Sau 6 ngày khởi hành từ Hà Nội, gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung đã đặt chân đến thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên trong chuyến đi xuyên Việt lần thứ 2 này.

Nếu như chuyến đi đầu cách đây 3 năm, bé đầu nhà chị mới 5 tuổi, bé thứ 2 còn trong bụng mẹ thì chuyến này gia đình đầy đủ cả 4 thành viên. 

Vợ chồng chị Nhung và 2 con từng lái xe xuyên Việt một lần cách đây 3 năm. 

Không chỉ 2 lần đi xuyên Việt bằng ô tô, gia đình chị Nhung cũng thường xuyên đi du lịch xa gần mặc dù công việc của cả 2 vợ chồng đều rất bận. Để có được một chuyến đi dài 2 tuần tới 1 tháng, anh chị đều phải sắp xếp công việc và xin nghỉ phép. Tất cả những khó khăn, bất tiện, mệt mỏi của một chuyến đi dài ngày đều không là gì so với những thứ mà cả gia đình thu hoạch và trải nghiệm được.

“Những chuyến đi cùng nhau mang lại vô vàn bài học, kỷ niệm”, bà mẹ 2 con chia sẻ.

Chỉ có một lý do khiến vợ chồng chị có động lực đi nhiều như thế mặc dù mang theo cả con nhỏ, đó là cơ hội được trải nghiệm. Thường bị mọi người trêu là “có hoa chân”, vợ chồng chị “tha lôi” các con đi khắp mọi nơi – từ loanh quanh miền Bắc cho tới các chuyến đi miền Trung, miền Nam, từ du lịch nghỉ dưỡng cho tới những chuyến cắm trại hoà mình vào thiên nhiên. 

“Bây giờ cả nhà đã quen với việc nhà mình đi nhiều nên cũng chẳng ai ngăn cản hay thấy bất ngờ. Chỉ có lần đầu đi khi mình đang bầu bé thứ 2 được 30 tuần thì phải giấu bố mẹ, vào đến TP.HCM rồi mới dám kể với ông bà”.

Chuyến đi lần này, vợ chồng chị vẫn chọn cung đường ven biển, đồng thời ưu tiên cho những điểm đến nghiêng về khám phá lịch sử, văn hoá. 

Mặc dù bé thứ 2 mới được 3 tuổi nhưng vợ chồng chị vẫn "tha lôi" con đi khắp nơi. 

Cũng giống như gia đình chị Nhung, gia đình 4 người của anh Hoàng Trung Nguyên, 43 tuổi (Đồng Xoài, Bình Phước) cũng đang trên đường thực hiện chuyến xuyên Việt bằng ô tô. Hiện anh đang trên đường từ SaPa về Hà Nội sau 8 ngày trải nghiệm, khởi hành từ Bình Phước hôm 10/6.

Đây là lần đầu tiên gia đình anh đi xuyên Việt bằng ô tô, “đính kèm” cả 2 bạn nhỏ - một bạn 13 tuổi, một bạn 11 tuổi. Cách đây 8 năm, anh từng đi xuyên Việt một mình theo tour trên chiếc xe 47 chỗ ngồi. Lần này, cả anh và vợ đều muốn khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của các tỉnh thành dọc đất nước nhân dịp 2 con được nghỉ hè nên chuyến đi được thực hiện sau 2 tháng lên kế hoạch. 

Cả đi lẫn về, anh Nguyên đều chọn tự lái xe, chứ không đi máy bay một chiều. Khởi hành từ Bình Phước, anh chỉ dừng chân ở Kon Tum và Quảng Bình, rồi đi thẳng ra Hà Nội. Ở khu vực phía Bắc, anh tranh thủ về thăm quê nội và quê ngoại, sau đó dành thời gian khám phá SaPa (Lào Cai), Hà Giang, Yên Bái, Hà Nội. Trên đường về, anh ghé Nghệ An, Quảng Ngãi, rồi trở về Bình Phước. Chuyến đi dự kiến kéo dài từ 14 đến 16 ngày. 

Vợ chồng anh Nguyên và 2 con khởi hành từ Bình Phước ra Hà Nội rồi ngao du các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trước khi đi, anh cũng nghĩ đến những trường hợp xấu nhất là bệnh tật, tai nạn nhưng do bản thân và gia đình có sức khoẻ tốt nên “cứ xách ba lô lên mà đi thôi”. “Nếu có ai đau ốm thì chữa. Để tránh tai nạn thì mình chạy xe cẩn thận và đi vào ban ngày, ban đêm nghỉ ngơi".

Cái được lớn nhất mà gia đình nhận về là những trải nghiệm, kiến thức thực tế về lịch sử, địa lý cho bọn trẻ, cũng như sức khoẻ các con được tôi luyện thêm sau chuyến đi. 

Hai vợ chồng anh Trọng trên đường vào động Phong Nha - Kẻ Bàng.

