- Là nguyên mẫu chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng “Biệt động Sài Gòn”, ông Mai Hồng Quế (tên thật là Trần Văn Lai) đã hoạt động bí mật, góp phần không nhỏ trong trận đánh chấn động Mậu Thân 1968. Đến nay, vẫn có nhiều phần không thể giải mã được xung quanh con người huyền thoại này. Dịp 30/4 năm nay, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng.

Chiến sĩ biệt động trong vai nhà tư sản

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, ông Mai Hồng Quế, biệt danh là thầy Năm USOM, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Từ đây, một phần đời đầy bí ẩn của con người phi thường, nhiều mặt được hé lộ.

{keywords}

Chân dung ông Trần Văn Lai, tức Mai Hồng Quế

Ông Trần Văn Lai sinh năm 1920, quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, tham gia Cách mạng khi 22 tuổi. Năm 1948, ông chính thức là đảng viên và có những thành tích trong việc đốt tàu, kho hàng của Pháp, chuyển quân nhu cho bộ đội.

Giai đoạn sau hiệp định Geneva, ông Lai được lệnh ở lại hoạt động tại Sài Gòn vì vốn có trong tay những cơ sở cũ.

Để tạo thế hoạt động hợp pháp, tổ chức đã sắp xếp cuộc hôn nhân của ông với bà Phạm Thị Phan Chính (tức Phạm Thị Chinh, là đảng viên, hi sinh cuối năm 1964, được Nhà nước công nhận liệt sĩ). Từ thế danh gia vọng tộc từ gia đình vợ, ông Lai đã vươn lên trở thành nhà thầu khoán, có vai vế trong giới tư sản Sài Gòn, từ đó có cái tên Mai Hồng Quế.

Ông Lai được chọn là một trong những nhà thầu chuyên trang trí nội thất cho Phủ Đầu Rồng (tức Dinh Độc Lập) rồi len lỏi vào các tổ chức như: cơ quan viện trợ USOM của Mỹ, tòa đại sứ Mỹ…

Cũng trong giai đoạn này, ông được lệnh của Quân khu xây dựng hầm bí mật để cất giấu vũ khí tại nội thành, xây dựng chỗ trú ém, bảo vệ cán bộ ra, vào hoạt động tại chiến trường Sài Gòn.

Chính vì có những đặc quyền từ Dinh Độc Lập mà ông Lai đã có những chuyến hàng đóng vai hợp pháp để chuyển những tài liệu giá trị như: bản đồ các mục tiêu bảo vệ trong Dinh Độc Lập, bản đồ hệ thống cống ngầm Sài Gòn, chuyển nhu yếu phẩm, tiền vàng ra Quân khu… phục vụ cho cuộc chiến lâu dài.

Ban ngày, ông đóng vai nhà tư sản Mai Hồng Quế để nắm tình hình các mục tiêu. Ban đêm, một mình ông đào hầm ngầm…ở nhiều căn nhà do ông đứng tên trong nội đô Sài Gòn.

{keywords}

Ông Trần Văn Lai với căn hầm bí mật chứa vũ khí.

Đến nay, vẫn còn bảy căn hầm bí mật do ông Lai đào để phục vụ cho cuộc chiến thời đó. Cũng từ những chuyến xe như chở hàng, ông Lai đã đưa về các căn hầm lượng lớn vũ khí.

Nhiều hồi ức của các chiến sĩ biệt động một thời, còn nhớ rõ những hi sinh của ông Lai cho cuộc chiến của dân tộc. Một trong những nỗi đau lớn là sự hi sinh của người vợ đầu, tức bà Chinh như nói trên. Chính vì hoạt động đứng ra bảo lãnh hai cán bộ cách mạng kiên trung đang bị cầm tù tại Côn Đảo, sau giai đoạn cuộc đảo chính lật đổ chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm, rồi đưa hai người này ra căn cứ thành công mà bà Chinh bị chính quyền Sài Gòn bắt giữ tra tấn đến mức qua đời.

