Dẫn lối vào vườn quýt là những con dốc đá nhỏ, dựng đứng, gập ghềnh, được phủ kín bề mặt bằng lớp mỏng rong rêu. Phía trước là đá, phía trên là đá, dưới là đá, xung quanh cũng là đá. Cả thung lũng được đá bao bọc trăm bề giống như một lòng chảo. Xen giữa các mô đất trống là những cây quýt cao vút, cành lá tươi tốt, xum xuê, quả chín vàng căng mọng.
Chủ nhân của vườn quýt trong lân đá (thung lũng được đá bao bọc) là ông Hoàng Cao Vinh, người khai hoang Hang Hú cách đây gần 30 năm, người đã biến thung lũng đá trở thành vườn quýt được định giá hơn 30 tỷ đồng.
“Khi tôi còn công tác trong ngành bưu điện, một lần vào sâu trong bản, thấy các cụ trồng được giống quýt vàng thơm ngon khác hẳn giống quýt thông thường. Tôi liền đánh liều mua thử một ít về ươm, thấy có hiệu quả nên từ đó cứ nối gót, tạo đà mở rộng”.
Nhờ thiên nhiên ưu ái về khí hậu, thổ nhưỡng, Bắc Sơn được mệnh danh là thủ phủ của quýt vàng. Quýt ở đây vang danh tứ xứ bởi độ thơm ngon, giòn, ngọt mà hiếm nơi nào có được. Đã là dân Bắc Sơn không ít thì nhiều trong nhà mỗi người đều hiện hữu cây quýt. Hiện trên toàn xã Chiến Thắng (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) có hơn 100 ha diện tích trồng quýt. Người dân chủ yếu trồng ở bãi, đồi, nương, rẫy, đặc biệt là trồng vào lân đá.
“Tôi đã thử trồng ở nhiều nơi nhưng nhận thấy, chỉ có trồng quýt trong lân đá mới cho chất lượng hảo hạng. Điều này đồng nghĩa mọi việc sẽ khó khăn, vất vả hơn bội phần kể từ khâu chăm sóc, tưới tiêu cho đến vận chuyển”, ông Vinh tâm sự.
Sau khi nghỉ công tác trong ngành bưu điện, ông Vinh bàn với vợ sẽ quyết tâm mở núi để thực hiện giấc mơ trồng quýt trong thung lũng đá. Đó là quãng thời gian vô cùng gian nan đối với vợ chồng ông, khi phải đào đường, dẫn lối đưa quýt vào trong.
Sau khi mua được giống quýt vàng thượng hạng, năm 1988, ông bắt đầu ươm hạt. Đợi đến hai năm sau, khi cây quýt đủ cứng cáp, ông mới chuyển vào Hang Hú. Trong thời gian đó, vợ chồng ông phải ngày đêm cuốc đất, vận chuyển đá, tìm hố trồng cây. Hang Hú khi ấy giống như bao thung lũng đá khác chưa được khai hoang, cây cối mọc tứ tung, um tùm, không có đường, không có lối; các khối đá to nặng hàng tấn giăng lối, bày trận như một mê cung.
“Tôi đều phải đi 2-3 km gánh nước từ trên đỉnh núi về tưới cây. Đường sá cũng không được thuận tiện như bây giờ, mà hoang sơ, trắc trở gập ghềnh. Muốn vào trong hang toàn phải bắc thang, dựng cột để leo qua. Người bình thường đi vào còn khó chứ đây trên lưng nào là nước, nào là cây, nào là phân bón. May hồi đó cũng hăng, sức trẻ, sức khỏe còn nên mới thấy mọi thứ ngon ơ, chứ bây giờ mà như vậy thì chịu chết”, ông Vinh kể.
Chính bởi thế, người dân Bắc Sơn đã dành biệt danh “vợ chồng A Phủ” để tặng cho cặp vợ chồng cần mẫn. Nhận thấy các thung lũng đá bên cạnh Hang Hú còn bỏ hoang, ông bàn với vợ trích một phần số tiền lâu nay dành dụm để mua thêm đất, mở rộng diện tích, tiện cho việc khai thác.
“Khi tôi nghỉ công tác sớm về làm kinh tế thì áp lực cơm áo gạo tiền rất khủng khiếp, khi đó nhà lại đông con mà chúng đang tuổi ăn tuổi học. Vợ chồng tôi chỉ biết đồng lòng, động viên nhau vượt qua khó khăn. Hễ việc gì có khả năng làm được chúng tôi đều thử cho bằng hết”.
Để đảm bảo duy trì nguồn thu, ông Vinh phải tăng gia sản xuất, lấy ngắn nuôi dài bằng cách nuôi thêm gia súc, gia cầm, trồng đan xen các loại ngô, khoai, gừng,... để cải thiện kinh tế. Đồng thời, ra sức khai hoang, mở núi, làm đường dẫn vào Hang Hú.
