Theo nhận định của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA, với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT-TT, việc ứng dụng CNTT trong toàn xã hội đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng đang từng bước được cụ thể hóa bằng các chính sách của Đảng, Nhà nước. Sự ra đời của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị định 26 ngày 15/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là cơ sở pháp lý, tiền đề cho sự hình thành, phát triển và ứng dụng chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số tại Việt Nam.
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ CNTT quan trọng và ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Chữ ký số được xác định là giải pháp quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, tính xác thực và tính chống chối bỏ trong các giao dịch điện tử. Đặc biệt, các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số mang tính pháp lý và được pháp luật bảo hộ, phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như các hoạt động phát triển thương mại điện tử.
Năm 2009, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đầu tiên được cấp phép và đi vào hoạt động là VNPT-CA thuộc Tập đoàn VNPT. Tiếp theo đó, từ năm 2010 đến 2011, lần lượt các tổ chức CA2 thuộc Công ty cổ phần Công nghệ thẻ NACENCOMM, BKAV-CA thuộc Công ty cổ phần BKAV, FPT-CA thuộc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, VIETTEL-CA thuộc Tập đoàn Viettel, SMARTSIGN thuộc Công ty cổ phần Chữ ký số Vina chính thức được cấp phép hoạt động dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Theo số liệu thống kê tại Sách Trắng CNTT-TT 2017 của Bộ TT&TT, tính đến cuối năm ngoái, thị trường cung cấp dịch vụ chứng thư số công cộng đã có sự góp mặt của 8 doanh nghiệp gồm: VNPT-CA, VIETTEL-CA, BKAV-CA, FPT-CA, SMARTSIGN, SAFE-CA, NEWTEL-CA; NACENCOMM. Cũng theo Sách Trắng CNTT-TT 2017, tỉ lệ tổ chức sử dụng chữ ký số cho các giao dịch điện tử năm 2016 là 54%, tăng 8% so với năm 2015. Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tính đến cuối năm 2016 là 800.171 chứng thư số, tăng 66.325 chứng thư số (tương đương khoảng 9%) so với năm 2015.
Sau khoảng thời gian hoạt động trên thị trường, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, hiện đều là thành viên của VNISA đã quyết định tập hợp lại và xây dựng một tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực chữ ký số, xác thực điện tử.
Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam được chính thức thành lập theo Quyết định 98 ngày 28/11/2017 của Chủ tịch VNISA. Quyết định thành lập nêu rõ, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam là tổ chức chuyên môn thuộc VNISA, bao gồm các thành viên thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tuân thủ tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội và theo Quy chế Câu lạc bộ được Chủ tịch VNISA ban hành.
Thông tin từ VNISA cũng cho hay, ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty Bkav đã được bầu làm Chủ nhiệm lâm thời của Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam.
Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam ra đời được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực Chữ ký số, xác thực điện tử và giao dịch điện tử. Câu lạc bộ là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam, với tôn chỉ và mục đích góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên tham gia; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu công nghệ, thông tin kinh tế, thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Đồng thời, Câu lạc bộ là cầu nối giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, các ban, ngành Trung ương. Câu lạc bộ cũng là nơi tập hợp nguyện vọng của các thành viên với cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đưa dịch vụ chứng thực chữ ký số trở thành dịch vụ CNTT quan trọng trong hạ tầng thông tin quốc gia, là công cụ hữu hiệu trong phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử.