19 năm mưu sinh ở TP HCM, chị là người vô danh với đám đông, biết đến chị quanh đi quẩn lại chỉ là những người đồng hương cùng kiếm sống bằng nghề thu mua phế liệu như chị, gia đình chủ đại lý phế liệu.
Ngày 25/3/2014, phút chốc chị được cả nước biết đến khi chiếc loa thùng cũ gắn bánh sắt mà vợ chồng chị tính tháo để phân loại bán phế liệu có chứa hơn 5 triệu yên Nhật (gần 1 tỉ đồng tiền Việt Nam) bên trong.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng đang thắc thỏm chờ đến kỳ hạn 1 năm để có thể nhận được hơn 5 triệu yên. |
Sau khi nghe phân tích từ cơ quan chức năng, chị đã đồng ý để lực lượng chức năng niêm phong và cất giữ số tiền trên với lời hứa theo luật: “Nếu một năm sau mà không có ai đến trình báo, tranh chấp số tài sản này, thì số tiền ấy sẽ thuộc về chị”. Còn vài ngày nữa, là hết thời hạn một năm và vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (37 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) đang thắc thỏm chờ đến ngày đó, tôi gọi là nỗi thắc thỏm này trị giá 5 triệu yên.
1. Tối muộn, chị ngồi với tôi trong căn nhà trọ tại con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình, nơi mà chị và mười mấy người đồng hương của chị đang lưu ngụ. Căn nhà được ông chủ thu mua phế liệu cho ở miễn phí, đổi lại thì phế liệu mà tất cả những người ở trọ trong căn nhà ấy mua được phải bán lại cho ông. Đó đã là một điều tốt, nếu không muốn nói là rất tốt.
Tôi nói, còn mấy hôm nữa là đến thời hạn theo luật định rồi, rất nhiều khả năng chị sẽ nhận lại được hơn 5 triệu yên mà Cơ quan Công an quận Tân Bình đang giữ hộ chị, chắc là chị khó ngủ lắm.
"Phải hơn 2 giờ sáng mới ngủ được, nhà báo ạ. Chị hồi hộp ghê lắm, nghe. Chị sợ rồi không biết chị có được nhận lại tiền không, không biết có phải làm hồ sơ hay giấy tờ gì không?", chị trả lời.
"Thật ra, chị cứ đến Cơ quan Công an, nơi diễn ra việc niêm phong tiền của chị rồi các đồng chí công an sẽ hướng dẫn cho chị, chị không nên quá lo lắng. Chỉ là giả như mà có người chứng minh được hơn 5 triệu yên kia là tiền của họ thì cũng khó đúng không chị?”, tôi nói thêm.
"Mình tiếc lắm chứ nhà báo. Nhưng mình phải trả thôi, vì đó là tiền của họ mà. Dẫu sao, tiếc lắm lắm", chị trả lời rất thật.
Vẫn biết vật gì không phải do mình làm ra, thì mình không thể sở hữu bằng mọi giá. Tuy nhiên, có ở trong hoàn cảnh của chị thì mới biết niềm hy vọng ấy lớn đến mức nào.
Quê chị ở miệt xa lắc xa lơ tỉnh Quảng Ngãi, cảnh nhà khốn khó, chị học đến lớp 3 thì thôi học. Từ đó, chị kiếm tiền phụ giúp cha mẹ bằng nghề… làm mướn. Ai mướn gì làm nấy, ai cần gì giúp nấy. Lớn xíu, chị vào Sài Gòn phụ nhặt rau, bưng tô cho người quen có quán cơm bụi. Ở đấy được chừng hai năm, chị theo đồng hương đi thu mua phế liệu, rồi gần 20 năm làm luôn nghề này.
