Từ một người đàn ông khỏe mạnh, ăn nói lưu loát, trải qua những trận đòn của người vợ độc ác, anh Bùi Viết Liên trở thành tàn phế, liệt nửa người, lẹo lưỡi nói không ra tiếng vì chấn thương sọ não.

Ngày 12/4, báo nhận được đơn cầu cứu của gia đình anh Bùi Viết Liên (SN 1966, thôn 7, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), khiếu nại về việc anh bị vợ hành hung đến chấn thương sọ não.

Theo trình bày của anh Liên, năm 1988, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Sương (SN 1966) và có với nhau bốn người con. Thời gian đầu hai vợ chồng đều chịu khó làm ăn, kinh tế cũng đủ trang trải với 6 ha điều.

Sóng gió bắt đầu nổi lên từ năm 2008, do đầu tư vốn chuyển đổi cây trồng nên kinh tế gia đình trở nên khó khăn, mâu thuẫn vợ chồng phát sinh ngày càng gay gắt. Anh Liên không quản ngại khó khăn nhưng vợ anh lại khác, “từ khi tiền trong nhà eo hẹp vợ tôi thường tìm cách gây chuyện rồi đánh đập tôi, đánh chán cô ấy lại bỏ nhà ra đi”, anh Liên ấm ức kể.

Cũng theo anh Liên, từ sau lần đầu tiên cãi nhau, đánh chồng rồi bỏ đi được khoảng nửa tháng, lúc trở về, tính tình Sương càng trở nên khó chịu hơn, hung dữ hơn, nhiều lần anh Liên phải chịu những trận đòn chí mạng của vợ chỉ vì một lý do duy nhất là không có tiền.

“Khoảng hai năm trở lại đây, vợ tôi thường bỏ nhà đi từ sáu tháng tới một năm mới về. Nhưng, khác với các lần trước, cứ mỗi lần về là cô ấy lại đòi tôi ký đơn ly hôn để chia tài sản. Tôi không chịu ký là cô ấy đánh tôi bằng bất cứ vật gì cô ấy vớ được, từ con dao tới cái cuốc. Những lúc như thế tôi lại nhẫn nhục chỉ vì thương các con” anh Liên chia sẻ.

{keywords}

Anh Liên bị đánh liệt nửa người, gần như tàn phế


Đỉnh điểm của việc bạo hành là lần Sương đánh chồng đến chấn thương sọ não, thương tích 59%, ngày 20/12/2014. Trưa hôm đó, anh Liên đi đám cưới về thì Sương gây chuyện chửi bới, rồi dùng gậy gỗ đánh vào đầu chồng làm anh Liên bất tỉnh. Mãi đến hai ngày sau (22/12), khi anh Chiến, một người hàng xóm, sang nhà nhờ anh Liên đi xịt thuốc bón cây điều thì mới phát hiện Liên nằm mê man, bất tỉnh.

Anh Chiến hỏi thăm thì Sương lạnh lùng trả lời “Em mới đánh cho nó một trận nhừ tử đấy”. Thấy anh Liên người bê bết máu, trong tình trạng nguy kịch nên anh Chiến đã bế thốc anh Liên đi cấp cứu tại bệnh xá xã... Ngay sau đó, anh Liên được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Sau nhiều ngày điều trị, anh Liên mới qua khỏi cơn nguy kịch.

Theo chứng nhận thương tích của Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Điều dưỡng - phục hồi chức năng thì anh Liên bị giập não xuất huyết bán cầu (P), không nói được, bị liệt một số cơ quan chức năng, phát âm rất khó khăn.

“Từ khi vụ việc xảy ra, em tôi từ một người khỏe mạnh bình thường, nói năng lưu loát giờ như một người tàn phế, đến việc ăn cơm cũng rơi vãi như một đứa con nít, nói chuyện thì lâu lâu mới rặn ra được một tiếng, liệt nửa người, đi đứng rất khó khăn, thường xuyên phải nằm một chỗ”, ông Bùi Viết Chắt, anh trai anh Liên ứa nước mắt khi nói về đứa em trai bất hạnh đang được ông chăm sóc.

Cũng theo ông Chắt, từ khi đánh chồng bị chấn thương sọ não, Sương còn nhiều lần hù dọa, đòi đánh nếu như anh Liên trở về nhà. “Em tôi giờ có nhà mà không dám về vì sợ vợ đánh. Mỗi lần tôi tính dẫn Liên về nhà là bị cô ta cầm cây đuổi đánh, vừa đuổi cô ta còn tuyên bố “sẵn sàng đánh cho chết”, ông Chắt bức xúc.

Theo kết quả giám định thương tích, anh Bùi Viết Liên bị mất 59% sức lao động vĩnh viễn.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Viện Kiểm sát Bù Gia Mập cho biết, cơ quan chức năng đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng chưa áp dụng biện pháp tạm giam vì còn lý do liên quan đến gia đình, Nguyễn Thị Sương đang phải nuôi con nhỏ (!?). Trong khi đó, đứa con nhỏ nhất nay cũng đã 17 tuổi.

Luật sư Vương Quốc Quỳnh, Trưởng văn phòng luật sư Quốc Vương, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước cho biết: Theo nội dung vụ án và tỷ lệ thương tật của bị hại 59% bị can phạm tội theo khoản 3, điều 104 Bộ luật Hình sự (như khởi tố của cơ quan CSĐT), thuộc trường hợp rất nghiêm trọng và không thuộc các trường hợp quy định theo khoản 2 điều 88 BLTTHS, nên việc cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp tạm giam là thiếu căn cứ.

Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự về bắt tạm giam quy định:

1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

(Theo PNO)