Hầu hết những người mua nhà Hà Nội khi trong tay chỉ có một phần tiền đều phải tính toán vay mượn. Vay người thân, gia đình, bạn bè được coi là một ưu tiên vì không phải mất lãi như ngân hàng. Nhưng nó cũng sẽ có những tình huống dở khóc, dở cười.
Chị Đặng Thu Hương (32 tuổi, nhân viên công ty FPT, Hà Nội) là một ví dụ. Dưới đây là câu chuyện của chị.
Mua đất xây nhà 2 tỷ, vay 25% của người thân để tránh lãi ngân hàng
Tôi quê Yên Bái, anh người Thái Nguyên. Năm 2014, chúng tôi quyết định mua đất khi vẫn đang yêu nhau và chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Bố mẹ hai bên thấy chúng tôi muốn sinh sống, làm việc ở Hà Nội chứ không về quê nên trong những dịp người lớn tới thăm nhà nhau, đều bàn bạc về chuyện lo nhà cửa cho chúng tôi để 2 vợ chồng trẻ yên tâm xây dựng tổ ấm.
Mỗi gia đình thống nhất cho chúng tôi 500 triệu, tổng 2 nhà là 1 tỷ. Bố mẹ tôi thì khuyên chúng tôi nên mua chung cư, thêm thắt rồi vay mượn thêm để mua căn khoảng 1,5 tỷ trở lại.
Nhưng bố mẹ chồng với chồng tôi thì muốn chúng tôi mua nhà đất để sau này có thay đổi chỗ ở thì bán đi cũng không mất giá. Thêm nữa, mua đất xây nhà ở ngoại thành rồi, không gian rộng rãi, thoáng đãng, chi phí rẻ hơn trong nội thành nhiều.
Ảnh minh họa. |
Bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định mua đất xây nhà. Hai vợ chồng khi đó đầy quyết tâm bởi đã có bố mẹ 2 bên hỗ trợ một số tiền không nhỏ. Chúng tôi tìm đất ở huyện Hoài Đức mua được mảnh đất 70m2, giá 1,3 tỷ.
Mua đất xong, sau đám cưới chúng tôi xúc tiến xây nhà. Tổng chi phí của cả mua đất và xây nhà, sắm nội thất lên tới 2,3 tỷ.
Có được 1 tỷ bố mẹ cho, chúng tôi có 200 triệu, vay ngân hàng 600 triệu ở trên quê bằng cách mượn sổ đỏ của anh trai, chị gái, số còn lại 500 triệu chúng tôi mượn được cô dì chú bác trong họ hàng để bớt lãi ngân hàng.
Lao đao vì những lần trả nợ... đột xuất
Vì là lần đầu vay số tiền lớn nên chúng tôi không có kinh nghiệm. Thấy chúng tôi mới cưới nhau, lại quyết tâm xây dựng nhà cửa nên anh em trong họ hàng rất quý.
Một số người sẵn sàng cho vợ chồng tôi vay cả trăm triệu để chúng tôi xây nhà. Thế nên thay vì hỏi vay nhiều người của cả 2 bên nội ngoại để chỉ phải vay mỗi người vài chục triệu, lúc trả cho dễ thì vợ chồng tôi vay có 8 người.
Người nhiều cho chúng tôi vay tới 100 triệu, người ít thì 40 triệu. Khi chúng tôi vay, người đồng ý cho vay tới 2 năm, người bảo hàng tháng trả ít một, lúc nào hết thì thôi.
Đúng là vay được 500 triệu từ người thân là ít nhất mỗi tháng chúng tôi cũng đỡ tiền lãi được 5 triệu/tháng.
Bởi tổng lương 2 vợ chồng tôi làm được tổng 25 triệu/tháng, thỉnh thoảng chồng tôi làm công trình cũng có thêm 1- 2 chục triệu. Chúng tôi đều đặn mỗi tháng trả nợ trên quê 10 triệu.
Với những người thân cho vay, chúng tôi tháng này trả 10 triệu cho bác A, tháng sau trả 10 triệu cho bác B, khi chồng tôi có tiền công trình hoặc những dịp lễ, tết có thưởng, chúng tôi gom lại cho cho người mà chúng tôi vay nhiều nhất.
