Ngày 18/7/2016, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với đoàn doanh nghiệp Slovakia. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao việc có tới 18 doanh nghiệp lớn tháp tùng Thủ tướng Slovakia sang thăm Việt Nam lần này, đặc biệt trong đó có tới 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng và đoàn doanh nghiệp Slovakia tới thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT và truyền thông, đồng thời thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia thị trường. Với những yếu tố đó, Việt Nam bước đầu đã đạt được những thành công quan trọng, hiện Việt Nam đang được coi là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trở thành một thị trường có khả năng cạnh tranh cao trên thế giới.

Vẫn theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, trên cơ sở xác định vai trò quan trọng của CNTT-TT trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách số, Việt Nam đang nỗ lực để đạt 5 mục tiêu trong lĩnh vực này. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng doanh thu của CNTT-TT hàng năm từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng của CNTT-TT sẽ đóng góp GDP đạt từ 8-10%. Thứ hai, Việt Nam sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế cả về số lượng và chất lượng. Thứ 3, Việt Nam tập trung phát triển nhanh cơ sở hạ tầng băng thông rộng trong phạm vi cả nước và được kết nối tới vùng nông thôn. Thứ 4, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Thứ năm, sẽ thực hiện việc phổ cập thông tin, bao gồm việc truy cập internet, phổ cập trang thiết bị máy tính và TV cho người dân không chỉ ở thành thị mà còn tới miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

“Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp sẽ là nhân tố chủ lực trong việc thực hiện các mục tiêu trên. Chính phủ Việt Nam kêu gọi và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các công ty quốc gia và quốc tế vào các chương trình đề án trong lĩnh vực này. Qua thực tế chứng minh rằng trong giai đoạn phát triển vừa qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia với chúng tôi đã thu được những thành công lớn tại thị trường CNTT-TT Việt Nam, tôi thực sự tin rằng tất cả các bạn ở đây và đặc biệt là các doanh nghiệp Slovakia với thế mạnh vốn, kinh nghiệm và công nghệ sẽ tìm thấy cho riêng mình các cơ hội hợp tác và đầu tư tại thị trường Việt Nam” Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc này, đại diện doanh nghiệp của Slovakia cũng đã giới thiệu những tiềm năng mà các doanh nghiệp của Việt Nam và Slovakia có thể hợp tác như lĩnh vực về chính phủ điện tử, các ứng dụng CNTT trong cách ngành như ngân hàng, hàng không hay sản xuất các chương trình truyền hình...

Chia sẻ về mong muốn hợp tác của VNPT với các doanh nghiệp của Slovakia, ông Ngô Hùng Tín, Phó tổng giám đốc VNPT cho biết, ngày 17/7/2016, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với tập đoàn tài chính Slovakia và hai bên cam kết cùng hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển.

“Chúng tôi vừa tiến hành tái cấu trúc và đưa ra chiến lược đẩy mạnh ra đầu tư quốc tế. Chúng tôi sẽ phối hợp với doanh nghiệp Slovakia để không những kinh doanh ở thị trường này mà còn hướng ra thị trường châu Âu. Đặc biệt, thế giới trước xu hướng IoT, VNPT đã sở hữu nền tảng IoT hàng đầu thế giới. Đây là nền tảng mở, muốn hợp tác với doanh nghiệp Slovakia để triển khai tại thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn hợp tác nghiên cứu phát triển để sản xuất các thiết bị xuất khẩu vào thị trường châu Âu” ông Ngô Hùng Tín nói.

Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone chia sẻ, MobiFone là 1 trong 3 nhà mạng lớn nhất chiếm gần 30% thị phần di động của Việt Nam với gần 40 triệu thuê bao. MobiFone đang tập trung 4 mảng kinh doanh chính gồm: Viễn thông & CNTT - Truyền hình - Phân phối & Bán lẻ - Đa dịch vụ. Vì vậy, MobiFone có thể hợp tác với các doanh nghiệp của Slovakia trong lĩnh vực truyền hình và bán lẻ.

Tương tự như VNPT và MobiFone, ông Dương Dũng Triều, Phó tổng giám đốc FPT cho biết, năm 2014, FPT đã mua lại Công ty RWE IT Slovakia chính thức đổi tên FPT Slovakia và trở thành công ty 100% vốn của FPT Software. FPT đặt mục tiêu duy trì hoạt động của IT Slovakia sau đó tìm cách mở rộng dịch vụ khách hàng ở các thị trường Mỹ, Nhật, Châu Âu… FPT Slovakia đang cung cấp dịch vụ cho các khách hàng tại Châu Âu. Tại buổi làm việc này, ông Dương Dũng Chiều đề cuất 2 hướng hợp tác với các doanh nghiệp của Slovakia. “Chúng tôi muốn phối hợp với doanh nghiệp Slovakia để đưa các dịch vụ phù hợp về thị trường Việt Nam như chính phủ điện tử, giải pháp cho truyền hình. Chúng tôi muốn hợp tác cung cấp dịch vụ phần mềm giá rẻ cho khách hàng tại Slovakia và thị trường Châu Âu", ông Dương Dũng Triều nói.

Trước đó, ngày 31/5/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã tiếp xã giao Cố vấn Đối ngoại của Thủ tướng Slovakia - ông Lê Hồng Quang. Ông Lê Hồng Quang cũng là Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Slovakia. Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT, ông Lê Hồng Quang, Cố vấn Đối ngoại của Thủ tướng Slovakia đã mời Viettel, MobiFone, VNPT sang đầu tư vào lĩnh vực viễn thông tại quốc gia này và xem đây như là bàn đạp để tiến vào thị trường Châu Âu. Cũng tại buổi làm việc này, ông Lê Hồng Quang cho biết, FPT đã mua một công ty công nghệ ở Slovakia. Ông Quang cũng bày tỏ mong muốn sớm có một nhà mạng Việt Nam tham gia thị trường viễn thông của Slovakia như Viettel hoặc MobiFone, VNPT. Hiện ông đang cố gắng để Viettel có thể tham gia vào thị trường Slovakia, qua đó có thể là cánh cửa để Viettel tiến vào được thị trường châu Âu. Hiện Slovakia có khoảng 5.000 người Việt, phần lớn là các du học sinh ở lại.