Câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm lúc này, là sau khi chia tách MobiFone, "sức khỏe" của VNPT sẽ như thế nào. Yếu đi là chuyện khó tránh khỏi, nhưng theo lời bản thân người trong cuộc, cũng như nhận định của các chuyên gia viễn thông, sự suy yếu này sẽ chỉ là tạm thời.
Sau khi mất con gà đẻ trứng vàng MobiFone, VNPT chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn |
Nói như lời ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐQT VNPT, tại buổi công bố quyết định bổ nhiệm ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Thông tin Di động VMS - MobiFone lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone, thay cho ông Lê Ngọc Minh hôm 30/6, thì trước mắt VNPT có những khó khăn, có thể thể thua thiệt về lợi nhuận, nhưng "có khó khăn thì VNPT mới vươn lên được".
“Việc tách MobiFone là để trong tương lai, không chỉ MobiFone mà cả VNPT cũng sẽ có điều kiện phát triển hơn, năng động hơn và là cơ hội để khắc phục sự cồng kềnh bộ máy cũng như cơ chế tổ chức của VNPT bấy lâu nay để VNPT mạnh lên”, ông Trận thẳng thắn nói.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định, thị trường đang bước vào giai đoạn cạnh tranh và việc tái cơ cấu sẽ giúp "VNPT có mục đích mới để tự hoàn thiện mình". Nói cách khác, "Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT là đương nhiên, đúng quy định và là việc làm cần thiết để Tập đoàn phát triển mạnh mẽ hơn… Ngay cả khi không có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì bản thân VNPT cũng cần có những sắp xếp và tổ chức lại”.
“Đây cũng là thời cơ mới, vận hội mới cho các đơn vị được tách ra có điều kiện phát triển hơn nữa. Mục tiêu cuối cùng của tái cơ cấu là Tập đoàn ngày càng vững mạnh, MobiFone trở thành mạng viễn thông lớn, có thể cạnh tranh với chính Tập đoàn và các đối thủ khác trên thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tất nhiên, việc nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn trước mắt của VNPT sau khi chia tay "con gà đẻ trứng vàng" MobiFone là chuyện cần làm. Việc VNPT điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh doanh là một bước đi phù hợp với thực tế, "biết tự lượng sức", theo như đánh giá của các chuyên gia viễn thông, vì MobiFone luôn chiếm khoảng 45% doanh thu và tới 70% lợi nhuận của VNPT. Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết mục tiêu doanh thu năm 2014 sẽ được điều chỉnh xuống còn 86.000 tỷ đồng thay vì 120 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận còn khoảng 2.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay, như đội ngũ lao động quá đông, cơ chế hạch toán phụ thuộc tại VinaPhone chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, phần hạ tầng và dịch vụ vẫn để chung với nhau khiến quản lý bị chia cắt..... Tuy nhiên, Bộ trưởng Son tin rằng, đề án tái cơ cấu VNPT sẽ giúp khắc phục được những điểm yếu này, giúp hình thành nên một Tập đoàn VNPT hoạt động chuyên biệt, hiệu quả, sở hữu bộ máy tinh gọn, sức cạnh tranh cao.
Theo phân tích của vị Tổng tư lệnh ngành Thông tin - Truyền thông, dù có nhiều khó khăn nhưng VNPT hiện là một trong những tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin có hạ tầng mạng lưới rộng khắp và tốt nhất hiện nay. Theo đó, hạ tầng mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin được VNPT đầu tư và không ngừng mở rộng, tối ưu hóa như hạ tầng băng rộng, IP…VNPT hiện đã xây dựng hạ tầng viễn thông quốc tế vững mạnh, hiện đại, sử dụng nhiều phương thức truyền dẫn mới như cáp quang biển, cáp quang đất liền, vệ tinh, cho phép kết nối trực tiếp tới hơn 240 quốc gia và trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trên toàn thế giới.
VNPT đang quản lý trực tiếp trạm cập bờ của hai tuyến cáp quang biển lớn là SMW-3 và AAG, hiện đại vào bậc nhất trên thế giới hiện nay. Tập đoàn này cũng sở hữu mạng đường trục quốc gia bao gồm mạng cáp quang Bắc – Nam, dung lượng hiện tại đạt 360 Gbps. Dự kiến trong thời gian tới, VNPT sẽ mở rộng dung lượng tuyến Bắc Nam hiện tại lên trên 600 Gbps và xây dựng thêm một tuyến Bắc - Nam mới với dung lượng khoảng 400 Gbps. Với mạng đường trục trên, không chỉ các nhà mạng nhỏ như trước nay mà bản thân MobiFone sau khi tách ra cũng phải thuê lại của VNPT.