Tuy nhiên nén nỗi đau ông Lai vẫn âm thầm hoạt động.

Hai năm sau, ông tác hợp với bà Đặng Thị Thiệp, cũng là một chiến sĩ biệt động. Đóng vai là người “vợ bé” của nhà thầu khoán, bà Thiệp cùng chồng và cả gia đình đã chuẩn bị công tác bí mật cho nội đô Sài Gòn cho kế hoạch ở giờ G.

Người tiên phong trong cuộc tấn công Tết Mậu thân

Một giờ sáng ngày mùng một Tết Mậu Thân (năm 1968), ba ô tô nối đuôi nhau lao thẳng vào nội đô Sài Gòn. Những phát súng lệnh của cuộc nổi dậy, tấn công các mục tiêu quan trọng nổ lớn.

{keywords}

Bên trong ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, ở đường Võ Văn Tần, P.5, Q.3, TP.HCM.

Ít ai biết, có mặt trên xe và có vai trò chỉ huy, tiên phong cho cuộc chiến mở màn đó là nhà tư sản Trần Văn Lai. Cuộc tấn công vào hàng loạt các mục tiêu quan trọng của chính quyền Sài Gòn tuy thương vong của cách mạng không ít nhưng đã tạo tiếng vang chấn động.

Sau Tết Mậu Thân, thân thế về nhà tư sản Mai Hồng Quế bị lộ là cộng sản nằm vùng. Bà Thiệp kể, lúc bấy giờ toàn bộ nhà cửa của gia đình bị tịch thu, ông Quế (tức ông Lai) phải bỏ trốn.

Chính quyền Sài Gòn truy nã gắt gao, treo thưởng một triệu đồng, nếu ai bắt giữ hoặc có thông tin về ông. Trong hành trình lẩn trốn, có lúc ông giả như người điên.

Giai đoạn năm 1970 - 1974, ông Lai hai lần bị địch bắt và tra tấn; nhưng trước thái độ kiên trung của ông, chúng không khai thác được gì. Dù ông được phóng thích, nhưng chính quyền Sài Gòn theo dõi nhất cử nhất động của ông.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Lai kinh qua nhiều vị trí như: công tác tại đơn vị tiền phương B.12 Bộ Tư lệnh Thành đội Sài Gòn – Gia Định với nhiệm vụ truy quét tàn quân, tiếp quản các nhà của sỹ quan, lính chế độ Sài Gòn; trưởng ban quản lý thương xá Tam Đa (sau là trung tâm thương mại quốc tế Sài Gòn); công tác tại phòng tổng kết chiến tranh – Bộ Tư lệnh TP.HCM…

Năm 1981, ông Lai nghỉ hưu và giữa năm 2002 thì mất.

Được biết, hai trong số hàng loạt căn nhà mà ông Lai xây dựng hầm ngầm phục vụ cho đại cuộc của Cách mạng được công nhật là di tích lịch sử cấp quốc gia và di tích lịch sử cấp thành phố.

{keywords}

 Bên trong căn hầm chứa vũ khí của ông Trần Văn Lai.

Hiện, người con trai thứ ba của ông Lai và bà Thiệp, là ông Trần Vũ Bình đang lưu giữ, bảo quản hàng loạt căn nhà cũng như khoảng 1.000 hiện vật quý giá, liên quan đến cuộc đời hoạt động của ông.

Chính ông Bình dù là người con thân thiết nhất của ông Lai, đến nay vẫn chưa khám phá hết những bí mật cuộc đời hoạt động của người cha mình.

Ông đã hi sinh tất cả cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. 40 năm sau cuộc chiến đó, ông được công nhận là Anh hùng nhưng xung quanh con người phi thường đó có những câu chuyện không thể giải mã được.

Đàm Đệ

(còn nữa)