VNPT đã cắt cáp của FPT, CMC, VTVcab, SCTV, Hanoi Telecom tại khu vực Hà Nội. Lý do của việc này là các doanh nghiệp không chấp thuận theo mức giá mới mà VNPT đưa ra trước đó. |
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Interrnet, viễn thông và truyền hình cho ICTnews hay, khoảng 10 giờ sáng hôm qua 8/7/2019, đoàn thanh tra Viễn thông Hà Nội cùng Trung tâm Viễn thông 4 thuộc Tập đoàn VNPT đã thực hiện cắt cáp của một loạt doanh nghiệp ở vị trí cống bể cáp xã hội hóa mà VNPT làm chủ đầu tư tại khu vực phố Đào Tấn, Hà Nội. Theo phản ánh, có ít nhất 6 doanh nghiệp viễn thông bị phía đơn vị con của VNPT cắt cáp lần này là FPT, CMC, VTVcab, SCTV, Hanoi Telecom và Intercom.
Tại hiện trường, đội kỹ thuật của VNPT có thông báo phía lãnh đạo VNPT Hà Nội chỉ đạo làm với lý do các đơn vị thuê cống bể cáp chưa ký hợp đồng và không cho các nhà mạng tiến hành ứng cứu. Hiện chỉ có duy nhất Viettel ký hợp đồng theo mức giá mới mà VNPT Hà Nội đưa ra.
“Đến 12h trưa hôm qua, tất cả các doanh nghiệp bị cắt cáp đã có mặt đầy đủ tại khu vực cắt cáp và yêu cầu nhân viên VNPT cùng lên phường trình báo sự việc, tuy nhiên nhân viên VNPT không đồng ý. Sau đó, các đơn vị bị cắt cáp đã tiến hành ứng cứu sự cố và bố trí nhân viên của mình trực tại vị trí bị cắt cáp sau khi nhân viên VNPT dọa sẽ tiến hành cắt tiếp. Chúng tôi đã gửi công văn cùng biên bản hiện trường báo cáo lên Sở TT&TT Hà Nội về vụ việc và đề nghị VNPT dừng cắt cáp cho đến khi các bên đàm phán xong hợp đồng”, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ nói.
Đại diện FPT Telecom cho biết, việc bị VNPT Hà Nội cắt cáp đã ảnh hưởng đến nhiều khách hàng của doanh nghiệp này. Trước đó, FPT Telecom đã nhận được văn bản thông báo về mức giá mới cho thuê cống bể cáp nhưng với mức cao rất nhiều lần so với biểu giá hiện tại do TP Hà Nội ban hành để cho các doanh nghiệp dùng chung cơ sở hạ tầng. Do giá tăng vọt lên quá nhiều lần nên FPT yêu cầu đàm phán chứ không chấp nhận mức giá VNPT đưa ra.
Theo đại diện của Hà Nội Telecom, họ đã nhận được thông báo của VNPT Hà Nội trước đó về việc nâng giá cho thuê cống bể cáp. “VNPT áp giá tăng gấp 4 lần/m cống bể cáp cho chúng tôi. Nếu như mức giá cũ là 3.000 đồng/m thì mức giá mới là 12.000 đồng/m. Chúng tôi cho rằng, trong vụ việc này cần có vai trò quản lý nhà nước đối với hệ thống hạ tầng cống bể mà VNPT đầu tư độc quyền. Trước đây, VNPT và các doanh nghiệp viễn thông khác đã từng bị EVN ép giá thuê cột, sau đó các doanh nghiệp đã kiến nghị lên Nhà nước có những biện pháp giải quyết và bây giờ lịch sử lặp lại hành động tương tự”, đại diện Hà Nội Telecom nói.
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet cho ICTnews hay sở dĩ hiện chỉ có Viettel chấp nhận mức giá mà VNPT Hà Nội đưa ra vì Viettel có hạ tầng lớn và họ sẽ áp mức giá mới tương tự lên VNPT để bù đắp những phần tăng giá. Như vậy, những mạng nhỏ có hạ tầng ít sẽ thiệt thòi nhất trong cuộc áp giá của VNPT.
Các doanh nghiệp viễn thông, Internet và truyền hình có mặt tại hiện trường bị cắt cáp. |
Trao đổi với ICTnews chiều ngày 9/7 về vấn đề này, đại diện truyền thông của VNPT cho hay, 2 năm nay VNPT đã gửi văn bản thông báo đến các doanh nghiệp về việc tăng giá cho thuê cống bể cáp, nhưng chỉ có Viettel ký hợp đồng theo mức giá mới còn các doanh nghiệp khác chưa ký hợp đồng. Sở dĩ phải tăng giá vì mức giá cho thuê cống bể cáp mà VNPT đã áp dụng cho các doanh nghiệp theo biểu giá mà TP Hà Nội đưa ra cho các tuyến cáp xã hội hóa và mức giá này quá thấp. Những tuyến cống bể cáp của VNPT xây dựng sẽ phải áp dụng mức giá mới để tính đủ chi phí theo thị trường.
Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp viễn thông, Internet cắt cáp của nhau vì vấn đề giá cho thuê hạ tầng cống bể cáp. ICTnews sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về diễn biến của vụ việc này.