Theo Đề án Tái cơ cấu VNPT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 888 ký ngày 10/6, VNPT sẽ thành lập 3 công ty mới (Bộ TT&TT đang đề xuất mô hình cho 3 đơn vị mới này là Tổng công ty để phát triển cân xứng, hợp lý so với một số Tập đoàn lớn khác như EVN, Viettel...) để chuyên biệt hóa hoạt động của mình. Việc sớm phân lớp, phân loại các dịch vụ, ngành nghề kinh doanh sẽ giúp hoạt động của Tập đoàn và các công ty mới không bị chồng chéo, có tính chuyên nghiệp, chuyên biệt và hiệu quả cao, khắc phục được điểm yếu về sự chồng chéo, quản lý bị chia cắt như đã đề cập ở trên.
Trong đó, VNPT-Net sẽ quản lý các hạ tầng VTN, VTI, mạng lõi của VinaPhone, VDC, hạ tầng mạng của các viễn thông tỉnh. VNPT-VinaPhone sẽ đảm trách các loại hình kinh doanh gồm các ban kinh doanh của VNPT, VDC, VTN, VTI, các viễn thông tỉnh và một số ban liên quan đến kinh doanh trong số 18 Ban hiện có của VNPT. Cuối cùng, VNPT-Media đảm bảo cung cấp các dịch vụ về truyền thông, nội dung, với bộ phận chủ chốt là VASC, VDC, Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng của VNPT.
Chia sẻ bên lề với báo giới sau Lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại MobiFone từ VNPT sang Bộ TT&TT hôm 10/7 vừa qua, ông Phan Hoàng Đức cũng khẳng định việc VNPT phải thay đổi chiến lược kinh doanh sau khi chia tách MobiFone là tất yếu. Theo đó, Tập đoàn này sẽ tham khảo mô hình của thế giới, của các nhà mạng quốc tế lớn, đặc biệt tập trung cho hạ tầng, vốn là thế mạnh truyền thống. Trên cơ sở hạ tầng đó, VNPT sẽ phát triển các loại hình dịch vụ, tổ chức các kênh bán hàng v..v... Ông Đức cũng xác định, "các dịch vụ giá trị gia tăng, các dịch vụ nội dung" mới là hướng đi hiệu quả trong bối cảnh các dịch vụ cơ bản của viễn thông như thoại và SMS ngày càng suy giảm doanh thu. Đồng thời, bộ máy sẽ phải được sắp xếp lại theo hướng "tinh gọn nhất".
Với trách nhiệm quản lý chuyên ngành, Bộ TT&TT đã cam kết sẽ xây dựng hành lang pháp lý, đề xuất với Chính phủ có các cơ chế, chính sách phù hợp, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cả VNPT lẫn MobiFone hoạt động hiệu quả, sau tái cơ cấu sẽ trở thành những đơn vị mạnh, không ngừng phát triển. Những đơn vị yếu kém, làm ăn thua lỗ nhiều năm sẽ được xem xét cho giải thể hoặc phá sản để không ảnh hưởng, kìm chân toàn bộ guồng quay chung. Tập đoàn cũng sẽ thoái hết vốn đang nắm giữ tại 63 doanh nghiệp, song vẫn được nắm giữ dưới 50% tại 18 công ty khác.
Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan quản lý và "nỗ lực" của bản thân VNPT, những nhà lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn cam kết VNPT sẽ sớm ổn định bộ máy, điều lệ hoạt động, thành lập 3 Tổng công ty mới, vừa tiến hành tái cơ cấu theo đúng lộ trình Chính phủ đã đề ra, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ TT&TT hồi tuần trước, Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng đã thông báo sơ lược tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn. Theo đó, lợi nhuận gồm VinaPhone và khối hạch toán phụ thuôc đã đạt 64,6% kế hoạch, tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm 2013. Thuê bao băng rộng tăng trưởng 45,5% so với năm ngoái, thuê bao MyTV tăng 36%, những tín hiệu được đánh giá là khả quan và tích cực, tạo đà để VNPT triển khai tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo.
- Trọng Cầm