Dám nghĩ dám làm
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm muối Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) với lịch sử lâu đời, niềm đam mê với các sản phẩm từ vị mặn chát của biển đã nhen nhóm trong tâm trí anh Hồ Văn Vinh (SN 1987) ngay từ khi còn nhỏ.
Tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Vinh có công việc ổn định với mức lương cao nhưng chỉ vài năm công tác, anh quyết định về quê lập nghiệp.
“Người Việt đang ăn dư thừa gấp 2 lượng muối ăn hằng ngày so với nhu cầu thiết yếu của cơ thể, đó là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ. Bên cạnh đó, bà con diêm dân làm muối rất vất cả, không chỉ chống chọi, vật lộn với nắng nóng thường xuyên, mà giá cả cũng bấp bênh, muối chất đầy kho không thể xuất bán”, anh tâm sự.
Chính vì những điều này, từ năm 2017, anh Vinh tập trung vào nghiên cứu, chế tạo dây chuyền để chế biến các loại muối dinh dưỡng có hàm lượng natri thấp, tăng vi khoáng tự nhiên, vừa giúp nâng cao giá trị của hạt muối, vừa góp phần cải thiện đời sống của diêm dân. Và, anh đã thành công.
Năm 2021, anh Hồ Văn Vinh thành lập công ty, mở xưởng chế biến muối rộng gần 1.000m2 bao gồm 4 phân khúc chính: muối ăn, muối dược liệu, muối y tế và muối quà tặng với hơn 10 sản phẩm khác nhau.
Bản thân anh vẫn chưa quên những khó khăn trong thời gian đầu về quê khởi nghiệp. Sự khó khăn đến từ việc nghiên cứu các loại khoáng chất cũng như cơ chế trao đổi chất trong cơ thể con người đến hạ cơ sở hạ tầng, nguồn vốn và nguồn lao động.
Nhưng với mong muốn bám trụ với nghề và sáng chế các công cụ, máy móc giúp bà con nông dân làm việc hiệu quả, những khó khăn dần được anh và các cộng sự vượt qua.
Nguyên liệu chính được anh Vinh sử dụng trong sản xuất là nước mật muối (muối kết tinh sau khi chất vào kho, một phần sau đó tan chảy ra - PV) phối trộn với những hạt muối biển.
“Mật muối chảy ra từ muối vốn bị xem là chất dư thừa, người dân thường đổ bỏ sau quá trình làm muối. Việc chúng tôi thu mua với mức giá 1.000-1.500 đồng/lít giúp thu nhập của người dân tăng lên rất nhiều so với trước đây”, anh cho hay.
Khát vọng ra biển lớn
Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương, chị Trần Thị Hồng Thắm (SN 1992) sớm bén duyên với chàng trai trẻ làng biển Hồ Văn Vinh. Không chỉ là hậu phương, chị Thắm còn là cộng sự đắc lực của chồng.
“Sẵn có những kiến thức, kinh nghiệm, mình giúp anh Vinh trong công tác truyền thông, phát triển thị trường. Các sản phẩm từ muối của công ty hiện được tiêu thụ tại Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang. Mục tiêu là trong năm 2022 này có thể cung cấp ra thị trường hàng tấn muối các loại vào tiến tới xuất khẩu vào những năm tới”, chị Thắm tâm sự.
Vợ chồng anh Vinh không chỉ là gương sáng về khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động địa phương, mà luôn đồng hành, hỗ trợ nhiều thanh niên trong quá trình lập nghiệp.
“Không chỉ vấn đề tài chính, mà kinh nghiệm, kết nối, giới thiệu, cùng nghiên cứu các giải pháp cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là điều chúng mình ưu tiên”, anh chia sẻ.
Đến nay, cơ sở sản xuất muối của hai vợ chồng anh Vinh chị Thắm có 8 công nhân đang làm việc, với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt gần 400 triệu đồng.
Trần Tuyên