- Lâu lâu khi gặp gỡ lại, bạn bè cũ cứ nói vui với cựu binh Lâm Quốc Dũng là… người góp phần tạo dựng ra những 'Anh hùng biệt động'. Ít ai biết trong một giai đoạn máu lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Dũng có một công tác đặc biệt…

Nguyên mẫu ông chủ hào hoa trong "Biệt động Sài Gòn'

Là nguyên mẫu chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”, ông Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai) đã hoạt động bí mật, góp phần không nhỏ trong trận đánh chấn động Mậu Thân 1968.

Tầm sư học nghề… phục vụ cách mạng

Đến giờ, ông Lâm Quốc Dũng vẫn nhớ như in về những ngày đầu tham gia cách mạng.

Ông kể, giai đoạn đó, bài hát 'Lá xanh' của Hoàng Hiệp “đi đầu quân, đi trong mùa động viên…”, thôi thúc biết bao chàng trai mới lớn rời xa làng quê, gia đình để tòng quân và ông cũng nằm trong số đó.

{keywords}

Ông Lâm Quốc Dũng với người đồng đội

Từ sự cương quyết của bản thân ông và nhờ sự thuyết phục của một chính trị viên tiểu đoàn Quyết Thắng đóng quân trong nhà ông ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho ông lên đường.

“Năm 1964, tôi chính thức vào hoạt động ở phòng Chính trị, quân khu Sài Gòn – Gia Định, chưa đầy một năm sau tôi được đơn vị cử đi học điêu khắc để khắc tranh báo chí… cũng từ đó tôi đến với nghiệp làm giấy tờ giả để phục vụ cách mạng”, ông Dũng hồi tưởng.

Hồi ký của ông Dũng kể, lớp học ông có ba người. Người thầy dạy ba học trò nghề khắc mộc tròn là ông Út Dự, sau này đã hi sinh trong trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân, đợt tổng tấn công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Sau đó ông tiếp tục học nghề làm các công đoạn của giấy tờ giả thông qua người thầy khác là ông Tư Lũy. Cuối cùng, người thầy thứ ba dạy ông nghề chụp, rửa ảnh trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ ở chiến trường là ông Năm Thi.

Mỗi người dạy mỗi nghề khác nhau, nhờ vào sự cần mẫn và năng khiếu bẩm sinh mà sau đó ông Dũng có thể tự “sản xuất” những giấy tờ giả một cách hoàn chỉnh, phục vụ cho cách mạng.

Theo ông Bảy Sơn, tức Trần Minh Sơn – nguyên phó Tư lệnh Thành đội Sài Gòn – Gia Định thì, lúc bấy giờ để làm giấy tờ giả cho những người hoạt động trong nội đô có những khâu khác nhau, mỗi người làm mỗi khâu.

Ông Dũng nhờ vào năng khiếu và quá trình học tập sau đó đã có thể hoạt động độc lập, một mình thực hiện được tất cả các công đoạn.

Giai đoạn bấy giờ, chủ yếu làm giấy tờ cho những người hoạt động trong nội đô Sài Gòn, lực lượng biệt động và những lãnh đạo các đơn vị vào thị sát chiến trường đô thị.

Nhiều đồng đội khi đó gọi vui với ông Dũng là “quận trưởng”, bởi lẽ ông thường ký giả tên các quận trưởng vào căn cước khi làm giấy tờ.

{keywords}

Căn cước Rồng Xanh mà chính quyền Sài Gòn cấp cho người dân trước đây

Theo ông Dũng, giai đoạn trước năm 1968, căn cước mà chính quyền Sài Gòn cấp cho người dân từ 18 tuổi trở lên, có hai loại khác nhau. Khác về mẫu mã, kích thước nhưng nội dung giống nhau.

Với loại căn cước này, qua tay nghề của ông khá đơn giản. Tuy thế trong hồi ức, ông Dũng cho rằng, phải có con mắt tinh tường, nghiên cứu kỹ lưỡng mới có thể làm giả giống như thật. Vì quận này có căn cước có dấu vết khác với quận kia, các quận trưởng cũng dùng loại bút riêng để ký vào căn cước…

“Những đặc điểm đó, người làm giấy giả thiếu chuyên nghiệp, không lưu ý sẽ là một sai lầm chết người”, ông Dũng kể lại.

