Về phát triển kinh tế số, trong năm 2024, huyện Võ Nhai tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện nhằm hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Hiện nay, 100% các sản phẩm OCOP của huyện đã được hỗ trợ và đưa lên cả 02 sàn là Postmart và Vỏ sò để quảng bá và phát triển thương mại. Bên cạnh đó, phong trào livestream bán hàng nông sản ngày càng được nhân rộng, đặc biệt trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2024”.
Cùng với đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt được UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, phối hợp với các đơn vị bưu chính, viễn thông, các ngân hàng thương mại trên địa bàn duy trì hiệu quả mô hình chợ 4.0.
Nhờ đó, người dân đã chủ động thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch từ thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chuyển sang thanh toán trên website hoặc App của các ngân hàng thương mại và đơn vị viễn thông trên địa bàn, với tỷ lệ thanh toán điện tử trên địa bàn huyện ước đạt 48,8% (tăng 18%).
Trên trụ cột xã hội số, mục tiêu đến năm 2030, 100% tuyến quốc lộ trên địa bàn được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; mạng 5G phủ sóng tại 100% các khu dân cư; 95% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% Tổ công nghệ số cộng đồng được đào tạo nâng cao nhận thức số, kỹ năng số...
Theo đó, huyện tiếp tục tuyên truyền đến người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng C-ThaiNguyen, ThaiNguyen ID. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn sử dụng phần mềm cơ sở quản lý dữ liệu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.
Đồng thời, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục triển khai, khai thác hiệu quả website của đơn vị và các trường học; 100% các trường học sử dụng hệ thống quản lý văn bản của ngành và phần mềm kế toán Misa; triển khai học bạ điện tử đến cấp tiểu học và THCS trên địa bàn; duy trì hoạt động của Tủ sách thông minh nhằm phục vụ các em học sinh và người dân truy cập thông tin.
Đối với lĩnh vực Y tế: huyện đẩy mạnh triển khai, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thực hiện các nhiệm vụ đáp ứng xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCB gắn chíp, ... với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế đạt 91,7%. Bên cạnh đó, huyện Võ Nhai cũng chú trọng quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa, du lịch.
Các cơ quan, đơn vị, khu, điểm du lịch trên địa bàn đã và đang tăng cường quảng bá du lịch, hình ảnh đất và người Võ Nhai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặt biệt là các nền tảng mạng xã hội; triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở lưu trú sử dụng phần mềm thông báo lưu trú ASM; duy trì Cổng thông tin Du lịch thông minh Võ Nhai...
Hiện tại, huyện cũng triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, cụ thể: Duy trì hoạt động của 154 Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, Tổ công nghệ số đã triển khai hỗ trợ người dân cài đặt, tích hợp, sử dụng các ứng dụng số như: Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng VNeID mức 2 khi khám, chữa bệnh...; phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai 3.000 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng tạp hóa, dịch vụ tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Trong năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức 05 lớp tập huấn cho 350 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã: La Hiên, Vũ Chấn, Sảng Mộc, Nghinh Tường, Thượng Nung.
Thời gian tới, huyện Võ Nhai xác định mục tiêu gắn phát triển kinh tế số với triển khai các nền tảng số, trong đó trọng tâm phát triển nội dung số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện chuyển đổi số.
Đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Chợ 4.0 trên địa bàn; thực hiện số hóa các di sản văn hóa, kết hợp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo TQ (Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên)