Khi dự định chuyển nhà đến Westchester (Mỹ) vào mùa hè năm ngoái, Jennifer Palumbo và Mike Siscoe nghĩ ngay đến ngôi nhà mới có 4 phòng ngủ.
Họ có hai người con - 5 tuổi và 12 tuổi. Mỗi đứa sẽ ngủ ở một phòng. Hai phòng còn lại thuộc về cặp vợ chồng.
Sau khi chuyển nhà vào tháng 10, cả hai bắt tay vào trang trí phòng ngủ của riêng mình. Siscoe trưng bày các kỷ vật bóng chày, những bộ lắp ráp và lắp đặt một bể cá khổng lồ, trong khi Palumbo thích chủ đề Hollywood những năm 1920 cùng một bàn trang điểm lớn.
"Vợ chồng tôi chung nhà nhưng ngủ phòng riêng vì muốn được yên giấc. Điều này tốt cho chúng tôi", Palumbo, 47 tuổi, nói.
Cặp vợ chồng này đã không ngủ chung kể từ khi sinh con đầu lòng. "Mike là kiểu người có thể ngủ gật khi đang xem TV còn tôi lại rất khó ngủ, đặc biệt dị ứng tiếng ồn và ánh sáng".
Ly hôn khi ngủ đang trở thành xu hướng ở nhiều nước. Ảnh: Vincent Besnault. |
Khi nói đến quan hệ vợ chồng, mọi người thường đánh đồng sự thân mật, hòa hợp với việc ngủ chung giường. Thế nhưng, với những cặp vợ chồng như Palumbo và Siscoe, hôn nhân không có nghĩa là chia sẻ mọi thứ, kể cả giấc ngủ.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi người ở nhà nhiều hơn, không ít đôi uyên ương đang cố đòi lại quyền được ngủ ngon. Nhiều đôi tách phòng vì không thể chịu đựng thêm người bạn đời nghiến răng, ngủ ngáy trong khi số khác coi đó là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
"Chồng tôi ngáy cả đêm"
Sau 10 năm kết hôn, Tameka Allen và chồng đã không còn ngủ chung. Gần đây, ít nhất 4 đêm/tuần, Allen ngủ cùng con con gái 6 tuổi. Còn chồng cô ngủ ở phòng riêng.
Chiếc giường trong phòng con gái không đủ để Allen duỗi thẳng chân nhưng cô vẫn ngủ rất ngon. "Khi căng thẳng, chồng tôi có thể ngáy cả đêm và nó khiến tôi không thể nào ngủ đủ giấc".
Cùng chung cảnh ngộ với Allen, Alina Adams cũng đã chia phòng sau khi sinh con đầu lòng vì chồng cô khó có thể im lặng lúc ngủ.
Nhiều cặp chọn cách ngủ riêng khi bạn đời thói quen, giờ giấc sinh hoạt khác nhau. Ảnh: Tetra Images. |
"Ngay khi lên giường, anh ấy sẽ đánh thức tôi bằng tiếng ngáy. Sau đó, tôi trằn trọc cả đêm và vô cùng khó chịu với chồng mình. Điều đó hoàn toàn không tốt cho cuộc hôn nhân của chúng tôi".
Từ ngày ngủ riêng, Adams cảm thấy ngon giấc và tinh thần cũng thoải mái hơn rất nhiều. Trong trường hợp của cô, ngủ riêng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt vợ chồng. Họ vẫn thấy hạnh phúc và đã có với nhau thêm hai người con.
Theo Jennifer Adams, tác giả cuốn sách Sleeping Apart Not Falling Apart, nhiều cặp vợ chồng lâu năm nhận ra hạnh phúc không phụ thuộc vào việc họ có dành cả 7 ngày trong tuần để ngủ trên cùng một chiếc giường hay không.
Ngoài ra, phụ nữ và đàn ông có thái độ khác nhau đối với chuyện chia giường. Vì thường nhạy cảm hơn, đặc biệt trong thời kỳ mang thai hay giai đoạn thay đổi nội tiết tố, những người bạn gái, vợ ủng hộ vấn đề này hơn nam giới.
Ly hôn khi ngủ
Theo Independent, chung nhà nhưng không chung giường đang trở thành giấc mơ của nhiều người khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Thực tế này phổ biến đến mức biến cụm từ "sleep divorce" (tạm dịch: ly hôn khi ngủ) trở thành xu hướng ở nhiều nước.
Một cuộc khảo sát năm 2012 của Better Sleep cho thấy 25% cặp vợ chồng không ngủ chung để có thể ngon giấc hơn.
46% trong số 2.000 người Mỹ được khảo sát bởi công ty nghiên cứu tiếp thị OnePoll vào năm 2018 nói rằng họ ước có thể “giường ai nấy ngủ” khi về chung nhà với ai đó.
Còn tại Nhật Bản, nhiều cặp vợ chồng cũng đang ngủ phòng riêng. Theo một cuộc khảo sát của Asahi Chemical Industry Co. với 1.500 người - cả nam lẫn nữ - cho thấy 15% số người được hỏi không ngủ chung với vợ hoặc chồng của họ.
Ngay cả những người ngủ chung với bạn đời, 40% trong số đó cho biết họ đã ước tại một số thời điểm nào đó, họ sẽ có phòng ngủ riêng.
Theo nhiều khảo sát, ngủ xa nhau có thể giúp hàn gắn mối quan hệ vợ chồng trong một số trường hợp. Ảnh: TED. |
Cuộc khảo sát phát hiện nhiều lý do khiến các đôi phải ngủ riêng. Một số người không muốn bị đánh thức bởi người bên cạnh có thói quen đạp, ngáy khi ngủ. Nhiều cặp vợ chồng khác có thời gian đi ngủ khác nhau hoặc chỉ đơn giản muốn tận hưởng sự riêng tư.
Theo nghiên cứu năm 2019 của tổ chức Sleep Health, 17% trong số 2.040 người trưởng thành Australia đã kết hôn hoặc sống chung với người yêu chọn ngủ một mình.
Cuộc thăm dò mới nhất của YouGov với 2.000 cặp vợ chồng ở Anh cho thấy 1/7 đôi theo đuổi xu hướng "ly hôn khi ngủ".
Troxel, tác giả của cuốn sách Sharing the Covers: Every Couple’s Guide to Better Sleep, cho rằng ngủ xa nhau có thể tốt cho sức khỏe và cứu vãn nhiều mối quan hệ.
Nghiên cứu năm 2016 của ĐH Y Paracelsus ở Nieders (Đức) cho thấy vấn đề về giấc ngủ và mâu thuẫn trong mối quan hệ có xu hướng xảy ra đồng thời.
Còn khảo sát năm 2013 từ ĐH California ở Berkeley (Mỹ) phát hiện ra rằng một đêm mất ngủ của vợ (chồng) vì sự ồn ào, quấy rầy của nửa kia có thể dẫn đến xung đột, cãi vã vào ngay sáng hôm sau.
Theo Zing
Cô gái chuyên chụp ảnh vợ chồng ly hôn
Dự án ảnh của cô sinh viên trường nghệ thuật mang lại một cái nhìn sâu sắc về những tan vỡ và chia ly trong hôn nhân của các cặp vợ chồng Trung Quốc.