Phụ nữ thường là người cất giữ tiền nong, quản lí chi tiêu trong gia đình. Nhưng cũng có trường hợp, các ông chồng đã gặp phải tai họa vì đưa vợ “tay hòm chìa khóa” như thế…

Hiện tại, ở nhà anh Long (34 tuổi), anh chính là người giữ “tay hòm chìa khóa”, hàng tháng 2 vợ chồng anh gộp chung lương lại, vợ anh chỉ cầm 1 khoản đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, cần gì anh mới đưa thêm. Ai biết chuyện cũng thắc mắc sao anh không giao cho vợ, đàn ông ai lại đi làm việc như thế. “Thực sự mình có muốn thế đâu, nhưng đã có 1 bài học xương máu, vì thế ở nhà mình, không thế không được!” – anh rầu rĩ nói.

Hỏi ra mới biết, thì ra cũng như phần lớn các cặp vợ chồng khác, sau khi cưới anh cũng giao cho vợ nắm giữ kinh tế gia đình. Lương thưởng có bao nhiêu anh đều “cống nạp” hết cho vợ, chỉ giữ lại lượng đủ tiêu vặt mà thôi. Cũng vì tin tưởng vợ, cho nên anh hiếm khi hỏi đến việc tiêu pha tiền nong của vợ cũng như số tiền tiết kiệm được.

“Mọi chuyện sẽ vẫn cứ tiếp diễn như thế, nếu như đợt đó không có cậu bạn rủ mình chung vốn làm ăn, mình nghiên cứu thấy khá ổn nên về nhà bảo vợ đưa tiền để đầu tư. Ai ngờ khi mình hỏi trong nhà có bao nhiêu tiền tiết kiệm thì vợ hồn nhiên thông báo 1 con số mà có nằm mơ mình cũng không ngờ được” – anh Long cho hay. Anh bảo, anh áng chừng nguyên lương vợ cũng đủ chi tiêu hàng ngày trong nhà, còn lại lương thưởng của anh cũng không phải là ít, mà từ khi cưới tới lúc đó là 3 năm, vợ chồng anh cũng chưa chi dùng việc gì lớn, vậy thì ắt hẳn số tiền tiết kiệm được phải lớn gấp rất nhiều lần con số vợ anh đưa ra mới phải. Khi anh đem thắc mắc đó nói với vợ thì chị nhà bỗng dưng nổi đóa: “Em chỉ chi tiêu, mua sắm cho cái nhà này chứ mang cho ai đâu mà! Anh đang nghi ngờ em điều gì thế hả?”.

Tìm hiểu kĩ thêm, anh Long cũng công nhận, vợ anh chỉ chi dùng cho nhà anh mà thôi. Nhưng việc chi tiêu của vợ anh thì thật là không thể tưởng tượng nổi. Nguyên 1 mình vợ anh đã có đến 1 tủ đựng đồ to, đầy ắp, với cơ man nào là váy, áo, túi xách, giầy dép…, điều đáng nói hơn cả, đó toàn là những đồ đắt tiền, có những cái váy có khi bằng cả tháng lương của vợ anh! Đồ trang điểm, nước hoa của vợ cũng toàn hàng của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Con gái anh mới 2 tuổi nhưng cũng được mẹ sắm cho một tủ đồ, chất đầy quần áo, toàn những món không rẻ chút nào. Anh nhìn mà choáng váng mặt mày. Thảo nào mà số tiền tiết kiệm của vợ chồng anh lại còn ít ỏi tới đáng thương như vậy.

“Sau khi rõ mọi chuyện, mình trách cô ấy thì cô ấy quay ra trách lại mình rằng vợ mua sắm 1 tí cho bản thân với cho con mà cũng keo kiệt, kêu ca. Khổ quá, mình nào có keo kiệt với cô ấy và con, nhưng sao cô ấy không hiểu, vợ chồng mình cũng còn rất nhiều việc phải lo lắng, phải cần đến tiền, chưa thừa thãi để mua sắm không suy nghĩ những món đồ xa xỉ như thế. Điều mình muốn là cô ấy nên biết chi tiêu hợp lí trong khuôn khổ khả năng tài chính của gia đình, còn lại phải để dành tiết kiệm phòng xa nữa chứ!” – anh Long thở dài. Sau sự vụ đó, vì đã mất lòng tin ở vợ nên anh quyết định sẽ tạm thời giữ “tay hòm chìa khóa”, tới khi nào vợ anh thay đổi suy nghĩ và biết quản lí chi tiêu thì anh mới trao trả lại cho vợ.

{keywords}

Sau sự vụ đó, vì đã mất lòng tin ở vợ nên anh quyết định sẽ tạm thời giữ “tay hòm chìa khóa”, tới khi nào vợ anh thay đổi suy nghĩ và biết quản lí chi tiêu thì anh mới trao trả lại cho vợ (Ảnh minh họa).

