Tại diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II, trong bài tham luận về "Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh những thách thức nghiêm trọng mà biến đổi khí hậu đang đặt ra cho nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng ngành nông nghiệp thông minh và thích ứng được với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Bởi việc xây dựng nông nghiệp thông minh sẽ đáp ứng được 3 mục tiêu cốt lõi hiện nay là tăng năng suất đáp ứng xu hướng dân số tăng lên, phục vụ an ninh lương; Giảm phát thải khí nhà kính và Ứng dụng công nghệ công nghiệp trong nông nghiệp.

VNPT Green có các cấu phần minh bạch trong bức tranh tổng thể, kết nối các chủ thể từ Nông dân - Doanh nghiệp Sản xuất - Cơ quan quản lý nhà nước đến các Nhà cung cấp đầu vào…

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Thông qua việc áp dụng IoT và phân tích dữ liệu hiện đại, VNPT Green không chỉ giúp dự báo tình hình sản xuất, mà còn giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu một cách chủ động. Hiện tại, VNPT Green đã được thử nghiệm ở 8 tỉnh, thành phố và sẽ tiếp tục được “tinh chỉnh”, hoàn thiện hơn nhờ các tri thức thu nhận từ quá trình vận hành thực tiễn.

Bên cạnh đó, như một phần ứng dụng của hệ sinh thái này, VNPT cũng cung cấp cơ sở dữ liệu nông nghiệp cho chính quyền địa phương để phục vụ sử dụng các dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực nông nghiệp tại hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, để tạo dựng ngành nông nghiệp thông minh bên vững, ông Hy cũng đề xuất cần phải xây dựng bộ chỉ số nông nghiệp thông minh (CSA) phù hợp với điều kiện Việt Nam, nghiên cứu các chỉ số của Ngân hàng Thế giới và áp dụng chúng vào các mục tiêu quốc gia về phát triển nông nghiệp; Xây dựng bộ khung công nghệ và cách đánh giá, hướng dẫn triển khai CSA; Thí điểm, điều chỉnh và nhân rộng áp dụng CSA cho các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp.

Định hướng đến 2025, nếu được đưa vào sử dụng rộng rãi, nền tảng cốt lõi hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT sẽ kết nối với các hệ thống thông tin chính phủ nông nghiệp số nhằm hỗ trợ phía chính quyền điều phối, giám sát, cấp phát mã số vùng nuôi/trồng, quản lý sâu bệnh dịch hại, truy xuất nguồn gốc. Như vậy, việc triển khai hệ sinh thái nông nghiệp số sẽ tự động hình thành dữ liệu xã hội nông nghiệp, mang lại những giá trị về chất lượng, kinh tế cho các bên tham gia nền tảng.

Được biết, sau khi được Bộ NN&PTNT chấp nhận, nền tảng sẽ được đề xuất ban hành tiêu chí để áp dụng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế lân cận, tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận và thuê sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin. Theo kế hoạch, Hệ sinh thái nông nghiệp số tỉnh Đồng Tháp sẽ sớm được đưa vào vận hành chính thức tại tỉnh, sau đó nhân rộng trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV