Đại diện Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam trực thuộc VNISA kỳ vọng kết quả đánh giá sẽ là một tiêu chí để cơ quan thuế tham khảo trong việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp khi chuyển từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử (Ảnh minh họa: Internet) |
Với mục tiêu đảm bảo các dịch vụ cung cấp đạt chất lượng, an toàn, góp phần phát triển bền vững ngành, lĩnh vực và thị trường, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam – VNISA đã lên kế hoạch trong quý I và quý II/2019 sẽ tổ chức đánh giá mức độ an toàn của các giải pháp hóa đơn điện tử và chữ ký số.
Trong chia sẻ với ICTnews hôm nay, ngày 25/2/2019, ông Ngô Tuấn Anh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cho biết, thời điểm hiện tại Câu lạc bộ đã hoàn tất bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của các giải pháp hóa đơn điện tử, chữ ký số đang được các doanh nghiệp cung cấp trên thị trường.
“Việc đánh giá sẽ được chúng tôi thực hiện trên tinh thần tự nguyện tham gia của các nhà cung cấp và sẽ đánh giá toàn diện các vấn đề an ninh từ thiết kế hệ thống hạ tầng, phần mềm, đảm bảo an ninh cho ứng dụng, sao lưu/phục hồi dữ liệu... cho tới các quy trình vận hành đảm bảo an ninh. Ngoài ra, với chữ ký số, bên cạnh các nội dung kể trên, Ban tổ chức còn dự kiến đánh giá cả mức độ an toàn của quy trình cấp phát chữ ký số”, ông Ngô Tuấn Anh cho hay.
Chia sẻ thêm về việc đánh giá an toàn dịch vụ hóa đơn điện tử, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh: “Do hóa đơn điện tử là dịch vụ đặc biệt, liên quan tới số liệu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Ban tổ chức mong muốn việc đánh giá các giải pháp hóa đơn điện tử an toàn sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc lựa chọn các dịch vụ đảm bảo. Chúng tôi cũng kỳ vọng kết quả đánh giá sẽ là một tiêu chí để cơ quan thuế tham khảo trong việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp khi chuyển từ sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử”.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử đang trở thành xu thế phát triển tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan thuế. Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Theo Nghị định 119 ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử được thực hiện trong vòng 24 tháng, từ ngày 1/11/2018 đến ngày 1/11/2020. Theo đó, nhóm doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử trước ngày 1/11/2018 thì vẫn tiếp tục dùng bình thường, không cần thay đổi; còn nhóm doanh nghiệp chưa sử dụng hóa đơn điện tử được phép dùng hóa đơn giấy đến hết ngày 31/10/2020 và bắt buộc phải chuyển sang dùng hóa đơn điện tử từ ngày 1/11/2020.
Đối với chữ ký số, sau hơn 10 năm triển khai, đến nay chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ CNTT quan trọng và ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Chữ ký số được đánh giá là giải pháp quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, tính xác thực và tính chống chối bỏ trong các giao dịch điện tử. Đặc biệt, các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số mang tính pháp lý và được pháp luật bảo hộ, phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như các hoạt động phát triển thương mại điện tử.
Theo số liệu của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), hiện tại, thị trường chữ ký số công cộng đã có sự tham gia của 10 nhà cung cấp dịch vụ gồm VNPT-CA, BKAV-CA, FPT-CA, Viettel-CA, Safe-CA, SmartSign (VinaCA), CA2 (Nacencom), Newtel-CA, EFY-CA và TrustCA. Đại diên lãnh đạo NEAC đánh giá, một trong những kết quả đáng ghi nhận của chữ ký số sau hơn 10 năm được triển khai là đã góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Đặc biệt trong lĩnh vực thuế, gần 100% doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục qua mạng sử dụng chữ ký số.