Cùng rơi vào hoàn cảnh gặp tai họa vì đưa vợ “tay hòm chìa khóa” là anh Thắng (36 tuổi). “Cũng như hầu hết các đức ông chồng khác, ban đầu mình cũng để vợ làm thủ quỹ, kiếm được bao nhiêu mình đều đưa hết cho vợ, nhưng rồi sau đó chính mình lại phải hối hận vì việc làm đó…” – anh Thắng ngao ngán kể.

Anh Thắng cho biết, lúc đầu anh để ý thì thấy vợ là người khá biết tính toán, tiết kiệm trong chi dùng nên anh cũng yên tâm, từ đó hoàn toàn phó mặc chuyện tiền nong cho vợ quản lí. Mấy anh em chiến hữu đôi khi tâm sự với nhau, có người biết chuyện thì khuyên anh thi thoảng cũng nên kiểm tra bất ngờ vợ, vì đã có khá nhiều tấm gương đưa hết tiền cho vợ giữ nhưng khi hỏi tới thì lại chẳng thấy đâu, vì vợ sẵn tiền trong túi mang đi chơi lô đề cờ bạc hoặc chi tiêu vô tội vạ mất rồi. Anh Thắng ngẫm thấy vợ mình là người tiết kiệm, lại sống đúng mực, nhiều khi anh bảo vợ mua thêm quần áo mới mà diện nhưng chị còn ậm ừ mãi vì tiếc tiền, vì thế anh khá yên tâm, nghĩ ai không biết chứ vợ mình thì không thể nằm trong những trường hợp ấy được.

“Nhưng một ngày, mình vô tình đọc được tin nhắn trong điện thoại của vợ với em trai cô ấy. Cậu ta hỏi vay vợ mình tiền, còn vợ mình trả lời rằng đã hết sạch tiền mặt, chỉ còn vàng cưới hồi môn mà thôi, mà cái đó để làm kỉ niệm nên không muốn bán hoặc cho vay! Cậu ta tiếp tục nài nỉ đòi vay, hứa hẹn sẽ trả lại nhanh nhất có thể, còn nói vàng nào mà chẳng là vàng, lại mua số vàng y hệt thế thì anh rể - tức là mình làm sao mà biết được. Vợ mình trả lời rằng muốn suy nghĩ đã” – anh Thắng nhớ lại. Anh giãi bày, đọc được đám tin nhắn đó mà anh giật mình thon thót. Qua đoạn nói chuyện của 2 chị em họ thì có vẻ đây không phải lần đầu tiên em trai vợ anh hỏi vay tiền, và rõ ràng là chưa hề trả lại, còn vợ anh thì đã cho vay hết số tiền mặt có trong tay, thậm chí đang có ý nghĩ bán vàng cưới đi để cho em mình vay tiếp!

Anh Thắng lập tức đem chuyện hỏi vợ, thấy chị ú ớ không nói nên lời, trong mắt lộ rõ sự hốt hoảng thì anh biết ngay, những gì anh suy đoán đã hoàn toàn là sự thật. Em trai của vợ, anh còn lạ gì, là một cậu chàng đã ngoài 2 chục tuổi đầu nhưng không chịu làm ăn gì, suốt ngày chỉ lêu lổng, thậm chí còn chơi lô đề, cá độ bóng đá, bố mẹ vợ anh có lần còn phải đứng ra trả nợ cho cậu ta. Tiền cho cậu ta vay, chỉ có mất chứ làm sao mà đòi lại được!

“Mình bực quá, mắng vợ mấy câu thì cô ấy khóc thút thít nói rằng chả lẽ em trai máu mủ của mình gặp khó khăn mà lại không giúp đỡ, thế thì làm sao còn dám nhận là chị gái nữa! Đến đây thì đúng là mình đành bó tay bất lực, vậy cô ấy không nghĩ đó là tiền mồ hôi nước mắt của chồng cô ấy làm ra, để lo cho gia đình và con cái của cô ấy sao? Giúp đỡ anh chị em tất nhiên là cần thiết, nhưng còn phải xem trường hợp cụ thể là như thế nào, chứ mình không nai lưng ra làm để cho một thanh niên sức dài vai rộng mang đi tiêu xài hoang phí được, thà cậu ta vay mượn để làm ăn đàng hoàng thì đã đi 1 nhẽ. Thương em, chiều em kiểu như vợ mình thì chỉ có làm hư thêm nó mà thôi” – anh Thắng không giấu được sự bức xúc. Cũng từ đó, anh Thắng không còn dám đưa tiền cho vợ giữ nữa.

(Theo Trí Thức Trẻ)