Đột xuất cần tiền
Nếu cứ đều như thế, thì thuận lợi. Nhưng cũng có nhiều khi hai vợ chồng tôi chạy đôn chạy đáo để trả nợ khi người cho vay có việc đột xuất cần tiền.
Lần thì cô ruột gọi điện: "Cháu có tiền ở đấy không, cô đang lo cho em đi xuất khẩu lao động bên Nhật Bản, còn thiếu 30 triệu, cuối tuần này là cần đến. Hai vợ chồng gom giúp cô nhé".
Lần thì ông chú cần gấp tiền để sửa nhà, không đòi hết 80 triệu đã cho chúng tôi vay nhưng cũng muốn vợ chồng tôi trả 50 triệu.
Mỗi lần phải trả đột xuất như thế, hai vợ chồng tôi lại chạy khắp nơi hỏi vay. Bố mẹ thì đã giúp cả tỷ để mua nhà nên khi gặp những lần đột xuất như thế, không phải lần nào cũng dám nhờ bố mẹ.
Còn bạn bè thì nói thật là ở cái tuổi của chúng tôi, bạn bè đều vẫn đang khó khăn, nên việc xoay mượn tiền là không hề dễ dàng. Đồng nghiệp cơ quan thì cũng ngại chuyện tiền nong nên hai vợ chồng tôi không ít lần phải đi vay nóng mất lãi để kịp trả.
Hoặc cũng có lần thất hứa, trả muộn vài ngày khiến vợ chồng tôi xấu hổ, khó ăn nói với mọi người đã cho vay.
Vợ chồng tôi không ít phen cãi nhau bởi áp lực trả nợ. Vợ trách chồng "máu" mua nhà đất nhiều tiền, nếu mua chung cư trong tầm tiền được bố mẹ cho và tích cóp của 2 vợ chồng thì việc trả nợ đã nhẹ nhàng hơn nhiều.
Rồi tới việc không biết cách vay tiền. Vay của nhiều người, mỗi người một ít thay vì vay của ít người nhưng nhiều tiền, đến khi không xoay xở nổi.
Chồng trách tôi không biết chi tiêu, dành dụm. Dù có phải trả nợ thì cũng nên tính toán xem trả thế nào để mỗi tháng dành dụm đôi ba triệu phòng thân, khi con ốm đau hay khi phải trả đột xuất thì cũng không đến nỗi chạy đôn chạy đáo như thế.
Rồi thì lại than phiền việc mua tới 70m2 đất, xây căn nhà 3 tầng tới 5 phòng ngủ trong khi nhà chỉ có 3 vợ chồng con cái, con còn đang bé tí.
Nhưng, dù có những lúc than phiền, trách móc thì vợ chồng tôi cũng vẫn đồng thuận nỗ lực để trả nợ. Vì có nợ trên đầu bắt buộc phải trả nên hai vợ chồng tôi luôn tập trung cho công việc tốt nhất để có thêm thu nhập.
Hai vợ chồng bảo nhau, phải giữ gìn sức khỏe để không bị ốm còn làm việc, không phung phí chi tiêu, chồng không nhậu nhẹt vợ không tiêu xài mua sắm...
Mỗi khi mệt mỏi, áp lực vì nợ nần, nhìn thấy cậu con trai nhỏ đạp xe thong dong trên đường làng rộng rãi, hai bên cây xanh thoáng mát, chúng tôi lại có thêm động lực cày cuốc trả nợ.
Dù vất vả đến đâu, chúng tôi vẫn luôn biết ơn những người thân trong gia đình đã cho chúng tôi vay tiền để mua được đất xây được nhà.
Chỉ có điều nếu được quay trở lại, vợ chồng tôi sẽ tính toán kỹ hơn, sẽ mua nhà trong khả năng tài chính của bản thân có khả năng xoay sở.
Và đặc biệt, chúng tôi sẽ lựa chọn vay ngân hàng để trả dần chứ không vay của người thân một số tiền quá lớn, đến khi phải trả đột xuất thì vô cùng khó khăn.
Thế nên các bạn trẻ, trước khi mua nhà Hà Nội, hãy cân nhắc thật kỹ để không gặp quá nhiều áp lực nhé!
(Theo Gia Đình Mới)