Chị ngại đến cơ quan công quyền lắm, vì chị ít chữ. Chồng chị, người đàn ông mà theo chị nói là hiền khô còn cực hơn chị nhiều lần. Anh đi làm thuê từ hồi con nít, có kịp đến trường ngày nào đâu. Anh cùng quê với chị, gặp nhau ở mảnh đất này, cảm cái tình mà thành chồng thành vợ. Có với nhau được hai con, đều gửi về Quảng Ngãi nhờ ngoại chăm sóc. Mỗi tháng, anh chị dành dụm được khi thì một triệu, khi thì mấy trăm, lúc được hơn triệu gửi về nuôi con.
Đêm chị ngồi trò chuyện với tôi, chị vui lắm. Vì ngày hôm đấy, chị kiếm được 70 nghìn tiền lãi từ xe thu mua phế liệu.
Số tiền yên Nhật mà chị Hồng đã nhặt được từ chiếc loa thùng cũ. |
2. Chị kể, hồi cuối tháng 11/2013, chị mua cái loa này từ một người đàn ông trên đường Âu Cơ (phường 10, quận Tân Bình) với giá 100 ngàn. Mua xong, chị đẩy về nhà trọ bỏ ngoài hàng hiên, nơi thường ngày những người ở trọ như chị vẫn thường để đồ kềnh càng chờ tháo bỏ phân loại bán.
Sau Tết Âm lịch, cuối tháng 3/2014, hai anh chị mấy ngày liền không có hàng để mua (nói chuyện với chị mới biết, những người làm nghề thu mua phế liệu thích nhất là tháng Giêng, sợ nhất là tháng Hai. Vì, tháng Hai họ mua được phế liệu rất ít. Có khi, cả ngày đi rạc chân không mua được gì), chợt nhớ đến cái loa thùng cũ mà họ chất ngoài hàng hiên trước tết. Vậy là, chồng bảo vợ mang ra khoảng sân trống đoạn đầu con hẻm để cùng tháo gỡ.
Mới vừa gỡ lớp bên ngoài, vợ chồng anh chị phát hiện bên trong cái loa ấy còn có một hộp gỗ dài khoảng 20 cm, nậy chiếc hộp này ra, anh chị hốt hoảng khi thấy hàng xấp tiền lạ.
Cơn hốt hoảng ấy nhanh chóng loan đi khắp con hẻm nhỏ, người ta kéo đến căn nhà trọ của chị chật kín. Vợ chồng chị trốn trên gác, phía dưới nhà người ta đứng lớn tiếng nhỏ tiếng, phía bên dưới càng ồn ào, anh chị lại càng sợ. Cao trào là lúc có một nhóm thanh niên yêu cầu anh chị phải chia cho họ "một ít tiền", trước sức ép về tinh thần mà từ bé đến giờ mới gặp phải, vợ chồng anh chị đã gọi điện thoại cầu cứu Cơ quan Công an phường 10, quận Tân Bình.
Tại trụ sở Công an phường 10, quận Tân Bình, cán bộ Công an đã giải thích, vận động vợ chồng chị giao lại số tiền trên cho Cơ quan Công an bảo quản, nhằm bảo đảm an toàn cho gia đình chị cũng như đảm bảo công tác giữ gìn trật tự địa bàn. Sau khi nghe lời giải thích, chị đã đồng ý giao lại toàn bộ số tiền trên cho Cơ quan Công an. Số tiền này đã được đếm và niêm phong cẩn thận trước sự chứng kiến của chị. Cơ quan Công an phường 10 đã chuyển số tiền trên lên Công an quận Tân Bình.
"Cái hồi phát hiện ra tiền, chị không nghĩ đó là đồng yên của Nhật Bản đâu, vì ai đời lại bỏ hàng đống tiền vào chiếc loa cũ làm gì. Chị nghe mấy người trong xóm nói chị mới biết", lời của chị Hồng.
"Giá yên bây giờ so với tiền Việt là bao nhiêu, hả chị?", tôi hỏi.
