|
35 em học sinh Mường Tè, Sìn Hồ tại Lễ khai giảng khóa đào tạo BCVT&CNTT do VNPT tổ chức. |
Đây là một phần của kế hoạch đưa “200 tỷ đồng đầu tư” của VNPT tới hai huyện này nhằm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Cảm động và vui mừng
35 em học sinh tham gia khóa đào tạo là những em tiêu biểu của 35 xã của 2 huyện nghèo Mường Tè và Sìn Hồ. Các em là con em người dân tộc thiểu số H’Mông, Hà Nhì, Thái, Dao, La Hủ… Cụ thể theo chương trình đào tạo này, 35 em học sinh có trình độ học vấn tối thiểu từ lớp 9 trở lên sẽ được đào tạo nghề theo chương trình đào tạo BCVT - CNTT tại trường Trung học BCVT-CNTT Miền Núi với thời gian đào tạo là 6 tháng. Với kinh phí đầu tư cho khóa đào tạo lên đến hơn 700 triệu đồng, các em sẽ đượcVNPT hỗ trợ 100% kinh phí ăn ở, học tập và sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản, hệ thống về khai thác các dịch vụ BCVT, kiến thức về máy tính và thể lệ, quy trình cung cấp các dịch vụ BCVT tại điểm BĐVHX. Đặc biệt sau khi hoàn thành khóa đào tạo, VNPT sẽ tạo điều kiện để các em vào làm việc ở các đơn vị của VNPT tại địa phương với điều kiện đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tại Lễ khai giảng khóa đào tạo, ông Đinh Quang Minh - Hiệu trưởng trường Trung học BCVT & CNTT Miền Núi cho biết, nhà trường đã nghiên cứu và soạn thảo những bài giảng phù hợp với trình độ, đặc tính và tạo điều kiện thuận lợi tối đa về cơ sở vật chất, cũng như tinh thần, để các em học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, hoàn thành khóa học. Đặc biệt, với sự hợp tác cùng Bưu điện và VNPT Điện Biên - Lai Châu, trường đã tìm hiểu nhu cầu đào tạo và lao động tại hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè để có phương pháp đào tạo linh hoạt và bảo đảm cho khoá học đạt hiệu quả cao.
Chia sẻ niềm vui của mình, em Sùng A Chá, người dân tộc H’Mông, xã Tà Tổng cho biết: “Bản em khó khăn lắm, bữa ăn hàng ngày còn chưa đủ no vì vậy chẳng bao giờ giám nghĩ đến đi học nghề. Được Tập đoàn VNPT cho đi học nghề và còn tạo điều kiện công ăn việc làm sau khi học xong, em mừng lắm, mà cả bản em cũng mừng nữa”. Những chia sẻ của Sùng A Chá có lẽ cũng giống tâm sự của các em khác, nhưng thật xúc động khi được biết để có chút “dự phòng” và lộ phí đi từ bản ra trung tâm tỉnh để đi học (dù kinh phí cả khóa học được VNPT chu cấp toàn bộ), Sùng A Chá đã phải bán mấy con dê – tài sản lớn nhất của gia đình.
Với Phùng Mò Pứ, dân tộc La Hủ, niềm vui của em khi đi học là sẽ có được nhiều hơn các kiến thức về nghiệp vụ Bưu điện để sau này về xã em sẽ được làm việc tại điểm BĐVHX phục vụ bà con.
Đẩy mạnh tiến độ thực hiện thỏa thuận
Khởi động hàng loạt chương trình hỗ trợ hai huyện nghèo từ tháng 10/2009, VNPT là một trong những tập đoàn đầu tiên triển khai các hoạt động cụ thể để thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trên cả nước. Theo thỏa thuận đã ký kết với UBND tỉnh Lai Châu, VNPT sẽ đầu tư khoảng 200 tỷ đồng để thực hiện dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại 2 huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè. Cụ thể trong năm 2009, hàng trăm suất học bổng VNPT đã được trao cho các em học sinh dân tộc thiểu số; khởi công Cơ sở dạy nghề tổng hợp tại huyện Sìn Hồ; xây dựng và bắt đầu bàn giao nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng tại Sìn Hồ; tổ chức khám chữa bệnh cho bà con dân tộc; trao hơn 30 tỷ đồng tiền hỗ trợ xây dựng nhà bán trú dân nuôi và 11 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn cho các em học sinh dân tộc Mảng, La Hủ…
Theo tiến độ thực hiện thỏa thuận này, trong năm 2010 bên cạnh các kế hoạch xoá nhà tạm, xây nhà tình nghĩa, đầu tư cơ sở vật chất cho các công trình y tế công cộng, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế địa phương, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khám chữa bệnh và cấp phát thuốc định kỳ cho bà con dân tộc tại hai huyện này.
Để hỗ trợ hai huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè, việc xóa đói, xóa nhà tạm là yêu cầu cấp bách trước mắt. Nhưng để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững cho hai huyện này cần có một chiến lược đầu tư có chiều sâu. Do đó VNPT đã dành khoản đầu tư lên đến gần 60% trong tổng kinh phí 200 tỷ đồng để phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số.
Từ những hoạt động hỗ trợ đầu tiên của VNPT thời gian qua, đến thời điểm này có thể nói rằng Nghị quyết 30a của Chính phủ đã thực sự đi vào đời sống của bà con các dân tộc thiểu số hai huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè. Những hạng mục đầu tư đối với giáo dục, y tế, dân sinh được VNPT thiết kế trong gói hỗ trợ dành cho Sìn Hồ là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương và đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển văn hoá giáo dục, kinh tế và an sinh xã hội.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 47 ra ngày 19/4/2010.