keo-cap-VNPT.jpg
Trong hai năm 2013 – 2014, VNPT đã phải chi hơn 800 tỷ đồng di dời hạ tầng mạng cáp phục vụ mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

>> VNPT lãi thêm 4000 tỷ đồng sau khi được điều chuyển nhân sự cấp cao  / Không thể sửa xong sự cố đứt cáp quang biển AAG trong 1 - 2 tuần

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ TT&TT tại Hà Nội vào sáng 26/12, ông Trần Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, trong những năm gần đây, VNPT gặp khó khăn trong việc phát triển hạ tầng cố định băng rộng, do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Đặc biệt, với việc mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, VNPT các địa phương đã phải di dời nhiều hệ thống cáp quang, cáp đồng dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ, chi phí cho việc di chuyển các công trình viễn thông này VNPT phải tự chi trả. Chỉ riêng trong hai năm qua, VNPT đã phải chi trả cho việc di dời khi giải tỏa mặt bằng lên đến hơn 800 tỷ đồng, việc VNPT phải tự chi trả được quy định tại Thông tư 07/2000/TTLT-GTVT-TCBĐ.

"Điều này chưa phù hợp vì tất cả các công trình phải di dời khi giải tỏa đều được đền bù, nhưng VNPT lại không được. Mặc dù các Sở TT&TT và các địa phương cũng muốn hỗ trợ cho VNPT nhưng lại thiếu chính sách để chi trả. Nếu cơ chế này không được điều chỉnh thì khi mở rộng thực hiện xây dựng nông thôn mới, việc dịch chuyển các công trình viễn thông ngầm tại các quốc lộ và tỉnh lộ tiếp tục tăng, con số chi phí cho việc dịch chuyển sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, sẽ ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận của VNPT" ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Hiện VNPT đã có văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Những gì cần được đền bù xứng đáng thì cần rõ ràng, tránh tình trạng hiện nay VNPT phải tự lo di chuyển, trong khi nhà cửa, công trình khác đều được đền bù.

Theo Thông tư 07/2000/TTLT-GTVT-TCBĐ ngày 11/12/2000 hướng dẫn xây dựng công trình thông tin bưu điện trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ:

Khi công trình giao thông đường bộ hoặc công trình thông tin bưu điện có yêu cầu sửa chữa, nâng cấp cải tạo, mở rộng thì cơ quan quản lý công trình đó phải báo trước cho chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý công trình kia với thời gian ít nhất 30 ngày.

Trường hợp không có khả năng di dời công trình thông tin bưu điện ra khỏi phạm vi yêu cầu thì chủ đầu tư công trình hoặc cơ quan quản lý công trình thông tin bưu điện phối hợp với cơ quan quản lý công trình giao thông đường bộ thống nhất biện pháp xử lý.

Trong trường hợp công trình hư hại do bất khả kháng, cần sửa chữa gấp thì đơn vị quản lý công trình đó phải kịp thời thông báo cho đơn vị quản lý công trình kia trong thời gian không quá 48 giờ để thống nhất biện pháp khôi phục.

Kinh phí di dời, khắc phục công trình thông tin bưu điện do chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện hoặc đơn vị quản lý công trình thông tin bưu điện chịu trách nhiệm.

Sau 30 ngày thông báo để sửa chữa nâng cấp, mở rộng công trình giao thông đường bộ và sau 01 ngày thông báo để sửa chữa hư hại công trình giao thông đường bộ do thiên tai gây ra mà chủ đầu tư công trình thông tin bưu điện, đơn vị quản lý công trình thông tin bưu điện không có biện pháp khắc phục công trình thông tin bưu điện thì đơn vị thi công công trình giao thông đường bộ sẽ không chịu trách nhiệm về mọi hư hỏng của công trình thông tin bưu điện.