"Chị thề có bóng đèn, chị không biết được đâu. Chị cũng không để ý đến nữa. Lúc ban đầu thấy tiền, rồi biết tiền có giá trị, chị có cho hàng xóm mỗi người vài tờ. Nghe họ kể là họ đi đổi được mấy trăm ngàn hay mấy triệu gì đó. Năm ngoái, báo chí rồi truyền hình làm ầm ĩ, hai vợ chồng chị sợ quá nên về quê mấy tuần mới vào Sài Gòn làm lại. Từ tết đến giờ, khi cận ngày theo thời hạn một năm, chị mới nghĩ nhiều về khoản tiền mà hiện tại đang được Công an quận Tân Bình bảo quản", chị nói vậy.
Hiện tại, chồng chị đang ở quê, anh chăm hai con nhỏ cùng mấy con bò vừa mua. Cũng đừng quá ngạc nhiên vì sao anh chị đủ khả năng mua bò, tiền người ta cho mượn. Người quê đọc thông tin qua báo chí, cứ phỏng đoán rồi đồn rằng anh chị vừa nhặt được nhiều tiền lắm, phen này không thành giàu nhất làng thì cũng sêm sêm với đại gia.
"Không phải là mình có tiền rồi mình khác đâu, nhà báo. Đáng lẽ hai anh chị đều vô lại đây để mua phế liệu tiếp. Nhưng chị nghĩ con cái đang tuổi lớn, cháu đầu nhà chị đã được 15 tuổi rồi. Nên chị muốn anh ở ngoài đó, vừa cơm nước lo cho cháu thay chị, vừa coi chừng nhà cửa. Chị ở trong này một mình mua bán cũng được, chắt chiu rồi qua thôi mà".
Một góc sinh hoạt của những người thu mua phế liệu tại căn nhà trọ miễn phí. |
3. "Chị à, nếu như mọi thứ đều suôn sẻ hết thì chị sử dụng số tiền mà chị nhặt được như thế nào?", tôi hỏi chị.
"Chị cũng chưa biết được. Chắc chắn, chị không dành tiền để đầu tư hay kinh doanh gì đâu, mình dốt nát quá mà. Đầu tiên, chị sẽ sửa lại cái nhà cho mẹ ruột và mẹ chồng chị, rồi chị cho Hội Người mù quận Tân Bình 5 tạ gạo, chị qua Hội một lần rồi, bên đó người ta khổ lắm. Cái này, chị hứa với lòng thôi chứ không có ai xin chị hết. Có người quen nói với chị về ngôi chùa nào đó nghèo lắm, có thể chị cũng cúng dường một ít. Còn lại, chị gửi ngân hàng. Mà lãi suất ngân hàng bây giờ cao không nhà báo?", chị hỏi ngược.
Tôi thưa với chị tôi cũng không rành lắm, vì tôi không có tiền gửi ngân hàng. Nhưng nhớ mang máng lãi suất cho gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 6% hay hơn một chút gì đó, nên đáp đại: "Nếu chị gửi 1 tỉ, mỗi năm hình như ngân hàng sẽ trả cho chị 60 triệu tiền lãi".
"Những 60 triệu hả nhà báo? Mỗi tháng đến 5 triệu?", chị nhấn mạnh. Tôi cười, không đáp.
Chi tiết này là một chi tiết thật, hoàn toàn không phóng đại. Vì không ai đủ khả năng phóng đại chi tiết này cả.
Tôi hỏi, ngoài chuyện chị sửa nhà cho mẹ ruột với mẹ chồng, cho gạo Hội Người mù, cúng dường… chị có giúp đỡ ai nữa không? Chị đáp mà không cần suy nghĩ nghĩ: "Chị giúp đỡ anh chị em trong nhà thôi, còn người không thân thuộc thì khó lắm. Vì biết giúp bao nhiêu cho đủ, phải không nhà báo? Với lại, nói thiệt là nhà chị nghèo lắm".
Cái chất người quê của chị toát hết lên trong câu trả lời ấy, một câu trả lời không thể chân thật hơn, bởi chị hoàn toàn có quyền lựa chọn một câu trả lời như mô-tuýp lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát. Đúng là họ hàng quyến thuộc của chị còn nghèo lắm.
