Để hạn chế tối đa những rủi ro người tiêu dùng có thể gặp phải, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương đưa ra một số vấn đề mà người tiêu dùng (NTD) cần lưu ý trước khi xác lập giao kết loại hình này.
Chị Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây gần 3 năm, qua sự giới thiệu của một người bạn, chị Hà có mua gói “nghỉ dưỡng” trị giá hơn 200 triệu đồng. Theo đó, mỗi năm, gia đình có suất nghỉ dưỡng ở khách sạn thuộc loại cao cấp trong hệ thống của doanh nghiệp khoảng 1 tuần. Nếu không sử dụng hết gói, có thể nhượng lại cho người khác. Nhưng sau đó, chi phí đi kèm với gói nghỉ dưỡng này quá cao khiến gia đình chị Hà nhiều khi không muốn sử dụng dịch vụ.
Chị Thanh Hà giao bán suất ưu đãi, nhưng vì giá bán không cạnh tranh nên gần như không ai mua. Do đó, gói dịch vụ gần như bị bỏ phí.
Tương tự như chị Thanh Hà, nhiều người khác được tư vấn đã mua gói dịch vụ nghỉ dưỡng trị giá hàng tỷ đồng. Tất nhiên điều kiện ăn ở, du lịch, quyền lợi ở các gói này cao cấp hơn. Tuy vậy, nếu tính chi li, người mua sẽ thấy bị “hớ” vì dịch vụ không tương xứng với số tiền bỏ ra.
Cần thận trọng khi đặt bút ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. (Ảnh minh hoạ internet) |
Dịch vụ cung cấp gói nghỉ dưỡng định kỳ hàng năm, tên gọi khác là “timeshares” xuất hiện tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới trong những năm gần đây. Theo đó, người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải trả một khoản tiền để có thể sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của doanh nghiệp (DN), mà thường là một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng.
Người mua có quyền sử dụng bất động sản đó trong một khoảng thời gian thường là 7 ngày/năm liên tục trong nhiều năm với mức giá được quy định tại hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi loại hình kinh doanh mới này du nhập vào Việt Nam một thời gian, thị trường đã xuất hiện những vấn đề gây bức xúc khi NTD tham gia các giao dịch liên quan đến dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ.
Thông tin về các vụ việc có dấu hiệu xâm hại quyền lợi NTD trong lĩnh vực này, đại diện Cục CT&BVNTD cho biết, theo phản ánh từ NTD, sau khi hai bên ký kết hợp đồng nhiều năm, dù đã thanh toán nhiều đợt cho phía DN với trị giá lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng nhưng họ vẫn chưa được sử dụng dịch vụ kỳ nghỉ như DN cam kết. Khi người tiêu dùng có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, hoàn trả tiền thì bị DN gây nhiều khó khăn, thậm chí không được hoàn trả.
Có nhiều nguyên nhân khiến gói dịch vụ nghỉ dưỡng “làm mưa làm gió” một thời nhanh chóng bị NTD phản đối. Cụ thể, tại thời điểm ký kết, DN cung cấp dịch vụ này cho NTD chưa đủ điều kiện để kinh doanh ngành nghề dịch vụ lưu trú theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, phần lớn NTD đồng ý ký kết hợp đồng với nhân viên của DN ngay khi được tư vấn trực tiếp mà không có thời gian đọc kỹ hợp đồng. Trong nhiều trường hợp, nhân viên giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho NTD... Đến khi xảy ra tranh chấp, NTD khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền thì lại không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cụ thể mà chỉ là “được nghe tư vấn từ nhân viên”.
Thứ ba, hợp đồng DN sử dụng để ký kết với NTD có nhiều nội dung, điều khoản không rõ ràng, gây bất lợi cho NTD; miễn trừ trách nhiệm cho công ty; loại bỏ quyền khiếu nại của NTD...
“Thậm chí, nhiều NTD còn cho rằng hoạt động của các DN này có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự”, đại diện Cục CT&BVND cho hay.
Để hạn chế tối đa những rủi ro mà NTD có thể gặp phải khi tham gia giao kết những “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” như trên, Cục CT&BVNTD khuyến cáo, NTD cần hiểu rõ “sở hữu kỳ nghỉ” không phải là bất động sản theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên bán trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ chỉ là DN kinh doanh dịch vụ du lịch, cụ thể là dịch vụ lưu trú.
Do đó, NTD trước khi mua gói nghỉ dưỡng này cần tìm hiểu kỹ điều khoản hợp đồng, không chỉ nghe “cam kết miệng”, đặc biệt là xem xét kỹ quyền lợi của khách hàng; trách nhiệm của DN liên quan; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…
Hiện nay, hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ đều là hợp đồng có thời hạn dài và khách hàng phải thanh toán một số tiền lớn ngay từ đầu. Nhưng bên cạnh khoản phí cố định sẽ còn kèm theo rất nhiều các khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng trong tương lai (phí quản lý, phí vận hành, phí duy tu - bảo dưỡng...).
Do đó, Cục CT&BVNTD cho rằng, NTD cần cân nhắc thật kỹ, đặc biệt cần tỉnh táo trước các chiến lược khai thác khuynh hướng tâm lý NTD của DN trước khi quyết định đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào hoặc đặt bút ký vào bất kỳ tài liệu nào với DN.
Theo Công an Nhân dân