VNISA nhấn mạnh, việc quy hoạch là rất cần thiết và cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng ở Việt Nam, giúp thúc đẩy mảng giao dịch điện tử ở Việt Nam phát triển hơn nữa (Ảnh minh họa: Internet). |
Mỗi CA công cộng Việt Nam chỉ đang cung cấp, duy trì hoạt động cho 100.000 thuê bao
Trong đề xuất gửi Bộ TT&TT, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) về Quy hoạch thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng ở Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA cho biết, thị trường chứng thực chữ ký số công cộng ở Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 2009, sau 10 năm tồn tại và phát triển đã giúp thúc đẩy ứng dụng giao dịch điện tử trong một số ngành nghề, lĩnh vực như giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH)…
Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường chứng thực chữ ký số công cộng vẫn tồn tại nhiều bất cập như: chưa khai thác được hết tiềm năng của thị trường để thúc đẩy giao dịch điện tử một cách rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; khả năng cung cấp của thị trường đang cao hơn cầu nhiều lần dẫn đến mất cân đối thị trường, nảy sinh một số hệ lụy như cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng dịch vụ chưa thực sự tốt, chưa đảm bảo quyền lợi khách hàng…
Minh chứng cho những nhận định của mình, VNISA, cụ thể là Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử (VCDC) – tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hiệp hội này phân tích, thị trường chứng thực chữ ký số công cộng ở Việt Nam hiện tại còn rất nhiều tiềm năng, song chúng ta mới chỉ khai thác ở mảng doanh nghiệp, phục vụ chủ yếu cho các giao dịch Thuế và BHXH điện tử.
Việt Nam đã có 10 đơn vị CA công cộng được cấp phép hoạt động. Theo nghiên cứu của VCDC, các CA công cộng hiện chủ yếu cung cấp cho các doanh nghiệp sử dụng trong hoạt động kê khai thuế điện tử, BHXH điện tử, với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động khoảng 650.000 doanh nghiệp. Lượng doanh nghiệp này đang ổn định trong vài năm trở lại đây; số lượng doanh nghiệp tăng lên không nhiều, do tỉ lệ thành lập mới và giải thể là tương đương. “Trong khi đó, thị trường Chứng thực Chữ ký số công cộng cho cá nhân giao dịch Ngân hàng, Chứng khoán, Thuế Thu nhập cá nhân… vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có hành lang pháp lý để thúc đẩy”, VCDC thông tin.
Nghiên cứu của VCDC còn cho thấy, năng lực của mỗi CA trên thế giới sẽ phải cấp phát và duy trì hoạt động được khoảng 3,1 triệu thuê bao, đặc biệt tại Hàn Quốc mỗi CA cấp phát và duy trì hoạt động cho khoảng 7,4 triệu thuê bao. Còn tại Việt Nam, hiện tại mỗi CA chỉ đang cung cấp và duy trì hoạt động cho khoảng 100.000 thuê bao, so với mặt bằng chung trên Thế giới thì khả năng cung ở Việt Nam đang lớn hơn cầu rất nhiều, do vậy thị trường đang bị mất cân đối.
VCDC cũng cho biết thêm, qua khảo sát thực tế, có thể thấy hệ lụy của việc mất cân đối thị trường khá rõ ràng, đó là: khả năng cung cấp dịch vụ cao hơn nhu cầu dẫn đến việc cạnh tranh quá mức cần thiết dẫn đến giảm giá, chạy đua để có lợi, bỏ qua một số khâu như hồ sơ, giấy tờ đồng thời lừa đảo mạo danh xảy ra; trung bình mỗi tháng các đơn vị CA nhận được 3.465 phản ánh của khách hàng về việc nhận được email, điện thoại lừa đảo, mạo danh để bán chữ ký số - đây là một con số rất đáng báo động, đặc biệt trong một lĩnh vực cần sự đảm bảo và uy tín cao như dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
“Cùng với đó, sự mất cân đối thị trường chữ ký số công cộng cũng khiến cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước gặp khó khăn; gây lãng phí nguồn lực của xã hội (chi phí đầu tư để cung cấp dịch vụ của các đơn vị CA, chi phí quản lý của nhà nước...); làm ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường và quyền lợi của khách hàng không được đảm bảo”, đại diện VCDC phân tích.
Sẽ nghiên cứu Quy hoạch thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng
Với mục đích góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chữ ký số công cộng ở Việt Nam đồng thời tối ưu hóa đầu tư của xã hội khi khả năng cung cấp dịch vụ đã vượt quá nhu cầu của thị trường, trên cơ sở những nghiên cứu độc lập của VCDC, trong văn bản kiến nghị gửi Bộ TT&TT và NEAC mới đây, VNISA đã có sáng kiến đề xuất về quy hoạch thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Cụ thể, VNISA cho biết, do thị trường chữ ký số cho doanh nghiệp hiện đã bão hòa, Hiệp hội đề xuất NEAC khi cấp phép mới cho CA, chỉ cấp phép triển khai chữ ký số cho cá nhân – mảng thị trường hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. “Với mảng chữ ký số cho doanh nghiệp, đề nghị NEAC chỉ cấp phép thêm cho các CA mới khi thị trường đủ lớn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong cà nước đã nhiều thêm”, VNISA kiến nghị.
Trao đổi với ICTnews hôm nay, ngày 16/4/2019, đại diện NEAC cho biết Trung tâm đã tiếp nhận kiến nghị của VNISA về việc quy hoạch thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng ở Việt Nam. Trung tâm dự kiến ngày 19/4 tới sẽ tổ chức buổi làm việc với đại diện VNISA (Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử) cùng một số CA công cộng khác để trao đổi thêm về vấn đề này.
Vị đại diện NEAC cũng cho biết thêm, trong năm 2019, Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm triển khai nghiên cứu, đánh giá để đề xuất Quy hoạch thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
“Nhiệm vụ này hiện vẫn đang được chúng tôi nghiên cứu. Là cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu của Trung tâm sẽ phải dựa trên căn cứ pháp lý, đồng thời phải nhìn nhận rõ vấn đề cung - cầu. Hiện có những đánh giá là cung đã vượt quá cầu, song chúng tôi cho rằng vẫn cần phải đánh giá sâu, kỹ hơn. Cùng với đó, trong năm nay Trung tâm sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ về các vấn đề liên quan như: tổ chức thanh, kiểm tra năng lực, chất lượng các CA để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới các khách hàng”, đại diện NEAC cho hay.