Mô hình đô thị thông minh của VNPT đem đến cơ hội phát triển kinh tế, thu hút du lịch, tối ưu hiệu quả quản lý của chính quyền các tỉnh trung du và miền núi.

Giải pháp đô thị thông minh tại Lào Cai

UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn VNPT vừa có buổi làm việc nhằm thảo luận các giải pháp xây dựng đô thị thông minh cho tỉnh.

{keywords} 

Tại đây, đại diện tập đoàn VNPT đã chia sẻ với UBND tỉnh Lào Cai về mô hình thành phố thông minh của VNPT. Theo đó người dân Lào Cai sẽ là trung tâm của quá trình kiến tạo thành phố tương lai. Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tế của tỉnh, VNPT đã đưa ra các đề xuất nhằm triển khai giải pháp đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực như: Chính quyền số, Giao thông, Y tế, Giáo dục và Du lịch.

Mô hình đô thị thông minh của VNPT đem lại nhiều lợi ích cho người dân với dịch vụ công trực tuyến, các giải pháp tiên tiến cho hệ thống giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khỏe và các bảo đảm về an sinh xã hội… Ngoài ra, đối với chính quyền, việc phát triển các giải pháp của đô thị thông minh sẽ giúp giảm tải thủ tục hành chính công, đảm bảo xây dựng đô thị bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí và gia tăng hiệu quả hoạt động quản lý.

Dự kiến khung hợp tác triển khai dự án giữa VNPT và tỉnh Lào Cai sẽ gồm có 3 giai đoan: giai đoạn xây dựng đề án từ nay đến tháng 8/2017, giai đoạn triển khai các giải pháp theo mức độ ưu tiên đến năm 2020 và giai đoạn mở rộng cải tiến sau năm 2020.

{keywords} 

Đại diện của VNPT cho biết, các tỉnh tại khu vực trung du và miền núi của Việt Nam như Lào Cai có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch, nông nghiệp. Tuy nhiên, so với các đô thị lớn, tỉnh còn gặp nhiều thách thức như sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, kiến thức của người dân địa phương với công nghệ còn nhiều hạn chế.

Do đó, bên cạnh khai thác triệt để các giải pháp nhằm phát huy những thế mạnh sẵn có của địa phương, VNPT sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương để gia tăng nhận thức và thói quen của người dân về sử dụng các tiện tích công nghệ, thông qua đó tối đa hóa hiệu quả của các giải pháp cho đô thị thông minh.

Nhân rộng mô hình đô thị thông minh tại các tỉnh

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã cùng VNPT khởi động việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đây cũng là bước đi nằm trong lộ trình xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Thái Nguyên.

VNPT đã đưa ra các giải pháp nhằm triển khai thí điểm 3 hệ thống cho dự án, bao gồm: hệ thống Truyền hình Hội Nghị từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường với tổng cộng 250 điểm; hệ thống cổng thông tin điện tử 3 cấp cho 57 sở ban ngành, 9 huyện/thị và 181 xã/ phường; mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Ở một khu vực khác là Tây Nguyên, Dak Lak đã hợp tác với VNPT bắt đầu triển khai Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến, tích hợp Một cửa liên thông trong giai đoạn 2016-2020. Việc này nhằm tạo cơ sở kết nối và tích hợp hệ thống của 15 huyện, thị xã, thành phố (gồm 184 xã, phường, thị trấn) cùng 19 sở, ban, ngành trên toàn tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy rằng, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh đã không còn chỉ là câu chuyện của các đô thị lớn. Với tầm nhìn và định hướng dài hạn, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã bắt tay vào việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp phù hợp cho địa phương mình. Những đô thị thông minh đã, đang và sẽ trải dài thêm nữa trên dải đất hình chức S, mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng hơn, thân thiện hơn.

Anh Vũ