Đó chính là vợ chồng anh Nguyễn Đình Nhất và chị Trần Thị Hải, 30 tuổi ở Phú Lương, Hà Đông (Hà Nội). Là lao động phổ thông nên sau khi cưới, anh Nhất - chị Hải đi làm công nhân cho những nhà máy, phân xưởng ở Thanh Oai, Hà Nội. Thấy đồng lương công nhân không được bao nhiêu, anh Nhất bàn với chị Hải vào TP.HCM lập nghiệp.
“Thực ra, vợ chồng chị gái mình cũng mưu sinh ở Sài Gòn chục năm nay. Vì thế, anh chị ấy rủ mình vào đó làm ăn cùng. Ban đầu chị sẽ hướng dẫn mình đi lấy hàng, nhập hàng về và tìm chỗ cho vợ chồng mình ngồi bán ổn định.
Thấy chị ấy tạo điều kiện như vậy, mình bàn với vợ chuyển vào Sài Gòn lập nghiệp xem sao”, anh Nhất kể.
Người đàn ông này cho biết, khi mới vào Sài Gòn, mọi thứ còn rất bỡ ngỡ. Cũng may được sự kèm cặp, chỉ bảo của chị gái, vợ chồng anh dần làm quen với nghề bán ngô sống giữa lòng Sài Gòn.
“Ban đầu mới vào Sài Gòn, vợ chồng mình thuê một cửa hàng có mặt tiền ở quận Thủ Đức với giá 5 triệu đồng/tháng. Ngồi bán tại cửa hàng thì ổn định, không lo bị đuổi như ngồi bán ở vỉa hè. Nhưng bù lại, chi phí thuê khá đắt đỏ”, anh Nhất nói.
Mỗi ngày, anh Nhất dậy từ 4h sáng để từ Thủ Đức về Hóc Môn lấy ngô các loại về bán. “Đến đấy mất khoảng 1h đi xe. Sau đó, những chủ vựa như mình mua trực tiếp từ nhà vườn tại Hóc Môn. Thường mình đặt mua cả vườn, sau đó thuê người đến tận nơi bẻ, chất lên xe tải về Sài Gòn để vợ bán”.
Ở nhà, chị Hải sẽ đưa đón con đi lớp rồi về bán hàng ngô từ 8h sáng đến tận 9-10h đêm. Khi đón con đi học về, chị lại nhờ anh trông hộ hàng. “Ngày ngày mình ngồi bán các loại bắp. Cứ hết mẻ này đến mẻ khác. Thường thì các giờ cao điểm khách vào mua rất đông. Công việc cứ đều đặn ngày nào cũng như vậy”.
Người vợ cho biết, tùy từng ngày giá ngô chồng chị nhập tại các vựa về như thế nào chị sẽ tăng hay giảm giá bán cho khách. “Thường, chồng mình nhập khoảng 1.000 đồng/bắp. Ngô nếp mình thường bán rẻ hơn, chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng/bắp. Ngô ngọt đắt hơn, giá 5.000-7.000 đồng/bắp. Nếu nhập được giá rẻ, mình sẽ bán thấp hơn”, chị nói.
Nhập ngô về bán, vợ chồng trẻ người Hà Nội vất vả mưu sinh trên đất Sài Gòn |
Ngoài bán cho những người dân mua lẻ về ăn, chị Hải còn đổ buôn cho các nhà hàng ăn uống, những tiểu thương mua ngô về luộc/nướng bán lẻ cho khách. Trừ chi phí như tiền ngô, tiền thuê nhân công, vận chuyển, thuê nhà,... vợ chồng chị thu về khoảng hơn 1 triệu đồng/ngày. Mỗi tháng, nhờ chi tiêu tiết kiệm, tháng cao nhất anh chị góp được 30 triệu đồng.
Chịu khó tích cóp, sau gần 3 năm đi bán ngô tại Sài Gòn, vợ chồng trẻ này đã có trong tay hơn 700 triệu để về quê xây nhà.
“Năm cao nhất, vợ chồng mình kiếm được khoảng 300 triệu. May mắn mấy năm liền không ốm đau, không rủi ro phải chi tiền lớn nên gần 3 năm đã để dành được khoảng 700 triệu. Được vợ chồng anh trai cho vay 400 triệu nữa, hai đứa xây nhà 3 tầng ở quê khang trang cho bố mẹ và cháu ở. Đó là thành quả chắt chiu của vợ chồng mình sau những ngày vật lộn mưu sinh tại Sài Gòn”.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình buôn bán ngô của anh Nhất cũng bị ảnh hưởng. Chưa kể, hai tháng nay, anh bị chủ nhà đòi lại cửa hàng nên vợ chồng anh không có chỗ bán cố định, phải ra vỉa hè ngồi bán nên doanh thu giảm nhẹ.
“Chỗ vỉa hè này cũng có nhiều người bán lắm nên cạnh tranh cao. Vì thế, việc bán hàng khó khăn hơn, doanh thu bị giảm xuống so với hai năm trước. Vào các ngày lễ, hàng vẫn bán chạy hơn ngày thường. Dù vất vả nhưng vợ chồng tôi cũng phải cố gắng bởi nhờ đó mà kiếm thêm được chút ít để Tết trả nợ nốt tiền xây nhà năm trước”, chị Hải nói.
Sau đó, vợ chồng trẻ này dự định bán ngô ở Sài Gòn thêm 2-3 năm nữa để dành chút vốn thì sẽ về hẳn quê.
Thảo Nguyên