Đây là một trong những vụ án rúng động Trung Quốc một thời gian dài vì tính chất và mức độ phạm tội của Thành Khắc Kiệt vô cùng nghiêm trọng. Thời gian lập chuyên án, điều tra, xét xử và thi hành án tử hình đối với ông ta cũng thuộc diện nhanh kỷ lục.

{keywords}
Thành Khắc Kiệt hầu tòa.

Thành Khắc Kiệt, sinh năm 1933, là người dân tộc Choang tại huyện Thượng Lâm, Quảng Tây. Ông này có 2 con trai nhưng một người bị cảnh sát đánh chết vì chống lệnh bắt giữ, người còn lại nghiện ma túy nặng. Quá khốn khổ vì con, lại đau đời vì người chồng mê gái, vợ của viên quan họ Thành rơi vào trầm cảm rồi tự tìm đến cái chết bằng cách treo cổ.

Tuy gia đình đầy bi kịch như vậy nhưng đường quan lộ của Thành Khắc Kiệt rất hanh thông. Từ một nhân viên kỹ thuật vô danh, ông ta thăng tiến lên Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Đường sắt Liễu Châu (Quảng Tây). Tiếp đó, viên quan họ Thành giữ chức Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, rồi Phó Bí thư khu ủy và Chủ tịch Khu. Năm 1992, Thành Khắc Kiệt được bầu vào Trung ương tại Đại hội 14 và tới tháng 3/1998 làm Phó chủ tịch Quốc hội.

Những sai phạm nghiêm trọng của Thành Khắc Kiệt bắt đầu bị đưa ra ánh sáng từ đầu năm 1999, khi ông này được đoàn Quảng Tây mời đi khảo sát dưới danh nghĩa lãnh đạo cũ của tỉnh. Khi tới Ma Cao, các thành viên trong đoàn tình cờ bắt gặp cảnh Thành Khắc Kiệt đang âu yếm tình tứ với một phụ nữ trẻ ở quầy giải khát của khách sạn. Khi đoàn rời Ma Cao thì thấy người phụ nữ này đi ra từ phòng ở của ông Phó chủ tịch Quốc hội.

Khi trở về, một số thành viên trong đoàn khảo sát đã báo cáo chuyện này với Trung ương. Ngay lập tức, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành điều tra, xác minh người phụ nữ đó là Lý Bình.

{keywords}
Lý Bình bị đưa ra xét xử.

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Nam Ninh, Lý Bình nhờ xinh đẹp và thông minh nên nhanh chóng trở thành con dâu của cựu Chủ tịch khu tự trị Quảng Tây. Dựa vào vị thế của bố chồng và thói lẳng lơ nên Lý Bình "chiêu mộ" được khá nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Quảng Tây, trong số đó có Thành Khắc Kiệt. 

Sau khi Thành Khắc Kiệt làm Chủ tịch Khu tự trị hồi đầu năm 1990, Lý Bình liền bám riết và mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng của họ chính thức công khai từ năm 1992. Sau khi phát hiện chồng ngoại tình, vợ của Thành Khắc Kiệt đã nhiều lần báo cáo với những người có trách nhiệm, thậm chí lên tận cơ quan chồng gây ầm ĩ, nhưng không làm gì được.

Qua điều tra, Thành Khắc Kiệt bị phát hiện tham nhũng và nhận hối lộ liên quan nhiều công trình quốc gia như tuyến đường sắt Nam Côn, đường cao tốc Quế Hải, khi đương chức Phó bí thư Quảng Tây. Khi khám nhà riêng của ông này, các điều tra viên thu thập được nhiều tài liệu và chứng cứ phạm tội. Theo đó, ông ta đều ưu tiên giao các công trình đó vào tay Lý Bình, những người thân tín và những người biết "chi đẹp". Không những "chấm mút" trong việc ban phát các công trình lớn, Thành Khắc Kiệt còn "bán chức" cho một số người - đa số đều từ cấp cục, cấp sở trở lên.

Tháng 4/1999, Thành Khắc Kiệt bị khai trừ Đảng Cộng sản Trung Quốc, 5 ngày sau bị Viện kiểm sát tối cao phát lệnh bắt giữ về tội trực tiếp và thông qua người tình Lý Bình nhận hối lộ 41,09 triệu Nhân dân tệ (gần 6 triệu USD) trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Quảng Tây và phần lớn số tiền này đã được Lý Bình gửi vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

{keywords}
Quan tham Thành Khắc Kiệt phải nhận bản án nghiêm khắc nhất.

Tháng 7/2000, Thành Khắc Kiệt bị Tòa án Bắc Kinh đưa ra xét xử và sau đó tuyên án tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản. Quan bự này kháng án nhưng không thành công và nhiều lần định tự sát trong trại giam khi chờ thi hành án.

Tháng 9/2000, Thành Khắc Kiệt bị xử tử bằng hình thức tiêm thuốc độc tại nhà tù Tần Thành. Thi thể của ông ta được hỏa táng ngay sau đó.

Cùng thời gian, Lý Bình, 46 tuổi, cũng bị đưa ra xét xử trong một vụ án khác. Bà ta bị tòa án thành phố Bắc Kinh tuyên án chung thân vì các tội thông đồng với Thành Khắc Kiệt nhận hối lộ trong thời gian ông ta giữ chức Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và buôn lậu.

Thanh Hảo