Đặng Lê Nguyên Vũ: Có người vợ nào muốn đưa chồng vào nhà thương điên? Bà Thảo cho rằng ông Vũ không còn như ngày xưa, biến đổi khác thường. Ông Vũ thì đặt ra câu hỏi: "Có người vợ nào lương tính mà muốn đưa chồng vào nhà thương điên để đoạt quyền".
Chiều 25/2, phiên tòa xét xử vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục với phần tranh luận bổ sung và VKS đưa ra quan điểm. Sau khi các bên không đưa ra ý kiến, quan điểm thêm, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài đến 1/3, sau đó sẽ tuyên án.
Trong thời gian tòa nghị án, chúng tôi đã phỏng vấn bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ xung quanh những quan điểm mâu thuẫn của vợ chồng "vua cà phê".
"Anh ấy đã biến thành một người khác hoàn toàn"
- Trong quá trình xét xử, chủ tọa có khuyên bà hàn gắn với chồng, giao lại việc kinh doanh để về làm nội trợ, chăm con, bà nghĩ gì về lời khuyên của vị chủ tọa phiên tòa?
- Chủ tọa đã nói quá mức cho phép, tôi cũng có ý kiến rồi và tôi nghĩ mọi người cũng có ý kiến về lời chủ tọa nói. Bản thân tôi muốn phiên tòa phải thực thi đúng pháp luật để làm sao đảm bảo hợp tình, hợp lý và công bằng.
Bà Thảo cho rằng chủ tọa đã nói quá mức cho phép. Ảnh: Lê Quân. |
- Trong trường hợp bà không nhận được cổ phần ở Trung Nguyên như mong muốn, bà sẽ làm gì?
- Tôi đề nghị chia đúng theo quy định của luật pháp là 50:50. Dù sao, tôi và anh Vũ đã có thời gian sống hạnh phúc, nên về phần dư ra 100 tỷ đồng, tôi kiến nghị cho anh Vũ nhận hơn tôi. Tôi không tính toán chi li từng đồng, tôi cũng không đòi thối lại. Tôi mong kết thúc tranh chấp nhanh.
- Ông Vũ muốn một gia đình phải "vợ ra vợ, chồng ra chồng, trên dưới rõ ràng"; trong khi bà có quan điểm vợ chồng phải bình đẳng. Liệu đó có phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc bà và ông Vũ ly hôn?
- Không phải vậy! Như tôi đã chia sẻ, kết thúc khóa thiền 49 ngày nhịn ăn của anh Vũ, anh ấy đã biến thành một con người khác hoàn toàn. Những người từng quen biết anh trước đây nhận xét anh đã không còn là anh Vũ như ngày xưa.
Ngay cả biểu hiện của anh vào ngày 21/2 vừa qua, một người đàn ông bình thường cũng không bao giờ lăng mạ vợ như thế. Nếu là anh Vũ như ngày xưa thì anh sẽ không bao giờ làm thế.
Bà Thảo nói ông Vũ đã biến đổi hoàn toàn sau những ngày thiền trên núi. Ảnh: Lê Quân. |
- Những biểu hiện thay đổi của ông Vũ như bà nói, cụ thể là như thế nào?
- Anh Vũ bị biến đổi rất rõ. Như bạn thấy cách ăn mặc của anh ấy. Trời nắng nóng như thế này lại đeo cái khăn rằn, mang cái túi thật to. Trước đây, anh ấy không như vậy. Thứ 2 là cách ăn nói, anh Vũ không bao giờ có cách ăn nói như vậy. Anh ấy trước kia là người ăn nói lịch sự, đàng hoàng.
- Ông Vũ có nói tại tòa là những đóng góp của bà đối với Trung Nguyên đều được ghi nhận cả; tuy nhiên, ông cũng nói bà không nên nhận những gì không thuộc về mình. Bà có ý kiến gì?
- Theo tôi, "của chồng, công vợ" và điều đặc biệt là khi ra tòa phải có chứng cứ. Trong suốt 3 năm 3 tháng vừa qua thì họ có đủ thời gian để thu thập chứng cứ cần thiết để làm rõ.
Tuy nhiên, cũng đặc biệt lưu ý là tòa chỉ chia tài sản ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, trước khi lấy nhau, 2 vợ chồng có 1.000 tỷ nhưng đến ngày ly hôn chỉ còn 1 tỷ thì chia 1 tỷ, chứ không chia 1.000 tỷ được.
"Qua không muốn nhắc đến cô ấy"
- Bà Thảo có nói nguyên nhân đổ vỡ hôn nhân là do sự thay đổi của ông sau những ngày thiền trên núi. Ông thay đổi từ cách ăn mặc, đến nói chuyện?
- Đó là lý do, cái cớ thôi. Qua vì cô ấy mà phải đi khám ở 5 bệnh viện, ra 2 hội đồng giám định tâm thần. Nỗi niềm là một tổng giám đốc, chủ tịch hội động quản trị của một tập đoàn mà phải ngồi nhìn những người ngẩn ngơ đi trong bệnh viện...
Ông Vũ nói 5 năm qua, ông không muốn nhắc đến vợ. Cực chẳng đã, giờ phải ra tòa nói. Ảnh: Lê Quân. |
- Bà Thảo nói 2 ngày qua ông nói lời nặng nề, sỉ nhục bà Thảo, ông nói gì về việc này?
- Cô ấy phải sám hối. Tôi phải dùng từ "sám hối". Có người vợ nào đưa chồng mình vào nhà thương điên để đoạt quyền lợi không? 5 năm qua, Qua không muốn nói gì, cũng không muốn nhắc đến cô ấy, cũng không cho người thân nói đến cô ấy. Chỉ thinh lặng, im lặng. Cực chẳng đã, giờ phải ra tòa nói.
- Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ông không buông bỏ theo ý niệm vô thường?
- Nếu hiểu vô thường trong ý buông bỏ của Phật giáo thì phải hiểu bản chất nhân đạo. Phải thấu nhân đạo, thần đạo, tiên đạo, thánh đạo, Phật đạo, sau đó mới thấy được đạo trời, đạo lý ở đời.
(Theo Zing)