Ngày cuối tuần, từ chối bữa nhậu với đồng nghiệp, tôi về nhà sớm để ăn cơm tối cùng vợ con bởi cả tháng nay toàn đi liên hoan tổng kết. Bước vào đến cổng, thấy nhà cửa tối thui, trong bếp hai đứa con đang gặm bánh mì còn không thấy bóng dáng vợ đâu.
Con bảo: “Mẹ về muộn, nhắn tụi con ăn mì trước, lát về mẹ mua hủ tiếu cho”. Tôi nghĩ vợ đang dở việc cơ quan nên gọi điện báo tôi đã về nấu cơm, không cần mua thêm thức ăn nữa.
Cứ độ cuối năm, các cửa hàng vào mùa giảm giá khuyến mãi là vợ lại khuân đủ thứ về nhà. Ảnh minh họa |
Khoảng ba mươi phút sau, vợ tay xách nách mang về nhà, miệng than thở: “Anh mà không gọi là em mua thêm được vài thứ nữa rồi”. Nhìn bộ dạng của vợ, tôi biết cô ấy vừa trở về từ những cửa hàng giảm giá cuối năm.
Vợ hào hứng soạn hàng lên bàn để khoe chồng con. Nào là áo ấm giảm chỉ còn nửa giá nên tranh thủ lấy luôn ba cái, áo thun của con trai đồng giá quá rẻ mua 10 cái cho bõ công. Rồi thì chén bát giảm giá sốc, cây lau nhà rẻ như cho, giày dép không thể rẻ hơn chỉ tiếc không đủ thời gian lựa chọn.
Đèn bắt muỗi, máy xay đa năng chính hãng mà rẻ như hàng chợ. Thực phẩm, gia vị cũng khuyến mãi quá trời, mua một lần dùng cả năm không hết. Tôi ngao ngán nhìn đống hàng vợ bày với vẻ thích thú như vừa “trúng quả”. Vợ mua nhiều tới mức, tôi đã nấu xong bữa tối mà cô ấy vẫn chưa dọn cất chúng đi hết.
Trong bữa cơm, tôi bảo: “Em mua gì nhiều vậy, nhà mình dùng đâu hết”. Vợ dấm dẳng: “Đàn ông các anh ít tính toán, giờ họ bán giảm giá mua về dùng dần vừa rẻ vừa tiết kiệm. Nội trợ thông minh là phải biết mua khi hàng rẻ”. Câu nói đó vợ cứ lặp đi lặp lại mỗi lần tôi góp ý gần xa về chuyện mua sắm.
Nếu tôi chỉ ra việc mua sắm như thế chẳng tiết kiệm mà còn rất lãng phí là vợ giãy nãy lên không chịu thừa nhận. Bình thường, vợ tôi chi tiêu cũng dè dặt, nhưng rất thích mua hàng giảm giá. Cứ thấy cửa hàng giăng sản phẩm hạ giá thì bất chấp chất lượng thế nào, cô ấy cũng nhào vào xem, rồi không nhịn nổi là mua, tính tiết kiệm bỗng biến đâu mất.
Trong suy nghĩ của vợ, mua như thế rất rẻ nhưng thực tế có những thứ mua về không bao giờ dùng lại thành ra hoang phí. Năm nào cũng vậy, cứ độ cuối năm, các cửa hàng vào mùa giảm giá khuyến mãi là vợ lại khuân đủ thứ về nhà.
Vì mua nhiều quá đâu có dùng hết, có cái không hề đụng được một lần mà đem bỏ. Như áo quần sắm cho con, vợ mua chục cái cùng một kiểu chỉ khác màu mà không quan tâm con thích hay không. Mẹ mua về mà con không dám ý kiến nhưng lặng lẽ nhét trong tủ không mặc. Thành ra mua rẻ nhưng lại không dùng được cũng như không.
Nhiều món hàng giá rẻ nhưng chất lượng kénn, mau hư hỏng. Dù vậy, vợ thấy rẻ là mua bất chấp. Ảnh minh họa |
Năm nào cũng chừng ấy mặt hàng khuyến mãi, mua nhiều quá thành ra vợ chẳng nhớ cái nào đã có, như vợt muỗi trong nhà đã có vẫn tiếp tục mua vì chỉ cần thấy giảm giá là lấy.
Lãng phí nhất là gia vị nấu ăn, như đường, dầu ăn, nước mắm, bột nệm... Vợ mua về cất trong tủ ăn không hết, đến khi lấy ra đã quá hạn sử dụng phải đổ bỏ. Mà thật ra, “tiền nào của nấy”, không phải hàng giảm giá nào cũng đảm bảo chất lượng.
Có những thứ là hàng hóa tồn kho chất lượng giảm, người bán giảm giá bán cho nhanh chứ đòi đâu ra độ bền, vừa mua về dùng được vài lần đã hỏng thành ra mua rẻ thành đắt.
Từ nay cho đến Tết, khi các cửa hàng còn đổ đống giảm giá thì bố con tôi còn chịu cảnh cơm nước thất thường dài dài, bởi vợ mãi “ngụp lặn” mua sắm sau giờ làm. Góp ý mãi mà vợ không nghe, tôi đâm ra chán, mặc vợ muốn mua gì thì mua. Nói nhiều quá lại trở thành ông chồng “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành” trong mắt vợ thì khổ.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)