Thời gian không phụ người có chí, có tâm, lại cần cù chăm chỉ. Đúng 10 năm sau, năm 1998, vườn quýt Hang Hú bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Cả vườn quýt sai trĩu trịt, quả vàng rực, trái ngọt, hương thơm lừng như món quà tri ân dành cho “vợ chồng A Phủ”.
Thấy cây quýt cho hiệu quả kinh tế cao, sang năm 2000, ông Vinh mở rộng thêm diện tích. Giờ vườn quýt của ông có hơn 300 cây, trung bình mỗi năm cho thu 20-25 tấn quả, giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, năm 2017 cả vụ quýt ông Vinh thu được hơn 300 triệu đồng tiền lãi.
Mùa quýt Hang Hú thường kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, quả nở rộ vào tháng 11, 12. Quýt được bán buôn, bán lẻ trực tiếp tại vườn. Hàng bán buôn chủ yếu phục vụ cho thương lái, còn bán lẻ cho du khách đến chơi vườn, thăm quan và mua về làm quà.
Vào mùa cao điểm, ông Vinh phải thuê thêm người về trảy (hái) quả, trung bình mỗi thợ sẽ trảy được 1-2 tạ/ngày. Thợ trảy cũng phải có nghề. Họ dùng thang tre leo lên thân cây, sau đó từ từ di chuyển sang từng tán. Một tay nắm chặt vào các cành làm điểm tựa, tay còn lại nhanh chóng túm chặt vào cuống quýt bẻ thật dứt khoát đến bao giờ nghe thấy một tiếng “rắc” vang lên.
Để giữ được thế đứng thăng bằng, thợ trảy phải kết hợp nhịp nhàng các động tác giữa tay và chân. Đồng thời, phải luôn giữ tinh thần ổn định, tránh xao nhãng, mất tập trung khi hái quả để đảm bảo an toàn. Để đựng quả, thợ trảy sẽ đeo một túi dứa tự chế ngang eo có nút buộc bằng dây thừng để siết chặt vào thân người.
“Từ khi tôi mở núi, làm đường vào Hang Hú, tự nhiên có rất đông khách đến thăm quan mô hình trồng quýt của tôi. Nhiều người khuyên tôi nên kết hợp du lịch với sản xuất để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên. Lúc đầu tôi còn chần chừ nhưng sau này được các con động viên tôi mới gật đầu”.
Được nhiều người gợi ý, năm 2017, vợ chồng ông Vinh bắt đầu rẽ hướng. Giờ đây, Hang Hú đã khoác lên mình hơi thở, diện mạo mới. Và hơn cả là sự thay đổi ngoạn mục cả một con người, từ ông lão vùng cao chân lấm tay bùn đến người thợ trồng quýt chuyên nghiệp và giờ là người làm du lịch có tiếng.
Ông Vinh chia sẻ: “Bên quản lý văn hóa dặn tôi, cái gì thuộc về tự nhiên tôi phải để nguyên không được làm biến dạng, thay đổi bất cứ thứ gì. Tôi thấy đây là điều đúng đắn nên mọi thứ vẫn vẹn nguyên, tôi chỉ có mở đường lên núi và dựng lán cho cho khách nghỉ chân”.
Để tiện cho việc chăm sóc và phát triển vườn quýt, vợ chồng ông Vinh chuyển hẳn từ nhà vào trong hang để ở. Gia đình một trong số 4 người con của ông bà cũng chuyển vào hang để hỗ trợ bố mẹ xây dựng, tân trang lại diện mạo khu vườn.
Ông Dương Công Điệp, cán bộ xã Chiến Thắng, cho hay, trên địa bàn xã có rất nhiều gia đình phát triển theo hướng vừa trồng quýt vừa phát triển du lịch. Đây là tín hiệu tốt giúp thúc đẩy kinh tế trong vùng và quảng bá hình ảnh của địa phương. Gia đình ông Vinh là một trong những hộ làm kinh tế tiêu biểu, là tấm gương sáng để người dân tham khảo và học hỏi.
Du khách thăm quan, ăn quýt tại vườn chỉ mất phí 20.000 đồng, nếu ai muốn ở lại có thể báo nhà vườn làm cơm, dựng trại tiếp đón.
“Nhiều người ngỏ lời muốn mua lại vườn quýt của tôi với giá 30 tỷ đồng nhưng tôi quyết không bán. Bởi không đơn thuần là vấn đề tiền bạc mà khu vườn là tâm huyết cả đời của vợ chồng tôi, mà nguyện ước của tôi là muốn trao gửi lại cho con cháu. Trong thâm tâm, tôi nghĩ mình còn khỏe ngày nào thì sẽ gắn bó với Hang Hú ngày ấy”, ông Vinh bày tỏ.
Hoàng Dung