- Tôi năm nay 33 tuổi, vợ tôi 31 tuổi. Chúng tôi đã kết hôn được 7 năm. Thời gian gần đây, vợ tôi quen một người đàn ông đã ly hôn vợ, trên phương diện làm ăn chung với nhau.
Thế nhưng nhiều lần, vợ tôi nói dối là đi theo người đó nhập hàng hóa về bán, nhưng thực chất là đi chơi qua đêm với nhau, sống chung với nhau ngay trên xe tải. Tối cô ấy nói dối là về khách sạn ngủ nhưng lại về nhà người kia ngủ.
Cách đây 1 tháng, trong thời gian đi như vậy, cô ấy gọi điện cho tôi nói không còn tình cảm, tình nghĩa vợ chồng đã chấm dứt, không thể tiếp tục được nữa. Tôi đau khổ níu kéo vì nghĩ cho con nhỏ năm nay mới 4 tuổi nhưng đã thiếu vắng tình cảm của mẹ. Thậm chí, tôi còn năn nỉ người đàn ông kia buông tha cho gia đình mình, nhưng anh ta vẫn phớt lờ.
Nhờ luật sư tư vấn giúp, nếu giờ tôi có chứng cứ chứng minh hai người đó ngoại tình với nhau, dẫn đến nguy cơ gia đình tôi tan vỡ, con tôi mất mẹ (do cô ấy đòi ly hôn và không muốn nuôi con để đi theo người đàn ông kia) thì anh ta có thể bị vào tù không? Nếu vợ tôi nhất quyết ly hôn và không nuôi con thì sau này cô ấy còn có quyền đòi nuôi con lại không? Cảm ơn luật sư tư vấn.
Người đàn ông đó có phạm tội hình sự khi phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi? (Ảnh minh họa) |
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau
1. Trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi ngoại tình.
Điều 147 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Hướng dẫn Điều 147 Bộ luật hình sự 1999 tại điểm 3 Thông tư 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC về hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
“3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
3.2. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...
b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
3.3. Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo khoản 2 Điều 147 BLHS mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS”.
Như vậy, trong tình huống này, bạn có thể tố giác hành vi ngoại tình nêu trên tới Cơ quan công an để đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của người ngoại tình dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là gia đình bạn tan vỡ dẫn đến ly hôn.
2. Nếu vợ bạn nhất quyết ly hôn và không nuôi con thì sau này cô ấy còn có quyền đòi nuôi con lại không?
Trong trường hợp, bạn và vợ ly hôn mà vợ bạn không đồng ý nuôi con (thỏa thuận để bạn nuôi con hoặc Tòa án phán quyết bạn được nuôi con) thì sau khi ly hôn, nếu vợ bạn muốn nuôi con thì phải khởi kiện tới Tòa án nhằm yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;”.
Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Công ty Luật Themis; Mail: [email protected]
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc