Mỗi khi rơi vào thế bí, chị thường giơ bàn tay, chỉ cho chồng xem khoảng trống giữa các ngón và nói: “Số em không giữ tiền được, anh không làm thủ quỹ là nhà mình có nguy cơ trắng tay”.
Không biết chị lấy tin này từ đâu, hễ các ngón tay này khít nhau thì chủ nhân nó sẽ giữ tiền tốt. Khác chị, bàn tay anh chìa ra luôn khít rịt.
Việc chị giao anh giữ vai trò tay hòm chìa khóa gia đình là không đùa, bởi chị biết mình “có ngón tay không khít”, lại vụng tính toán, nên rất sợ cả nhà phải đi… ăn xin.
Chị làm ra tiền, nhưng không biết cách giữ tiền. Trong nhà, chị là người xài sang và ngẫu hứng. Đồ ăn, vật dụng phải mua loại ngon nhất, tốt nhất chị mới chịu. Một tuần mấy lần chị kéo cả nhà đi ăn hàng do "em mệt quá, không nấu cơm nổi".
Mặc kệ lương chưa về, rảnh là chị lướt Facebook ngó nghiêng mua này sắm kia. Thấy ưng ý là chị đặt mua cho chị, cho chồng con, thậm chí cho cả bạn bè thân thiết… Đồ đạc chị mua có những loại hữu dụng, nhưng cũng có những loại mau chóng bị bỏ xó, nói như anh là “không biết xài vào đâu”. Anh góp ý thì chị tự ái đến bỏ cơm.
Vậy nên, chuyện mới giữa tháng mà sinh hoạt phí cho 30 ngày đã bốc hơi thường xuyên xảy ra. Dù vợ chồng siêng năng chăm chỉ, nhưng cuối năm chị kiểm lại, chị thấy không tích lũy được là bao. Chưa kể thói quen tiêu xài bất chấp hại chị dở khóc dở cười.
Lần nọ, đang đi thì xe hết xăng, chị tạt vào cây xăng sau đó phát hiện mình không có tiền trong người. Mới đây nhất, khi shipper giao hàng chị mở ví lấy tiền trả thì trong đó chỉ còn giấy tờ. Chị xài hết những đồng cuối cùng lúc nào không hay.
Kể chuyện này, bạn thân của chị tò mò muốn biết số tiền anh chị tiết kiệm trong một năm. Thấy chị ngớ ra, bạn hỏi thẳng: “Với thu nhập của vợ chồng bạn thì ít gì cũng 100 triệu hả?”.
Chị đâm lo lắng, bởi chị không thể làm như bạn nói. Trước mắt là chặng đường cần rất nhiều tiền để lo cho con đi học, sửa lại căn nhà đã xuống cấp, tiền thay chiếc xe mới để anh đi làm khỏe hơn… Còn cả núi những thứ tương tự cần tiền. Nếu tiêu xài như thời gian qua chị lo mình làm hỏng tương lai của con.
Thấy chị khổ sở, anh động viên chị “tháng sau sẽ khá hơn”. Nhưng hai tháng, ba tháng trôi qua, kỳ tích vẫn không xuất hiện, nhà chị luôn rơi vào cảnh ăn trước trả sau. Lần nào anh cũng phải cứu chị. Chị truy thì anh bảo đó là tiền anh để dành… Chị lóe lên hy vọng, tha thiết đề nghị anh đổi vai.
Không ngờ anh làm tốt hơn chị trăm lần. Đầu tháng anh cùng chị tính toán chia từng khoản cần chi tiêu vào phong bì riêng, đó là tiền chợ, tiền điện, tiền nước, tiền xăng, tiền dự phòng.
Phần còn lại anh chuyển hết vào tài khoản tiết kiệm ngầm quy ước “quỹ đại học”, “quỹ sửa nhà”, “quỹ mua xe”… Tiền gửi vào ngân hàng đâu thể tùy tiện rút ra xài, vì vậy chị cũng giảm lướt Facebook chốt đơn. Dần dà chị biết điểm dừng, biết tiết kiệm, khéo vén hơn.
Mấy ngày nay, nhiều người chia sẻ vụ một cô hoa hậu ly hôn ra khỏi nhà không có đến 100 ngàn đồng. Bạn thân của chị đùa, nếu chị không thay đổi sớm có khi cả nhà cũng rơi vào cảnh ấy.
Chị mỉm cười, bởi chị sở hữu một viên ngọc mà trước đây không hề biết. Ngón tay chị vẫn không khít, nhưng cuộc sống gia đình đã nền nếp hơn. Có thể ông trời gửi anh đến để bù trừ những điều chị chưa hoàn thiện. Chị mong cuộc sống gia đình mình cứ như vậy và anh hãy cứ tiếp tục giữ quỹ.
Theo Phụ Nữ TP.HCM
Nhà chồng không vui khi tôi cầm hết lương của ông xã
Hai vợ chồng tôi đề ra "chính sách siết chặt chi tiêu" mùa dịch, để nếu xảy ra chuyện gì, chúng tôi vẫn còn một khoản dự trữ. Nhưng khi biết chuyện này, nhà chồng không hài lòng chút nào.