Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Phạm Văn Tuấn (đối tượng từng có 2 tiền án liên quan đến giết hổ) đã được UBND Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái từ cuối tháng 1/2016.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Liên, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm, vợ ông Phạm Văn Tuấn, đã được UBND Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái từ cuối tháng 1/2016. Cơ sở này cũng đã tiếp nhận 15 cá thể hổ từ Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh, Nghệ An.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) ngày 5/4 đã tiến hành kiểm tra để xác nhận điều kiện cơ sở vật chất chuồng trại của Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn, Nghệ An.

Nếu đạt đủ điều kiện nuôi nhốt, Hòn Nhạn sẽ được phép nhập khẩu thêm 9 cá thể hổ để phục vụ mục đích nuôi dưỡng, nhân giống trưng bày và phục vụ giáo dục bảo tồn.

{keywords}

Số hổ nuôi nhốt tại các vườn thú tăng vọt trong những năm gần đây

Điều đáng nói, Phạm Văn Tuấn là đối tượng có 2 tiền án liên quan đến hổ. Hiện Tuấn đang bị nghi ngờ là đối tượng cầm đầu một đường dây chuyên buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (bao gồm hổ, tê tê, ngà voi và sừng tê giác) xuyên biên giới Việt Nam - Lào - Thái Lan.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV bày tỏ sự bức xúc: “ENV cho rằng việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cho một đối tượng đã có hai tiền án tội phạm liên quan đến động vật hoang dã là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.

Cấp phép cho vợ chồng Phạm Văn Tuấn gây nuôi hổ đồng nghĩa với việc các cơ quan này đã chính thức thỏa hiệp và tạo điều kiện cho đối tượng có cơ hội lợi dụng danh nghĩa cơ sở được cấp phép để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trong tương lai”.

"ENV rất quan ngại về sự phát triển các trang trại hổ tại Việt Nam. Qua nhiều năm điều tra, ENV có thể khẳng định rằng hầu hết các trại nuôi hổ hiện nay không hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn mà thực chất là để hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp.

Với quyết định của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, chúng ta đang đặt số phận của những cá thể hổ mang danh nghĩa phục vụ lợi ích giáo dục bảo tồn trong tay một tên trùm buôn bán, tàng trữ hổ", bà Hà cho hay.

Ngoài ra, bà cũng đề xuất, việc làm đúng đắn nhất của UBND tỉnh Nghệ An là ngay lập tức thu hồi lại giấy phép gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đã cấp cho vợ chồng Phạm Văn Tuấn, đồng thời tổ chức điều tra làm rõ những sai phạm của đối tượng này.

B.Hân