Chị ở thành phố này, mỗi ngày chi tiêu chỉ khoảng 20 ngàn. Gạo thì ngoài quê gửi vô, 20 ngàn là tiền hùn với mấy chị đồng hương để mua rau, mua cá. Sáng dậy sớm nấu cơm hay lục cơm nguội ăn với phần thức ăn thừa của đêm qua rồi đi làm.
Đi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở quận Tân Bình, có khi còn đi xa hơn… Trưa, về ăn cơm nghỉ ngơi một lát, rồi lại đẩy xe đi tiếp. Sâm sẩm tối, lại quay về nhà trọ.
Có vào một căn nhà của những người thu mua phế liệu, mới thấy hết được giá trị của đồ cũ. Căn nhà có mùi lưu cữu của bụi, của đồ đạc đã qua sử dụng. Cái tivi không điều khiển, cái quạt, cho đến ca đựng nước… Lắm khi, là cả cái chiếu trúc được trải trên cái nệm dày trên sàn nhà cũng là đồ cũ nốt. Một không khí thương thương, buồn buồn.
Chị hỏi tôi nhiều lắm về cái chuyện: "Có khi nào người ta không cho chị lấy lại tiền không?". Tôi phải trấn an chị, chị yên tâm đi mọi thứ đã được quy định rõ trong luật, chị cứ làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng là được.
"Nhưng chữ nghĩa chị ít quá, gặp người lạ chị lại sợ. Chị về quê, mượn cái xe gắn máy của đứa em đi trong quê, gặp công an giao thông chị phải xuống dắt bộ, tại chị hoảng quá lỡ bị phạt thì không biết làm sao. Cậu giao thông trẻ măng, nhìn chị cười nói: "Chị lên xe đi đi, nhớ đi cẩn thận là được. Chị chạy không phạm luật thì không ai làm khó dễ gì chị được đâu”, chị kể vậy.
Cách đây một năm, khi trả lời câu hỏi của tôi về vấn đề quyền sở hữu số tiền mà chị có thể sở hữu trong khoản tiền hơn 5 triệu yên, Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: "Cần phải xác định rằng số tiền 5 triệu yên không nằm trong giao dịch mua bán giữa chị Hồng và người đàn ông bán cái loa thùng kia. Đơn giản, nếu người đàn ông bán chiếc thùng sắt cho chị Hồng biết có hơn 5 triệu yên bên trong, chắc chắn ông ta sẽ không bán. Vì vậy, trong trường hợp này có thể xem hơn 5 triệu yên đó là tiền mà chị Hồng nhặt được. Đã là tài sản nhặt được, chị Hồng phải có trách nhiệm giao lại cho cơ quan có thẩm quyền, như tôi đã nói. Tất nhiên, nếu không bị ai phát hiện số tiền trên, chị Hồng im lặng đem ra đổi và thu giữ thì đó sẽ là chuyện riêng của chị. Theo suy đoán của tôi, thì khả năng chị Hồng thụ hưởng toàn bộ số tiền này là rất cao. Vì có vẻ chủ sở hữu thật sự của hơn 5 triệu yên này đã quên (hay có thể đã về Nhật). Nên sau một năm, cơ quan có thẩm quyền loan tin, không có người xác nhận mình là chủ sở hữu của khối tài sản này, thì hơn 5 triệu yên sẽ thuộc về gia đình chị Hồng. Chị Hồng sẽ nhận được số tiền này nếu sau một năm cơ quan có thẩm quyền loan tin trên báo đài mà vẫn không có người chứng minh được họ là chủ sở hữu của khối tài sản đó".
Chung quy toàn bộ câu chuyện này, tôi nghĩ, không thể thoát ngoài mấy chữ: "Khí vận đang thịnh". Mấy lâu tôi đọc, thấy viết người gặp khí vận thì đến đi giải cũng vẫn nhặt được tiền.
(Theo An Ninh Thế giới)