Đây là sáng kiến của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện các vấn đề tồn tại trong phương pháp canh tác cà phê hiện nay ở nhiều địa phương.
Dọc con đường dẫn đến làng Đăk Mong (xã Đăk Krong) là hàng muồng chắn gió cao lớn, bên dưới bạt ngàn cà phê, bơ, sầu riêng xanh mướt. Dưới lòng hồ Đăk Krong, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong đang thả 18 lồng bè cá các loại. Khung cảnh thiên nhiên trù phú, thanh bình của nơi này là địa điểm lý tưởng để thực hiện dự án của VnSAT. Không chỉ hội tụ các điều kiện thuận lợi, Đăk Mong còn là ngôi làng dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, có giá trị trong phát triển du lịch.
Đang tỉa lại cành cho vườn cà phê 7 sào vừa thu hoạch xong, chị Hmơ (làng Đăk Mong, xã Đăk Krong) bảy tỏ niềm vui khi biết được nơi đây sẽ trở thành mô hình thí điểm phát triển cà phê cảnh quan gắn với du lịch. Chị Hmơ cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào cây cà phê. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã biết cách trồng xen canh các loại cây ăn quả để tăng thêm thu nhập.
Mới đây, dự án VnSAT đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng, giúp việc thu hoạch, vận chuyển cà phê của người dân thuận tiện hơn. Chị Hmơ chia sẻ, việc xây dựng con đường đã giúp cho vườn cà phê của gia đình chi có vị trí rất đẹp: mặt trước nhìn thẳng xuống lòng hồ thủy điện Đăk Đoa. Sau này khi phát triển du lịch, gia đình chị dự định mở cửa hàng tạp hóa và bán thêm các sản phẩm đặc trưng của người địa phương để tăng thêm thu nhập.
Không chỉ chị Hmơ, hàng trăm hộ dân làng Đăk Mong cũng đang ngày đêm trông ngóng khi tuyến đường giao thông nội đồng sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đại diện VnSAT cho biết, tuyến đường có chiều dài 5km với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ phục vụ việc sản xuất và vận chuyển cho khoảng hơn 1.000ha cà phê của người dân trong khu vực.
Ông Trịnh Khắc Dương - Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đăk Krong cho biết, dự án cà phê cảnh quan xung quanh lòng hồ Thủy điện Đăk Đoa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư xây dựng, nhằm hướng đến mô hình sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch.
Để hiện thực hóa mô hình cà phê cảnh quan, trước mắt, dự án VnSAT đã đầu tư các tuyến đường giao thông nội đồng để tạo nên vùng cảnh quan cho khu vực sản xuất cà phê. Sau khi thực hiện xong các tuyến đường, VnSAT sẽ tiến tới thực hiện các hạng mục du lịch, cũng như góp phần khôi phục những bản sắc văn hóa của địa phương, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng.
Theo ông Trịnh Khắc Dương, để đạt chuẩn theo tiêu chí cảnh quan, cà phê phải đảm bảo chất lượng, sản xuất theo hướng bền vững. Hiện nay người dân đã liên kết với một doanh nghiệp để sản xuất hơn 40ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C và sẽ tăng lên hơn 100ha trong năm 2022.
Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ. “Về cơ bản, 2 năm qua, người dân cũng rất ý thức khi sử dụng bón phân hữu cơ bằng vỏ trấu và rất hạn chế dùng phân hóa học”, ông Dương cho biết.
“Thông qua dự án VnSAT đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, hợp tác xã sẽ hỗ trợ tập huấn chăm sóc, xây dựng mô hình cà phê cảnh quan, kỳ vọng sẽ phát triển bền vững hơn”, ông Dương nói thêm.
Doãn Phong