗ Trường Thành liệu có bị tan vỡ? |
Vào thời điểm đó, các chính sách tiền tệ thắt chặt đã góp phần kéo lãi suất tăng vọt lên 18-20%. Sự dễ dãi trong vay mượn trước đó đã khiến TTF của ông Võ Trường Thành đứng trên bờ vực phá sản. 2008 là năm đầu tiên TTF chứng kiến tổng nợ cũng như nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu và vượt ngưỡng 1 ngàn tỷ đồng.
Đầu năm 2013, TTF rơi vào tình cảnh bi đát hơn khi nợ ngắn hạn tăng cao hơn so với các năm trước và doanh thu của DN tụt giảm, lợi nhuận có quý về gần bằng 0 đồng.
Sau nhiều nỗ lực đàm phán với các ngân hàng, đối tác và cổ đông chiến lược, TTF của ông Thành đã chứng kiến một sự đột phá trong năm 2015 với nợ ngắn hạn giảm nhanh, doanh thu tăng gần gấp đôi, lợi nhuận tăng gần gấp 3.
Tuy nhiên, nhiều trong số các kết quả tích cực gần đây được xác định là ảo, ảo từ hàng tồn kho, cho tới doanh thu. Trong khi đó, lỗ là lỗ thật. Sóng gió lần này có thể khác, “người vượt bão” Võ Trường Thành đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Câu chuyện của TTF giờ không chỉ còn là vấn đề dòng tiền, nợ nần. Mà đó là vấn đề tồn tại hay không tồn tại, ở trên sàn cũng như trên thương trường. Vấn đề được đặt ra là có ai là người sẽ giúp TTF vượt qua cuộc khủng hoảng lần này khi mà vua vượt bão ông Võ Trường Thành đã bị loại ra ngoài cuộc chơi. Chiến lược chiếm thị phần nội địa, chiến dịch mở siêu thị nội thất tại Hà Nội và TP.HCM,… phục vụ các dự án lớn… rồi tận dụng hội nhập TPP sẽ được tiếp tục như thế nào?
Sau 8 phiên hồi phục ngoạn mục, tăng trần từ đáy 7.600 đồng vừa qua, mở đầu tháng 9, cổ phiếu TTF lại biến động đảo chiều trước những cao buộc gian dối mới. Sự thật ít nhất cũng đã được kiểm toán xác nhận nhưng nhiều NĐT vẫn thấy thực sự khó hiểu khi mà có tới 30 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 40% số cổ phần không phải do Tân Liên Phát nắm giữ đã được giao dịch trong hơn một tuần qua. Nhiều kỳ vọng, nhiều tham vọng và những tính toán đang diễn biến khó lường đối với 1 trong rất nhiều cổ phiếu đầu cơ trên TTCK.
H. Tú