vien-thong-1.jpg
Mạng lưới và dịch vụ viễn thông-Internet năm 2012 tiếp tục phát triển mạnh, dù kinh tế khó khăn

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 24/12/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, hoạt động công nghiệp CNTT năm 2012 chưa được cao như những năm trước, nhưng đáng mừng là 2 tập đoàn VNPT, Viettel có bước phát triển tích cực. VNPT đạt doanh số 130.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, Viettel 140.000 tỷ - tăng 18%. Đặc biệt, Viettel sau một số năm quyết tâm thăm dò thị trường đã ra 5 thị trường nước ngoài, đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn về thị trường 500 triệu dân, và mục tiêu đến 2020 phấn đấu đạt thị trường 1 tỷ người ở nước ngoài. Đây là quyết tâm rất lớn. Chính phủ muốn Viettel tiếp tục tiến ra nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đánh giá, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT-TT năm 2012 đã đạt nhiều kết quả tốt. Trong khi cả nước có trên 46.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông-CNTT vẫn duy trì đà tăng trưởng. Thời gian qua, Quốc hội và nhân dân nói có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước yếu kém, nhưng trong lĩnh vực CNTT-TT thì sự phát triển của VNPT, Viettel góp phần khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo.

Cũng liên quan đến định hướng công tác năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: "Với sự phát triển hiện nay, khi các doanh nghiệp có khả năng và mong muốn triển khai dịch vụ mới thì phải tạo điều kiện. Quản lý nhà nước phải ủng hộ khả năng phát triển dịch vụ. Doanh nghiệp có sáng kiến thì đề xuất. Cơ quan quản lý nhà nước phải trả lời doanh nghiệp sớm nhất là tháng 1, chậm nhất trong tháng 2/2013. Nếu chưa yên tâm thì cho làm thí điểm trước trong 1 – 2 năm rồi chỉnh dần".

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến chỉ đạo sau khi ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Tổng giám đốc Viettel đề xuất về việc Viettel đang xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Đại diện Viettel cho biết với lợi thế hạ tầng Viettel có thể giảm chi phí đầu tư 2 - 3 lần, giúp phổ cập dịch vụ về nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, sẽ sớm cấp phép truyền hình cho Viettel trong tháng 2/2013. Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong Quy hoạch số hóa truyền hình đến năm 2020 mà Bộ TT&TT đã triển khai, đã có bước tiến lớn về phát triển truyền hình là phân tách cơ quan truyền hình, báo đài chỉ làm nội dung, doanh nghiệp viễn thông sẽ làm hạ tầng; bóc tách dần nội dung và hạ tầng. Cụ thể, chỉ có đài truyền hình mới làm nội dung, không làm hạ tầng, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng nội dung; xã hội hóa lĩnh vực hạ tầng. Hiện Bộ đang xây dựng và đã trình trong tháng 12 Quy hoạch dịch vụ phát thanh truyền hình với tinh thần này. Như vậy, sẽ ưu tiên dịch vụ cho những doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông làm dịch vụ truyền hình. Hiện có 47 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, trong đó có doanh nghiệp không có hạ tầng, thuê hạ tầng. Trong tháng tới sẽ xem xét ý kiến của Viettel.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, năm 2013 là năm bản lề - năm thứ 3 của kế hoạch 5 năm. Những vấn đề lớn mà không khởi động trong 2013 thì sẽ không kịp triển khai. Nếu đã khởi động mà không quyết liệt thì cũng không xong vào năm 2015. Vì vậy, Bộ và Sở cần tập trung khởi động và đẩy mạnh những công việc lớn.

Để giải bài toán nhân lực cho CNTT-TT, Phó Thủ tướng khẳng định: "Nhân lực còn khó khăn nhưng gắn với doanh nghiệp sẽ có lời giải". Phó Thủ tướng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp Đức sẽ ký chương trình hợp tác đào tạo nhân lực. Sau khi ký kết trong quý 1 với các hiệp hội này, sẽ bàn với các nước khác để thực hiện mô hình Doanh nghiệp - Nhà trường - Chính phủ cùng phối hợp đẩy mạnh đào tạo.

