VinaPhone-S là dịch vụ di động vệ tinh của VinaPhone với vùng phủ rộng lên đến 2/3 thế giới và phủ sóng 100% lãnh thổ Việt Nam từ vùng núi đến biển đảo. Với thiết bị di động vệ tinh và Sim VinaPhone trả sau đã đăng ký dịch vụ VinaPhone-S, khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các dịch vụ thoại, nhắn tin SMS, định vị vệ tinh (GPS), đảm bảo thông tin liên lạc tại bất cứ nơi đâu, không giới hạn không gian và khoảng cách, không bị phụ thuộc vào các điều kiện cơ sở hạ tầng, thời tiết, địa lý.
Với thao tác đăng ký và sử dụng đơn giản, VinaPhone-S đáp ứng được nhu cầu sử dụng và mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đối với các cơ quan Nhà nước, dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S là một giải pháp hữu hiệu để quản lý, giám sát của lực lượng Kiểm lâm, Kiểm ngư, Hải cảnh, hỗ trợ người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời đảm bảo thông tin liên lạc trong trường hợp thiên tai địch họa, cứu hộ cứu nạn… Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, VinaPhone-S giúp đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, ngư nghiệp, vận tải quốc tế, xây dựng, du lịch. Đối với cá nhân, dịch vụ VinaPhone-S sẽ là bước tiến đột phá đối với những khách hàng thường xuyên di chuyển, làm việc tại các vùng không có sóng di động như ngư dân, cán bộ giàn khoan, cán bộ kiểm lâm, lực lượng tuần tra duyên hải…
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ của Tập đoàn VNPT, mà còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ chính trị của Chính phủ giao cho Tập đoàn.
"Địa hình của Việt Nam có tới 3 phần biển 4 phần núi, do vậy rất khó phủ sóng thông tin liên lạc. Thế nhưng, VinaPhone đã tìm ra được dịch vụ khác biệt để cạnh tranh và phục vụ đất nước và nhân dân. Dịch vụ VinaPhone-S có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn, đặc biệt cho ngư dân đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Dịch vụ này sẽ được chính quyền các cấp hỗ trợ người dân khi có thiên tai địch họa. Tôi thay mặt Chính phủ đánh giá cao trong việc triển khai dịch vụ này VNPT sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trên thị trường viễn thông", Thủ tướng nói.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, 3/4 diện tích lãnh thổ Việt Nam là đồi núi và có khoảng 1.000.000 km vuông bờ biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cần được đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên liên tục. Cũng có khoảng 2 triệu ngư dân của Việt Nam đang tham gia khai thác ở những ngư trường xa bờ cần có các phương thức liên lạc kết nối với đất liền, với người thân. Thông tin liên lạc được đảm bảo kết nối thường xuyên là nhu cầu cấp thiết của nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hải, khai khoáng, dầu khí, du lịch biển đảo, du lịch vùng cao. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ GSM chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu trên. Bởi trên lý thuyết, vùng phủ sóng của công nghệ chỉ đạt mức tối đa là 70 km tính từ đất liền ra biển. Như vậy, có thể thấy, phần lớn vùng biển của chúng ta hiện chưa được phủ sóng di động. Tương tự như vậy, công nghệ di động hiện nay cũng chưa cho phép sóng di động vươn xa và phủ hết các điểm cao, các vùng xa xôi của Tổ quốc.
“Một cán bộ làm việc trên giàn khoan ngoài khơi xa đã chia sẻ rằng, ngày Tết, trên giàn khoan không thiếu những món ăn hương vị Tết nhưng lại thiếu sóng điện thoại nên ngay cả Đêm giao thừa chúng tôi cũng ít khi được liên lạc với người thân. Đây cũng là tâm sự của những chiến sĩ hải quân, chiến sĩ cảnh sát biển, các cán bộ - công nhân ngành dầu khí đang ngày đêm bám biển. Do bị hạn chế về liên lạc nên công tác tiếp cận vị trí của đội cứu hộ đối với một du khách nước ngoài bị lạc trên dãy Hoàng Liên Sơn gặp nhiều khó khăn… Như vậy, việc mở rộng vùng phủ sóng di động ra biển, đưa được sóng di động lên phủ khắp vùng cao, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc mọi lúc mọi nơi mà không phụ thuộc vào điều kiện địa lý, thời tiết đang là một nhu cầu hết sức cần thiết”, ông Long nói.
Tổng giám đốc VNPT cũng hứa với Thủ tướng, VNPT sẽ tiếp tục phát huy vai trò của đơn vị chủ lực trong lĩnh vực VT-CNTT, không ngừng nghiên cứu và khai thác những dịch vụ, tiện ích viễn thông để cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng cũng như phục vụ cho hoạt động kinh tế, chính trị của đất nước.