Góp công tạo dựng những Anh hùng

Từ những thẻ căn cước giả này, đã có nhiều cán bộ chiến sĩ cộng sản kiên trung hoạt động bí mật trong nội đô và tạo ra nhiều chiến công hiển hách.

Đa số những người này, sau đó đều được truy phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang như: Nguyễn Văn Tăng (2 lần), Trần Thị Mai, Đoàn Thị Ánh Tuyết…

{keywords}

Hình ảnh tư liệu ông Dũng lưu giữ

Giai đoạn sau trận tấn công tết Mậu Thân, có một số chiến sĩ hi sinh và bị chính quyền Sài Gòn thu giữ giấy tờ. Từ cơ sở nghi vấn này, chính quyền Sài Gòn tăng cường lùng sục trong nội thành, lập các chốt gác để tra xét; đặc biệt sử dụng lực lượng chiêu hồi để nhận dạng những cán bộ hoạt động trong nội đô.

Có những cán bộ sau này kể, khi bị sa lưới, bọn mật vụ tra tấn dã man về tấm căn cước nhưng kiên trung không hề khai báo. Thậm chí bọn mật vụ trưng ra tấm ảnh người có biệt danh “Dũng râu”, mà chúng biết là chuyên làm giấy tờ giả cho cộng sản thâm nhập đô thành Sài Gòn.

Để đối phó với tình trạng căn cước giả được Việt cộng trang bị, chính quyền Sài Gòn tăng cường biện pháp đối phó bằng cách đưa từ Mỹ sang loại căn cước Rồng Xanh, để cấp cho những người từ 15 tuổi trở lên.

Loại căn cước này được làm theo công nghệ Mỹ, cực kỳ tinh xảo, phức tạp. Quá trình đổi căn cước sử dụng trước đây bằng căn cước Rồng Xanh, chúng cũng tiến hành chặt chẽ.

Tuy nhiên, quá trình đổi căn cước này, chính quyền cũ cấp cho người dân một giấy biên nhận, có giá trị lưu hành cho đến khi nhận được căn cước mới. Loại giấy này cũng được chúng thực hiện khá phức tạp.

Quá trình này, ông Dũng cũng được lệnh nghiên cứu, sản xuất giấy biên nhận được tạm sử dụng chờ đổi căn cước. Kết quả ngoài mong đợi và ông đã thành công. Thành tích đó ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Song song quá trình tạm giữ sử biên nhận giả, ông Dũng vẫn cho ra đời nhiều loại giấy giả khác như: giấy chứng nhận hồi hương của Việt kiều Campuchia, sự vụ lệnh, chứng chỉ tại ngũ, giấy nghỉ phép, tờ cớ mất giấy tờ, giấy hoãn dịch… vẫn đảm bảo cho cán bộ của ta an toàn lưu thông.

Phải sau một thời gian nữa, đến cuối năm 1971 thì loại căn cước Rồng Xanh giả mới được sản xuất thành công khi phải gửi ra nước ngoài. Loại căn cước này được làm gần giống, qua bàn tay “phù thủy” của ông Dũng thì được tạo ra giống y hệt, được sử dụng làm “vũ khí” trong cuộc chiến, trong một thời gian dài.

{keywords}

 Ông Lâm Quốc Dũng hiện nay

Sau năm 1975, ông Dũng về làm ở quận đội Q.3 rồi biệt phái làm phó phòng quản lý nhà đất Q.3.

Từ năm 1976 đến khi về hưu, năm 2009, ông công tác tại Hội Điện ảnh TP.HCM.

Nói về những thành tích đặc biệt của mình, ông tâm sự một cách đơn giản: “Tôi đã sống, cống hiến hết mình, đã đi qua cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Hôm nay nhìn đất nước thanh bình là vui rồi”.

Đàm Đệ