Đánh giá kết quả công tác năm 2012 của Bộ TT&TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Bộ TT&TT đã phấn đấu hoàn thành nhiều mục tiêu kế hoạch đề ra. "Những văn bản Bộ TT&TT ban hành đã giúp Chính phủ, ngành tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ đã triển khai nhiều chính sách viễn thông, thông tin cho vùng sâu, vùng xa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc sau khi phóng vệ tinh Vinasat-1, được cấp quỹ đạo Vinasat-2, với thời gian ngắn nếu không làm kịp sẽ bị thu hồi và giao cho nước khác, nhưng VNPT đã cố gắng hoàn thành, góp phần tăng vùng phủ sóng tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2012 Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo quyết liệt hơn hoạt động báo chí. Kết quả là xu hướng phản ánh đúng của báo chí ngày càng tăng, góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam và làm cho nhân dân hiểu tình hình thực tế của đất nước hơn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu lên một số mặt còn hạn chế của lĩnh vực TT&TT như kết quả xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 7 bậc trên bảng xếp hạng thế giới, xếp hạng 4 khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 9 châu Á là tiến bộ nhưng thông thường chỉ số kinh tế đứng ở vị trí 60 – 80 là trung bình, còn Chính phủ điện tử đứng ở vị trí 83 vẫn chưa phải là cao.

Trong năm 2012, số lượng công việc xử lý qua máy tính, dịch vụ công trực tuyến mức 2 – 3 tăng, nhưng nhìn chung Phó Thủ tướng chưa hài lòng về công tác ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước, khi chưa có hệ thống tiêu chuẩn, tích hợp, hỗ trợ trao đổi theo chiều ngang, dọc.

"Lâu nay ứng dụng thiên về hỗ trợ quản lý Nhà nước chứ chưa chú trọng các nghiệp vụ chuyên ngành như giao thông, môi trường... Ứng dụng CNTT phải trở thành công cụ hiệu quả cho quản lý đặc thù từng ngành, địa bàn. Chương trình CNTT của các Bộ chưa tương xứng với vai trò CNTT, mới là công cụ quản lý hành chính, còn công cụ quản lý đặc thù cho đất đai, giao thông vẫn chưa có nhiều... Đã nằm trong chương trình nhưng triển khai còn chậm", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết: "Năm qua đã kiểm tra "sức khỏe" an toàn an ninh thông tin của 10 Bộ, ngành, địa phương nhưng kết quả cho thấy chưa thể an tâm về lĩnh vực an ninh mạng của chúng ta".

Về quản lý thuê bao di động còn khó khăn, tình trạng sim rác gây khó chịu vẫn chưa xử lý tốt. Đặt yêu cầu dùng chung hạ tầng nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Một số cơ quan báo chí có lúc, có nơi chưa phản ánh đúng, làm méo bức tranh phát triển của đất nước. Các thế lực bên ngoài tận dụng CNTT-Internet bôi xấu, xuyên tạc đất nước. Cần nghiên cứu tạo thông tin cổ động nhanh nhạy, kịp thời.

Để giải quyết được các vấn đề Phó Thủ tướng đã nêu trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng có nhiều chỉ đạo sát sao hơn cho Bộ TT&TT về chủ trương, chỉ đạo công tác quản lý báo chí của Chính phủ. "Tránh tình trạng vừa qua có lúc chỉ đạo gián đoạn, không kịp thời khiến cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TT&TT lúng túng trong chỉ đạo, quản lý báo chí", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Chỉ đạo báo chí hiện nay sát sườn với sự phát triển an ninh chính trị, gắn với quyền lợi kinh tế xã hội. Phương thức tác nghiệp báo chí rất nhanh nên công tác quản lý, chỉ đạo phải nhanh nhạy hơn nữa. Chính phủ cần trực tiếp chỉ đạo sát sao để có phương án tuyên truyền, đấu tranh. Cần tuyên truyền, động viên nhân dân để tạo sự đồng thuận toàn xã hội trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết: "Bộ cùng các Hiệp hội vẫn đang ngăn chặn hiện tượng lợi dụng Internet, dịch vụ viễn thông - CNTT để truyền bá văn hóa độc hại, tin nhắn rác... Chúng tôi đang sát sao cùng các cơ quan quản lý ngăn chặn những hiện tượng sai trái trên mạng. Chúng tôi thiết tha đề nghị Phó Thủ tướng xém xét để chậm nhất năm 2014, Bộ TT&TT được trình Luật An toàn thông tin số – cơ sở quan trọng để quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và ngăn chặn những hiện tượng vi phạm pháp luật".

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013, Bộ TT&TT đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành với những nội dung chính gồm:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và nội dung đổi mới về công tác thi đua khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX), đồng thời thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về công tác thi đua khen thưởng, qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác thi đua khen thưởng; phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua trở thành hành động cách mạng sâu rộng, là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2013.

Tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trọng tâm là phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH (giai đoạn 2011-2015) và phong trào thi đua "Ngành TT&TT chung sức xây dựng nông thôn mới".

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong các phong trào thi đua. Tiêu chí thi đua gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ, của các cơ quan, đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí bằng những việc làm cụ thể; đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bưu chính, viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản.

Chú trọng phát hiện các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến để khen thưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến để làm gương học tập, tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy mọi khả năng và phẩm chất tốt đẹp để cống hiến cho sự nghiệp phát triển chung của ngành...