Là một cặp vợ chồng trẻ, chưa có con, với chi phí gần 50 triệu đồng trong tay, anh Nguyễn Văn Trọng, 35 tuổi (TP.HCM) không chọn một chuyến du lịch nghỉ dưỡng sang trọng như nhiều người trẻ khác. Thay vào đó, vợ chồng anh quyết định lái xe du lịch xuyên Việt trong 30 ngày – từ ngày 3/5 đến 1/6. 

Vốn cả 2 vợ chồng đều đam mê du lịch và rất nhiều lần ấp ủ được đi hết các tỉnh thành của Việt Nam nên cuối tháng 4 vừa qua sau khi vợ anh xin nghỉ việc, cặp đôi đã quyết định đi luôn trong tháng 5. 

“Trước đây 2 vợ chồng vẫn hay đi phượt bằng xe máy cùng nhóm bạn và cũng hay về quê của 2 vợ chồng bằng xe máy. Chuyến đi lần này là một hành trình dài, mình sợ rằng nếu còn đợi thì sau này khó có cơ hội thực hiện nên mình tạm gác công việc lại trong 1 tháng để tập trung cho chuyến đi”.

Anh Trọng cho biết, chuyến đi dài 1 tháng mang lại cho 2 vợ chồng rất nhiều niềm vui – “được đi cùng nhau, được hưởng thụ cuộc sống, yêu thương nhau và hiểu nhau hơn”. 

“Sau này sinh con, chắc chắn nếu có cơ hội mình cũng sẽ cho các con được đi xuyên Việt cùng, nếu đó cũng là niềm yêu thích của các con”. 

Cặp vợ chồng trẻ dành 1 ngày để cắm trại ở núi Mắt Thần, Cao Bằng. 

Dạo qua các nhóm phượt xuyên Việt trên mạng xã hội, không khó để thấy nhiều gia đình trẻ, thậm chí là cả những người đã có tuổi tìm hiểu và xin kinh nghiệm để tự lái xe đi xuyên Việt. Du lịch trải nghiệm hiện là sự lựa chọn của nhiều người, bên cạnh những chuyến đi nghỉ dưỡng vài ba ngày ở một địa điểm cố định. 

Vấn đề thời gian và công việc cũng được nhiều người cố gắng sắp xếp sao cho hợp lý nhất một khi họ đã quyết tâm lên đường. Vợ chồng chị Nhung và anh Trọng đều là những người bận rộn nhưng tinh thần “xê dịch” đã tạo động lực để họ tìm mọi cách thực hiện được những chuyến đi dài nửa tháng, một tháng để dành cho gia đình một khoảng thời gian vô cùng “chất lượng”.

Các gia đình trẻ hiện nay cũng không còn nhiều rào cản về mặt tâm lý nhiều như trước. Trước đây, khi nhắc đến đi chơi xa là nhiều phụ huynh hay lo con ốm, con mệt. Nhưng bây giờ tâm lý này đã “mờ nhạt” đi rất nhiều, đặc biệt với các cha mẹ trẻ, hiện đại.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về chuyện này, chị Nhung nói: “Con vẫn có thể ốm, rủi ro vẫn có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Nhưng thay vì né tránh, sợ sệt thì hãy chuẩn bị tốt cho chuyến đi của mình”.

Cũng giống như chị Nhung hay anh Nguyên, anh Trọng, nhiều cha mẹ cho rằng du lịch xuyên Việt dạng trải nghiệm là cơ hội rất tốt để các con tìm hiểu, khám phá, tiếp xúc với lịch sử, văn hoá vùng miền, con người mỗi địa phương. Đó cũng là cách học hỏi kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống rất tốt mà không phải trường học, sách vở nào cũng dạy được cho các con.

Nguyễn Thảo 

Ảnh: NVCC

Bán hết tài sản để du lịch vòng quanh thế giới

Bán hết tài sản để du lịch vòng quanh thế giới

Năm 2019, vợ chồng Chloe và Jordan Egbert (Mỹ) quyết định nghỉ việc và bán tất cả tài sản họ có, bao gồm cả nhà và ôtô, để lên đường du lịch vòng quanh thế giới.
Cuộc sống ở Nepal của cô gái Quảng Trị: Tôi hạnh phúc hơn, đơn giản hơn

Cuộc sống ở Nepal của cô gái Quảng Trị: Tôi hạnh phúc hơn, đơn giản hơn

Tốt nghiệp đại học danh giá, giành học bổng du học bậc thạc sĩ nhưng khi trở về, Yến chọn cuộc sống du mục, sống cạnh những ngọn núi Nepal để tận hưởng niềm hạnh phúc giản đơn.
Học cưỡi ngựa Điêu Thuyền, Lã Bố phong cách châu Âu giá 6 triệu đồng ở Hà Nội

Học cưỡi ngựa Điêu Thuyền, Lã Bố phong cách châu Âu giá 6 triệu đồng ở Hà Nội

Học viên bỏ từ 5-6 triệu đồng được tham gia khóa học cưỡi những con ngựa mang tên một số nhân vật trong truyện Tam quốc diễn nghĩa như Lã Bố, Điêu Thuyền tại một trang trại ở Vân Canh (Hà Nội).